Biến chứng dễ gây liệt và tử vong
PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu T.Ư cho biết, vẩy nến là bệnh hệ thống. Những người mắc bệnh vẩy nến đang bị tăng rủi ro mắc 11 loại bệnh khác như tim mạch, tiểu đường, béo phì, bệnh Crohn, nhồi máu cơ tim, viêm loét đại tràng, hội chứng chuyển hóa và bệnh gan…
Hơn nữa, 42% người mắc bệnh vẩy nến cũng mắc bệnh viêm khớp vẩy nến, gây đau đớn, xơ cứng, sưng tại các khớp và có thể dẫn tới biến dạng, mất chức năng vĩnh viễn (liệt). Vì vậy, bản thân bệnh không gây chết người nhưng chính những biến chứng lại là nguyên nhân gây tử vong cho người bệnh.
Chiếu tia tử ngoại UVB dải hẹp cho bệnh nhân tại Bệnh viện Da liễu T.Ư
Phương pháp ưu tiên đạt hiệu quả 80%
Ngày 18/10, gặp anh Phan Lạc Ngọc (28 tuổi ở Thạch Thất, Hà Nội) tới khám lại. Anh cho biết, anh bị bệnh đã 20 năm. Trước đây, anh dùng đủ các loại thuốc Đông Tây y không đỡ, nhiều đợt bội nhiễm toàn thân, nghe theo quảng cáo dùng thuốc Nam để chữa trị thì bệnh còn bị lan rộng toàn thân. Khi dùng tia tử ngoại trị liệu sau 10 ngày bệnh thì bệnh của anh giảm mạnh và 30 ngày thì hết, tới nay hơn 6 tháng chưa tái phát.
Theo PGS.TS Lê Hữu Doanh, căn nguyên gây bệnh vẩy nến rất phức tạp vẫn chưa tìm ra nguồn gốc của bệnh nhưng có yếu tố cơ địa di truyền và cơ chế tự miễn dịch. Tuy nhiên, không nhất thiết mọi người có gene gây bệnh mà phải có những yếu tố tác động như stress, nhiễm khuẩn, chấn thương thượng bì, một số thuốc, thức ăn, rượu… Chẩn đoán bệnh khá dễ dàng nhưng việc điều trị lại rất khó khăn. Chưa có phương pháp nào chữa khỏi hẳn được bệnh vẩy nến, mà chủ yếu làm giảm bệnh, kéo dài thời gian tái phát, giúp người bệnh dễ chịu hơn trong sinh hoạt…
ThS Hoàng Văn Tâm, Trưởng nhóm Vẩy nến, Bệnh viện Da liễu T.Ư cho hay, vẩy nến là bệnh mạn tính, ổn định từng đợt và tái phát không theo chu kỳ, vì thế việc kiểm soát bệnh định kỳ theo bảo hiểm y tế là cực kỳ quan trọng. Việc điều trị rất khó khăn, dễ gây chán nản vì không có thuốc đặc trị. Thuốc có thể có hiệu quả với trường hợp này nhưng lại không hiệu quả với trường hợp khác. Một số trường hợp thương tổn ổn định, nếu số lượng thương tổn ít và diện tích thương tổn nhỏ. Nếu bệnh nặng, thương tổn xuất hiện toàn thân, thường rất khó điều trị, tuy nhiên nếu được điều trị đúng cách có thể kiểm soát tốt được bệnh.
Theo ThS Hoàng Văn Tâm, UVB dải hẹp là phương pháp mới phát hiện để điều trị cho những bệnh nhân vẩy nến vừa và nặng. Đây được coi là phương pháp ưu tiên hàng đầu trong điều trị vẩy nến, bạch biến. Bởi ánh sáng UVB phổ hẹp là công nghệ quang trị liệu mới và hiệu quả nhất đang được ứng dụng cho rất nhiều bệnh nhân bị vẩy nến trên khắp thế giới.
So với ánh sáng UVB phổ rộng, ánh sáng UVB phổ hẹp hầu như đã loại trừ hết các tia UV thừa nguy hại cho da và chỉ phát các tia có bước sóng 311 – 312nm an toàn không gây ung thư da khi chiếu < 300 lần, mang lại hiệu quả cao điều trị 70 – 80%, bệnh ổn định lâu dài. Thường bệnh nhân chiếu tuần 3 lần, khoảng 30 lần chiếu đã có thể kiểm soát được bệnh. Mỗi lần chiếu 1 – 10 phút, sau chiếu có thể đi làm như bình thường. Đặc biệt, việc kiểm soát bệnh ổn định sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng.
Thúy Nga