Đừng cáu giận khi lên giường

Với những cơn cáu giận bộc phát trước giờ đi ngủ hoặc những bực bội “ngầm” trong ngày, thay vì “tống khứ” chúng, không ít người lại lờ đi và mang cơn cáu giận khi lên giường ngủ. Đây chính là nguyên nhân khiến chúng ta mất ngủ, khó ngủ, hoặc có một đêm ngủ không ngon giấc chứ không phải do tuổi tác hoặc các vấn đề về sức khỏe.

Theo các chuyên gia, bạn cần phải giải quyết các cơn cáu giận trước khi lên giường.

Lên giường rồi vẫn còn thấy cáu, bực

BS Nguyễn Văn Hùng, nguyên bác sỹ bệnh viện 105 cho biết, mất ngủ là hiện tượng khá phổ biến, ai cũng từng trải qua, có người mất ngủ tạm thời, có người mất ngủ thường xuyên. Nhiều người khi mất ngủ sẽ đổ lỗi cho các nguyên nhân như tuổi già, hoặc các vấn đề liên quan đến sức khỏe.

Tuy nhiên, có một thực tế, việc khó ngủ, mất ngủ đôi khi còn bắt nguồn từ những cơn cáu giận. Các cơn cáu giận này có thể bộc phát (cãi nhau với chồng trước khi ngủ, bực con cái vì chúng làm sai điều gì đó, thậm chí chỉ là bực vì nhà hàng xóm mở nhạc quá to…) hoặc có thể là cơn cáu giận “ngầm” trong ngày chưa giải tỏa hết.

Điều đáng nói, nhiều người không tìm cách giải quyết dứt điểm mà lại chọn giải pháp bỏ mặc và mang chúng lên giường ngủ. Tuy nhiên khoa học đã chứng minh sự giận dữ dù là bộc phát hay là những cơn “sóng ngầm” đều có liên quan mật thiết đến giấc ngủ.

Các cơn cáu giận khiến chúng ta khó ngủ, mất ngủ hoặc ngủ không ngon giấc. Dấu hiệu nhận biết các cơn cáu giận này là không khó. Với những cơn cáu giận bộc phát tức thời ngay trước khi chúng ta lên giường ngủ bao gồm: tim đập nhanh, hơi thở dồn dập, cảm giác toát mồ hôi, mặt đỏ bừng, hai tay và toàn thân run rẩy, thậm chí là chóng mặt.

Các cơn giận dữ ngầm kéo dài thì khó nhận biết hơn, nhưng chúng ta có thể nhận thấy qua cảm xúc. Cơn giận dữ thường kèm theo các trạng thái như cáu kỉnh, buồn bã, thất vọng, lo lắng…

Theo BS Nguyễn Văn Hùng, khi thấy những dấu hiệu này, thay vì bỏ mặc chúng và lên giường đắp chăn, chúng ta phải điều hòa cảm xúc.

Với những cơn giận bộc phát, bạn hãy hít thở sâu để giúp khôi phục lượng ô xy đến não và xoa dịu phản ứng căng thẳng mà bạn đang trải qua. Bạn hãy lặp lại động tác này nhiều lần cho đến khi bắt đầu cảm thấy bình tĩnh hơn. Nếu vẫn cảm thấy chưa “cân bằng” bạn hãy đi dạo một vòng để cơn giận trong được dịu lại.

Ngoài ra, bạn cần học cách loại bỏ mọi thứ phiền muộn trong ngày. Nếu bước lên giường bạn vẫn thấy cáu kỉnh, buồn bã hay thất vọng, thay vì nhắm mắt và có gắng ngủ, bạn nên dành nửa tiếng để làm “giờ lo lắng”.

Bạn có thể nói với người ngủ cùng giường hoặc viết ra giấy những điều bạn đang nghĩ và hướng giải quyết nó. Sau đó, bạn hãy thả lỏng toàn thân và nghĩ đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống, những điều có thể làm trong ngày mai…

Theo các chuyên gia, để duy trì giấc ngủ ngon bạn cần duy trì ngủ đúng giờ, không ngủ nướng, thả lỏng trước khi đi ngủ. Ngoài ra, hãy tập thể dục thường xuyên vào buổi sáng hoặc chiều tối (tránh tập thể dục vào ban đêm), loại bỏ những yếu tố quấy rối giấc ngủ như tiếng chó/mè kêu, tiếng đồng hồ tích tắc, đèn phòng ngủ quá sáng…

Ngừng vận dụng trí óc trước ngủ 30 phút

ThS Trần Mạnh Hoàng, Trung tâm Bồi dưỡng Kỹ năng mềm cho biết, chất lượng của giấc ngủ là điều vô cùng quan trọng và làm thế nào để có một giấc ngủ ngon là điều mà chúng ta phải có kỹ năng. Ngoài việc chúng ta phải có “hạ tầng” như phòng ngủ yên tĩnh thoáng mát, chăn màn, giường chiếu sạch sẽ, chúng ta còn phải kiểm soát tâm trạng trước khi ngủ.

Để có giấc ngủ ngon, tốt nhất, chúng ta nên ngưng làm những việc liên quan đến vận dụng trí óc trước 30 phút, thay vào đó, bạn có thể làm những việc giúp thư giãn như đọc sách, xem tivi, nghe nhạc hoặc tâm sự với người cùng phòng hay chơi đùa với trẻ nhỏ.

Đặc biệt, bạn cần lưu ý, chỉ đi ngủ khi đã cảm thấy buồn ngủ. Việc bạn không buồn ngủ mà cố ngủ càng làm cho giấc ngủ đến lâu hơn. Nếu nằm trên giường một lúc lâu mà chưa ngủ được, hãy ra khỏi giường và làm việc gì đó để giúp đầu óc thư giãn như nghe nhạc hay đọc sách và chỉ trở vào giường khi cảm thấy buồn ngủ trở lại.

Sơn Hà

Theo Đời sống
back to top