Mùa hè là thời điểm thích hợp để mạt, rệp, bọ chét… xuất hiện.
Càng nóng ẩm, càng dễ phát triển
Vào mùa hè, nhiều người thấy ngứa, khó chịu, thậm chí bị hen, dị ứng… thường đổ lỗi do mùa hè nóng bức. Thực tế, nguyên nhân có thể đến từ các loài rệp, mạt, bọ chét…
GS.TS Bùi Công Hiển, Trung tâm Ứng dụng Côn trùng học cho biết: rệp là loài côn trùng thuộc bộ bọ xít. Ngày nay, chúng không sinh sống ở ngoài tự nhiên mà sống ở những nơi gần con người. Chúng có mặt trong phòng ngủ (trong chăn ga, gối đệm…), trong phòng khách (đồ nội thất bọc vải)… và hút máu người.
Mạt không phải là côn trùng, kích thước rất nhỏ khoảng 1/4 mm, nhưng giống với rệp, chúng có mặt khắp nơi trong gia đình từ chăn gối, nệm, thảm len, đồ vải…
Điều đáng nói vào mùa hè, thời tiết nóng ẩm, thất thường là môi trường lý tưởng để mạt, rệp… phát triển. Không những thế, thức ăn của chúng thường là mồ hôi cơ thể, tế bào chết của người, mùa hè lượng mồ hôi lớn, tế bào chết nhiều càng là “miếng mồi béo bở” thu hút các loài này.
PGS.TS Phạm Thị Khoa, nguyên cán bộ Viện sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng TƯ cũng cho biết, mạt, rệp và cả bọ chét mùa hè phát triển nhiều do môi trường thuận lợi. Chúng gây nhiều bệnh mà nay đang có xu hướng phát triển trở lại như sốt phát ban, sốt hồi quy, nhiều bệnh do virus, thậm chí, như con rệp có khả năng truyền bệnh virus viêm gan B.
“Sự xuất hiện của những loài này để lại những hệ lụy rất xấu. Ví dụ, khi đốt chúng đốt để lại các vết mẩn ngứa trên cơ thể, gây mất giấc ngủ, gây dị ứng, thậm chí truyền nhiều bệnh do virus. Giờ vào hè, môi trường thuận lợi, chúng ta càng phải cảnh giác, cần thường xuyên kiểm tra trong nhà và phòng ngủ để tránh ảnh hưởng”, PGS.TS Phạm Thị Khoa nhấn mạnh.
PGS.TS Phạm Thị Khoa, nguyên cán bộ Viện sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng TƯ: Trường hợp phát hiện nhà có nhiều mạt, rệp, bọ chét… mà các biện pháp vệ sinh thông thường không tiêu diệt hết, bạn cần phun hoặc xông các chế phẩm được làm từ thảo dược an toàn vào các khe, kẽ, để kích thích chúng bò khỏi nơi ẩn náu và tiêu diệt. Tuy nhiên, người dân cần lưu ý nhớ phun hoặc xông nhắc lại sau một vài tuần để đảm bảo trứng của chúng nở ra cũng bị tiêu diệt.
Phát hiện và xử lý không khó
Các chuyên gia cũng cho hay, mạt, rệp, bọ chét… đều là những loài rất nhỏ, khó phát hiện bằng mắt thường. Vì thế, vào những ngày hè nóng bức, khi thấy ngứa, mẩn, hen, sốt… hãy quan sát để phát hiện rệp, mạt, bọ chét… Ví dụ, nếu bạn nhận trong nhà có mùi của vị ngọt, mùi mốc có thể ở đó đã bị nhiễm rệp nặng.
Lý do bởi rệp sản sinh ra loại chất sinh mùi (mùi mốc, mùi ngọt ngọt) để giúp chúng giao tiếp. Tương tự, rệp cắn sẽ để lại các vết máu, hãy quan sát kỹ trên chăn, ga, gối và các đồ nội thất bọc vải… nếu phát hiện có vết máu nhỏ li ti… thì chắc chắn đó là vết tích của rệp.
Việc xử lý các loài này không quá khó. Bạn có thể sử dụng máy hút bụi để làm sạch đệm, giường, chăn, ga gối. Hãy lột hết các vỏ đệm, vỏ gối, sau đó dùng máy hút bụi hút mặt trước, mặt sau, tuần tự từ trên xuống hoặc từ dưới lên, đặc biệt chú ý các khe kẽ, nơi chúng thường ẩn náu, sau đó, hãy phơi chúng ra ngoài nắng.
Ánh nắng Mặt trời sẽ giúp “thiêu rụi” mạt, rệp, bọ chét còn sót lại. Sau đó, hãy dùng giẻ ướt lau sạch sẽ các đồ dùng trong gia đình, nhất là các khe kẽ như khe giường, gầm giường, gầm ghế, mặt sau của bức tranh, tủ quần áo…, và bạn nhớ dùng giẻ ướt để không làm mạt, rệp, bọ chét… khuyếch tán vào không khí.
Sơn Hà