Dùng vi khuẩn xua đuổi muỗi

(khoahocdoisong.vn) - Thay vì phải sử dụng các loại thuốc diệt côn trùng độc hại cho môi trường và sức khỏe, hay dùng các mẹo dân gian mất thời gian, không diệt được tận gốc, thì có thể trông chờ vào một loại vi khuẩn.

Thuốc chống côn trùng từ vi khuẩn

Theo tạp chí Science Advances, các nhà côn trùng học và công nghệ sinh học ở Đại học Wisconsin, Mỹ, phát hiện ra rằng hỗn hợp các chất do một loài vi khuẩn tiết ra có tác dụng xua đuổi muỗi. Hiệu quả xua đuổi côn trùng thậm chí còn cao hơn so với các loại thuốc đang phổ biến như dietitoluamide (DEET) và icaridin.

Loài vi khuẩn Xenorhabdus budapestensis được các nhà vi trùng học Hungary phân lập vào năm 2005 từ loài giun Steinernema bicornutum sống ký sinh trong cơ thể côn trùng, được thu thập tại thành phố Subotica của Serbia. Đó chính là loài vi khuẩn tiêu diệt côn trùng bằng cách phá hủy các tế bào và ngăn chặn phản ứng miễn dịch của côn trùng.

Đây là lần đầu tiên hợp chất do vi khuẩn tiết ra được sử dụng làm nguồn thuốc chống côn trùng. Phương pháp khối phổ đã chỉ ra rằng hỗn hợp 2 chất do vi khuẩn Xenorhabdus budapestensis tiết ra đã phát huy tác dụng, các nhà khoa học có kế hoạch kiểm tra tác dụng này đối với ve và các loài côn trùng khác.

GS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam cho rằng, đây đúng là một đột phá trong nghiên cứu, có điều để ứng dụng rộng rãi thành thuốc diệt côn trùng thì như thế nào, có thương mại hóa để sản xuất hàng loạt được không thì lại là vấn đề khác. Nếu ứng dụng để thay thế các loại thuốc diệt côn trùng hiện nay được thì sẽ là một giải pháp đột phá trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.

Ở Việt Nam cũng có nhiều nghiên cứu về các loại thuốc diệt côn trùng từ thảo dược, không gây hại cho môi trường hay các loại tinh dầu xua đuổi côn trùng. Tuy nhiên, việc xua đuổi côn trùng trên quy mô lớn, để áp dụng rộng rãi như một loại thuốc tiện dụng lại cần đến nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn.

Nhiều giải pháp diệt muỗi an toàn

Các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã nghiên cứu, sản xuất thành công thuốc trừ muỗi, bọ gậy từ tinh dầu thực vật không độc hại để trừ muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết, sốt rét. Nhóm nghiên cứu đã xác lập được công thức, quy trình pha chế thuốc diệt muỗi, bọ gậy từ tinh dầu thực vật, gồm các chất: dung môi etanol, chất phụ gia borac, các tinh dầu cam, bạc hà, bạch đàn, chanh, sả, quế, cúc vạn thọ. Thuốc diệt muỗi này có tác dụng diệt muỗi và bọ gậy khá cao: hiệu lực diệt muỗi của thuốc đạt tới 82,5% ở nồng độ phun là 1 ml/10 m3 (kết quả đã được Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thuộc Bộ Y tế kiểm nghiệm).

Ở Việt Nam đã từng áp dụng biện pháp diệt trừ sinh học bằng cách thả muỗi mang virus ra môi trường để ức chế muỗi gây bệnh sốt xuất huyết ở Khánh Hòa. Theo đó, muỗi mang vi khuẩn Wolbachia có thể ức chế khả năng phát triển của virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết trong cơ thể muỗi, từ đó giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Theo GS Bùi Công Hiển, để diệt muỗi, có rất nhiều cách mà không cần dùng đến các loại thuốc hóa học. Trong tự nhiên, nếu diệt sạch muỗi cũng sẽ không tốt cho môi trường bởi trong chuỗi thức ăn, muỗi là thức ăn của nhiều loài khác. Do đó, chỉ nên áp dụng các biện pháp xua đuổi muỗi, côn trùng trong nhà.

Nói như vậy để thấy cần phải "chung sống" với côn trùng một cách thông minh. Có thể ngăn côn trùng vào nhà bằng rèm, mành mành hay tấm lưới… Bên trong nhà luôn gìn giữ vệ sinh và có thể treo ở chỗ kín đáo có khả năng côn trùng bay vào (của sổ, cửa thông gió) các tấm bẫy dính có bán trên thị trường. Chú ý không thể phòng chống côn trùng nhất thời bằng xịt thuốc diệt sâu bọ, vừa tốn tiền, vừa hại sức khỏe.

Bảo Khánh

Việt Nam cũng đã có nghiên cứu về loại nước giặt quần áo chống muỗi từ quả bồ hòn của các tác giả Viện Dệt may, Da giầy và Thời trang, Đại Học Bách khoa Hà Nội. Quả bồ hòn có tên khoa học Sapindus Mukorossi, đây là loại quả có sẵn ở Việt Nam. Sở dĩ nhóm chọn quả bồ hòn để nghiên cứu tìm ra loại chất tẩy rửa mới, an toàn vì chiết xuất từ quả bồ hòn được sử dụng làm chất tẩy rửa gia dụng rất hiệu quả.

Theo Đời sống
back to top