Quan sát để biết khi nào con sẵn sàng
Theo cô giáo Nguyễn Thu Nga, Trung tâm Anh ngữ Hà Nội EHC, việc cho trẻ học tiếng Anh sớm là một xu hướng mà nhiều gia đình hiện đại muốn áp dụng, nhưng cần hiểu rõ thời điểm “sớm” không phải là từ khi trẻ bập bẹ học nói.
Thời điểm ấy chỉ phù hợp khi trẻ sống trong môi trường ngôn ngữ thứ hai không phải tiếng mẹ đẻ và khi đó ngôn ngữ thứ hai lại là ngôn ngữ chính của trẻ. Còn ở ta, việc cho trẻ học tiếng Anh như một ngoại ngữ chỉ nên bắt đầu khi trẻ có khả năng nhận thức về ngôn ngữ cũng như khả năng bắt chước tốt.
Học ngoại ngữ sớm là tốt. Tuy nhiên không phải là lúc con còn bập bẹ tập nói.
Thời điểm phù hợp nhất có lẽ là khi trẻ ở tuổi mẫu giáo, khoảng 4 – 5 tuổi. Nếu để lớn hơn mới bắt đầu học, lưỡi sẽ “cứng” và khó bắt chước những âm khó trong tiếng Anh.
Tuy nhiên, việc học với ai và học như thế nào là điều vô cùng quan trọng. Trẻ mới học nếu tiếp xúc với một phương pháp không phù hợp sẽ dễ chán và việc học sẽ không hiệu quả; hoặc nếu học với những thầy cô phát âm không chuẩn trẻ sẽ nói không chuẩn và cách phát âm sai đó về sau rất khó sửa.
ThS Trần Mạnh Hoàng, Trung tâm Bội dưỡng Kỹ năng mềm cho rằng, không có một quy tắc nào định ra lứa tuổi phù hợp nhất để trẻ nên bắt đầu học tiếng Anh.
Tuy nhiên, để việc tiếp thu ngôn ngữ thứ hai hiệu quả và không ảnh hưởng đến sự phát triển của tiếng mẹ đẻ là ngôn ngữ chính, ngôn ngữ thứ nhất, thì chỉ nên cho trẻ học khi đã hoàn thiện việc tiếp thu và sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ một cách cơ bản.
Trước đó, nếu muốn, cha mẹ vẫn có thể cho trẻ tiếp xúc với tiếng Anh qua các bài hát, trò chơi, nhưng chỉ nên dừng lại ở hoạt động vui chơi, tìm hiểu, chứ không nên là hoạt động chủ đạo trong đời sống hằng ngày của trẻ.
Ngoài ra, thời điểm cho trẻ học tiếng Anh còn phụ thuộc vào chính mỗi đứa trẻ và hoàn cảnh học mà chúng sẽ theo. Đối với một số trẻ, học tiếng Anh giống như con vịt được thả xuống nước, trong khi nhiều trẻ khác cùng lứa tuổi lại vẫn có thể gặp trở ngại.
Cha mẹ hãy chú ý đến tính cách của con bởi đó cũng là một yếu tố quan trọng giúp xác định được khi nào trẻ nên bắt đầu làm quen với ngôn ngữ thứ hai. Nếu con bạn mạnh dạn trong giao tiếp, tự tin và có khả năng tập trung thì chẳng phải chần chừ gì mà không cho bé theo một khóa học tiếng Anh cho trẻ em.
Nhưng nếu con bạn gặp khó khăn trong việc tập trung vào một việc gì đó trong tối thiểu là 30 giây và không thích làm theo những gì được yêu cầu, thì có lẽ bạn nên chờ thêm một thời gian nữa.
“Điều quan trọng của việc học tiếng Anh cùng với phát triển những kỹ năng học tập, tương tác chỉ có thể đạt được thông qua những trải nghiệm thực và thường thì lớp học là môi trường tốt nhất cho những trải nghiệm như vậy. Việc học ở nhà với băng đĩa nghe bài hát, xem phim hoạt hình hay các video dạy tiếng Anh… chỉ nên xem như việc cho trẻ tiếp xúc sớm với tiếng Anh” – ThS Trần Mạnh Hoàng.
Cho trẻ học thêm nhiều kỹ năng khác
Khi bắt đầu cho trẻ học tiếng Anh sớm, nhất là đối với những trẻ không mạnh dạn trong giao tiếp và khả năng tập trung kém thì việc cần làm trước mắt là giúp trẻ học cách tập trung và kỹ năng ứng xử, hơn là đòi hỏi trẻ phải tham gia vào một hoạt động lấy việc học làm chủ đạo.
Vì vậy, nếu con bạn nhút nhát và hơi một chút khép mình, bạn hãy cân nhắc việc cho con tham gia một chương trình tiếng Anh mà hoạt động chủ đạo là vui chơi, múa hát và có sự tương tác với người bản ngữ. Hứng thú trong việc học tiếng Anh sẽ giúp con bạn xây dựng sự tự tin, cũng như học cách giao tiếp tương tác với mọi người.
Ngoài việc cho con học ngoại ngữ, các bậc phụ huynh cần chú ý dạy thêm những kỹ năng khác cho con.
Nhiều kỹ năng trẻ có thể tập trung học được trước khi đến thời điểm học đọc và viết. Chẳng hạn như học cách tương tác với mọi người, học cách tập trung, học cách ứng xử, học cách chú ý đến giáo viên, học để hiểu tại sao trẻ có mặt trong lớp học này…
Tất cả những kỹ năng này giúp hình thành nền tảng cho việc học, không chỉ đối với tiếng Anh và trên thực tế sẽ hỗ trợ khả năng học của trẻ rất nhiều ở bất kể lĩnh vực nào. Thiếu những kỹ năng này trẻ sẽ khó có thể tiến xa được trong việc học tập.
Đức Anh