Đừng vận động khi cơ thể hạ nhiệt  

(khoahocdoisong.vn) - Vào ngày lạnh, không ít trường hợp, người bỗng có hiện tượng run rẩy, mệt mỏi, lờ đờ, thở nông… Đây là hiện tượng cơ thể hạ nhiệt. Bạn sẽ làm gì, uống một cốc nước cực nóng, chui vào chăn ngay lập tức, nhảy nhót để làm nóng cơ thể … Liệu những cách này có đúng?.

Mất nhiệt do tiêu hao năng lương

Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam cho biết, hạ thân nhiệt sau khi đi ngoài lạnh về là hiện tượng khá phổ biến, nhiều người mắc phải trong mùa đông. Biểu hiện của hạ thân nhiệt bao gồm run rẩy, kiệt sức, đói lả, buồn ngủ, da tái, sờ lạnh, lóng ngóng chân tay, thậm chí nặng có thể xuất hiện các hiện tượng mất phương hướng, mất trí nhớ tạm thời, nói lắp bắp không rõ ràng…

Nguyên nhân của tình trạng này là do trời lạnh, cơ thể không đủ ấm để chống đỡ với cái lạnh giá nên bắt buộc phải sản sinh năng lượng để cung cấp cho cơ thể để đối phó với lạnh.

Lương y Vũ Quốc Trung phân tích: Thông thường, nhiệt độ bình thường của các bộ phận trong cơ thể là 37  độ C. Ở nhiệt độ này, cơ thể không phải dành năng lượng để giữ ấm. Vì vậy, xung quanh nền nhiệt độ 28-30 độ C, chúng ta có thể sống khỏe mạnh.

Tuy nhiên, khi nhiệt độ môi trường xuống thấp, nhất là vào những ngày rét đậm, rét hại, nhiệt độ môi trường chỉ ở mức 13- 15 độ C, cơ thể bắt đầu có phản ứng.

Các nghiên cứu đã chỉ ra, khi nhiệt độ xuống thấp, tất cả các phản ứng hóa học trong cơ thể đều cần năng lượng, cơ thể phải dành nhiều năng lượng hơn để giữ ấm và cơ thể sản sinh năng lượng bao nhiêu thì cũng đồng nghĩa tiêu hao bấy nhiêu, mức tiêu hao quá ngưỡng cho phép, cơ thể sẽ hạ thân nhiệt.

Thực tế, mặc quần áo ấm, ăn uống đủ chất là cách rất tốt giúp bạn chống đỡ lại cái lạnh, tránh cơ thể tiêu hao năng lượng. Tuy nhiên, không phải lúc nào bạn cũng làm tốt việc này. Vì thế việc hạ thân nhiệt do trời lạnh vẫn thường diễn ra.

 Lương y Vũ Quốc Trung: Vào mùa đông lạnh giá, bạn nên chuẩn bị một vài nhánh gừng tươi trong nhà. Gừng tươi có thể sử dụng làm gia vị cho các món ăn, đồng thời giúp ích rất lớn trong việc chống lạnh, bạn có thể dùng gừng để làm trà gừng, để tắm hoặc ngâm chân…

Hạn chế vận động trong 30 phút

Theo lương y Vũ Quốc Trung, khi cơ thể bị lạnh và xuất hiện các dấu hiệu của hạ thân nhiệt, nhiều người cố gắng vận động như nhảy, chạy, khua khoắng chân tay… để làm ấm cơ thể. Tuy nhiên, chính việc nhảy nhót vận động này lại có tác dụng ngược lại. Càng vận động càng làm cơ thể mất thêm năng lượng và tình trạng mất nhiệt càng diễn ra nhanh chóng.

Tốt nhất khi cơ thể bị hạ nhiệt, hãy vào nơi ấm áp, nếu từ xa trở về nhà, hãy vào ngay phòng ấm, nếu quần áo ẩm ướt, hãy thay ngay đồ khô ráo, sạch sẽ và ngồi, nằm trong chăn ấm, tránh vận động ít nhất trong vòng 30 phút để cơ thể không bị mất nhiệt thêm.

Nếu bạn cảm thấy đói lả, bạn có thể ăn một chút gì đó để cơ thể tiếp thêm năng lượng, trong trường hợp bạn đang ở nhà, tốt nhất nên uống đường glucose ấm pha với gừng.

Đường glucose giúp cơ thể nhanh chóng hấp thụ được năng lượng. Trong trường hợp không có đường glucose, bạn có thể sử dụng các loại đường thông thường mà gia đình hay sử dụng.

Còn gừng có tác dụng làm ấm cơ thể. Nếu không có trà gừng, bạn có thể sử dụng gừng tươi. Hãy rửa sạch gừng tươi đập hoặc thậm chí đơn giản là thái vài lát mỏng cho vào cốc nước đường. Cách này vừa đơn giản, vừa giúp cơ thể nhanh chóng thoát khỏi cơn hạ nhiệt.

Lương y Vũ Quốc Trung lưu ý thêm, tốt nhất vào mùa đông, nhất là vào những ngày lạnh giá, hãy giữ ấm cơ thể, nhất là khi đi ngoài đường. Bên cạnh quần áo ấm, hãy trang bị đủ khăn, tất, găng tay, khẩu trang. Ngoài ra nên ăn các loại đồ ăn cung cấp nhiều năng lượng. Khi cơ thể được giữ ấm bạn sẽ dễ dàng đối nhiệt độ thấp hơn.

Theo Đời sống
back to top