Cocacola, bánh kẹo, nước giải khát các loại khác… thay vì sử dụng đường để làm ngọt thì nay được thay thế bằng các chất tạo ngọt nhân tạo. Nhiều thông tin quảng cáo cho thấy, với chất tạo ngọt nhân tạo, những người vốn bị tiểu đường, béo phì hoặc ăn kiêng… đều có thể sử dụng.
Thậm chí, chính vị ngọt của đường nhân tạo giúp người bệnh ăn ngon miệng, cảm nhận được độ ngọt ngào của thực phẩm. Việc dùng đường nhân tạo khiến người bệnh không cần tính toán cân đối khẩu phần. Đây là lý do những sản phẩm này thường được lựa chọn nhiều hơn.
Thay thế đường ăn uống không cần tính toán
Tuy nhiên, trao đổi về vấn đề này, BS Phạm Thái Nguyên, nguyên cán bộ Viện Quân y 108 cho hay, đây là sai lầm của nhiều người bệnh trong việc sử dụng các thực phẩm. Đặc biệt là với suy nghĩ chất tạo ngọt nhân tạo không ảnh hưởng sức khỏe.
Vị chuyên gia phân tích, đường hay các thực phẩm như cơm, bánh kẹo, nước ngọt… sau khi vào cơ thể sẽ được cơ thể chuyển hóa thành glucoza ở huyết tương. Glucoza dưới tác động của hormon isulin sản xuất từ tuyến tụy sẽ “dẫn đường” để hấp thu vào tế bào. Nhưng vì một lý do nào đó, quá trình sản xuất isulin bị trục trặc nên tỉ lệ thấp, do đó đường glucoza bị ứ lại trong máu. Lúc này, đường trong máu cao hay còn gọi là bệnh tiểu đường.
Đối với đường nhân tạo hay còn gọi là chất tạo ngọt nhân tạo, dù không chứa calo nhưng khi vào cơ thể vẫn phải được chuyển hóa để đi vào tế bào. Do đó, cơ thể vẫn phải tiết ra các men, hormon để chuyển hóa đường. Nên nói không ảnh hưởng là chưa chính xác.
Đồng quan điểm, BSCKII Mai Thị Minh Hậu, Trưởng Khoa nội tiết, Bệnh viện 19.8 (Bộ Công An) cho rằng, chất tạo ngọt dù được cho là không có calo nhưng vẫn là thành phần ngọt để đưa vào cơ thể. Lúc này, cơ thể vẫn phải làm việc để xử lý chất ngọt, nên có thể không phải là isulin nhưng nhiều chất khác sẽ sản sinh ra.
Sau cùng, việc ảnh hưởng đến người bệnh tiểu đường hay béo phì… vẫn có.
“Việc sử dụng các chất tạo ngọt nhân tạo để thay thế đường ngọt xem ra là hữu ích. Nhưng những người ăn kiêng cần cân nhắc, bởi không chỉ ở nước ta khuyến cáo mà nhiều nghiên cứu thế giới đã chỉ ra”, vị chuyên gia cho biết.
Không đường vẫn có năng lượng
Ở góc độ khác, các chuyên gia nhấn mạnh, nhiều người tiêu dùng đang bị đánh tráo khái niệm sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo thì không sợ béo phì vì không có calo. Nhưng thực tế, chất tạo ngọt này chỉ là một thành phần rất nhỏ trong thực phẩm họ đang ăn. Ví dụ, trong bánh ngọt còn có tinh bột, chất tạo màu, hương vị, kem…
Vì thế, khi ăn các sản phẩm này vô hình trung vẫn được chuyển hóa thành đường glucoza đưa vào tế bào. Tại tế bào, chất đường tiếp tục chuyển hóa thành calo năng lượng để nuôi cơ thể. Nên nói không có calo chỉ là ở chất tạo ngọt. Còn sản phẩm có chất tạo ngọt vẫn luôn có một lượng calo nhất định vào cơ thể.
Chính vì thế, người dùng có thể chủ quan ăn không kiềm chế, không cần tính toán cân đối khẩu phần. Dẫn đến nguy cơ tăng đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường và béo phì sẽ rất cao.
“Nước ta chưa có nghiên cứu cụ thể nhưng với kinh nghiệm, kiến thức y khoa chúng tôi thường khuyến cáo bệnh nhân cần hạn chế ngay cả với các chất ngọt nhân tạo. Còn nếu nhìn ra các nghiên cứu của các nước phát triển sẽ thấy rõ hơn.
Như các nhà nghiên cứu từ Đại học Manitoba (Canada) đã tiến hành một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên. 1.003 người được theo dõi trong 6 tháng về ảnh hưởng của chất tạo ngọt đối với việc giảm cân. Kết quả cho thấy người tiêu thụ chất làm ngọt thì giảm cân không hiệu quả.
Nghiên cứu sâu hơn cho thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng chất làm ngọt nhân tạo và nguy cơ tăng cân béo phì, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim và các vấn đề sức khỏe khác”, BS Phạm Thái Nguyên nói.
Hà Trang