Dấu hiệu bị rệp giường cắn là những vết cắn, thậm chí là mẩn đỏ trên cơ thể.
Gần người vẫn hoạt động
Chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về côn trùng ở Việt Nam, GS.TS Bùi Công Hiển, Trung tâm Ứng dụng côn trùng học, khẳng định, điều này không bất thường. Vào mùa đông, côn trùng nói riêng, động vật không xương sống nói chung đều thuộc nhóm động vật “máu lạnh” hay động vật biến nhiệt, có nghĩa là nhiệt độ cơ thể tăng giảm theo nhiệt độ môi trường.
Khác với động vật “máu nóng” hay động vật đẳng nhiệt, tức nhiệt độ cơ thể luôn ổn định ở mức nào đó, với côn trùng, khi nhiệt độ dưới 15 độ C, chúng thường không hoạt động, thậm chí ở các nước ôn đới quá lạnh, côn trùng còn có tập tính qua đông, gọi là diapause, tạm dịch là “đình dục”. Do vậy vào mùa đông chúng ta rất ít gặp côn trùng ngoài thiên nhiên, tuy nhiên điều này không có nghĩa chúng biến mất hoàn toàn.
Thực tế, mùa đông ở nước ta dài, trong mùa đông vẫn có những ngày nắng ấm, nên hiện tượng qua đông không rõ rệt nên thường vẫn thấy một số bướm bay khi nắng lên. Đa phần côn trùng vào thời gian này ở giai đoạn trước trưởng thành, sống trong đất, trong thân cây …
Đặc biệt, những loài côn trùng sống gần người như gián, kiến, muỗi… vẫn hoạt động (tuy ít hơn mùa hè), nguyên nhân là do môi trường bếp và phòng ở vẫn ấm áp (thường trên 20 độ C). Đặc biệt, vào mùa đông, người ta ghi nhận sự hoạt động của loài rệp giường (Cimex lectularius).
Đây là một loài côn trùng thuộc bộ bọ xít, thường sống tại những nơi khó thấy như trong gối, đệm, chiếu, giường, ghế sofa, khe giường, khe tủ, kẽ hở sàn gỗ, thậm chí là ẩn nấp cả ở trong quần áo… Sau khi rệp hút máu, vị trí vết hút thường bị tấy đỏ dưới da. Đặc biệt, rệp giường thường hoạt động mạnh vào ban đêm. Nếu giường có rệp giường thì khó có thể có giấc ngủ ngon.
Theo TS Seemal R. Desai, Trung tâm y tế Southwestern, Đại học Texas (Mỹ), mặc dù bị rệp cắn thường không yêu cầu chăm sóc y tế nghiêm trọng, nhưng chúng có thể gây ra rất nhiều lo âu và những đêm không ngon giấc cho con người. Các dấu hiệu thường gặp nhất của rệp trên cơ thể khi bị chúng tấn công là vết cắn, và đôi khi có thể biến thành các nốt mẩn ngứa.
Chống rệp giường cần chú ý khâu vệ sinh
Theo GS.TS Bùi Công Hiển, việc xử lý các loài côn trùng gần người này, có rất nhiều cách, tuy nhiên cách đơn giản và hiệu quả nhất chính là vệ sinh nhà cửa sạch sẽ để làm mất nguồn thức ăn và nơi sinh sống của chúng.
Ví dụ, không để thức ăn bên ngoài; đậy kín mọi thức ăn trước và sau bữa ăn; rửa sạch bát đũa sau khi ăn; thu dọn ngay các đồ nấu ăn còn sót lại trong căn bếp; đậy nắp thùng rác và thay túi rác thường xuyên; đặc biệt vệ sinh những chỗ kín, bí, ẩm thấp như kẽ tủ, mặt sau tủ bếp… để làm mất “không gian” của chúng. Có thể dùng cồn, nước sát trùng lau những nơi kiến, gián thường trú ngụ như khe kẽ, sau tủ bếp…
Trong trường hợp, nhà xuất hiện các loài côn trùng này thì tùy từng loài côn trùng để có hướng xử lý. Ví dụ, với gián kiến, bạn có thể sử dụng bả diệt gián, bả diệt kiến sinh học mà không gây độc hại; với ruồi, nếu ít bạn có thể xua, bắt, nếu nhiều thì dùng bẫy dính…
Riêng với loài rệp giường dù trời mùa đông ít nắng, bạn cũng đừng lơ là việc vệ sinh giường chiếu và giặt giũ chặt, vỏ ga, vỏ gối. Hàng tuần hãy mang vỏ chăn, vỏ ga, vỏ gối đi giặt. Trong trường hợp trời mưa, độ ẩm cao như mấy ngày nay, bạn có thể tận dụng máy sấy hoặc đặt chế độ vắt cực khô của máy giặt để làm khô vỏ chăn, vỏ ga, vỏ gối… một cách nhanh chóng.
Bạn cũng đừng bỏ qua việc vệ sinh đệm. Đầu tiên bạn hãy lột ga, gối và tấm bọc đệm ra sau đó sử dụng máy hút bụi và hút. Hãy hút từ phía đầu tấm đệm và đi xuống dưới, chú ý cả những khe hẹp và sau đó hút sạch các cạnh của tấm đệm, lật mặt sau và thực hiện các quy trình như với mặt trước.
Nếu không dùng máy hút bụi các bạn có thể dùng khăn nhúng nước ấm sau đó vắt kiệt nước rồi phủ lên bề mặt đệm rồi đập, như vậy bụi bẩn, nấm mốc khi bay ra sẽ bám vào khăn ướt này. Sau đó hãy phơi đệm ra ngoài nắng. Ngoài ra, rệp giường còn có ở đệm ghế, các khe kẽ… vì thế đừng quên vệ sinh những nơi này để phòng tránh rệp giường.
Đức Anh