Không nên ăn táo cảnh do có hóa chất bảo quản.
Táo cảnh lúc lỉu quả hút khách
Một số điểm kinh doanh cây cảnh Tết tại Hà Nội đang rao bán loại táo đỏ Trung Quốc trồng trong chậu với giá từ 1,4 đến 3 triệu đồng mỗi chậu. Chị Vũ Lệ Nhung (Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, loại cây cảnh này nhập về từ Trung Quốc. Dù quả táo không phải là quả lạ, nhưng thu hút sự tò mò của khá nhiều người vì gần như ít người được nhìn thấy tận mắt cây táo do loại cây này không trồng được ở Việt Nam.
Để phục vụ khách hàng chơi cây, chị Nhung nhập về hai loại cây táo cảnh. Loại thứ nhất là cây thật, có hoa, lá, quả. Loại thứ hai là cây có lá, hoa, nhưng quả lại được gắn thêm lên cành. Các loại cây này đều chơi được vài tháng. Chỉ có điều, xuất xứ cây táo kiểng từ Trung Quốc cũng gây không ít băn khoăn cho khách muốn mua loại này.
Năm ngoái, anh Lê Nam (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) có mua loại cây cảnh này về trưng Tết. Anh cho biết, đây là loại cây vừa làm cảnh, vừa có quả ăn, nhưng vì không biết loại quả to đẹp này có chứa chất bảo quản, thuốc kích thích nên tốt nhất là chỉ để chơi, không nên ăn.
Nhà có trẻ nhỏ cũng phải canh chừng. Cây mua về đến 2-3 tuần mà lá vẫn xanh, quả không rụng. Riêng hoa táo thì rất thơm, lúc nào cũng thoang thoảng trong nhà nên khách đến chơi luôn trầm trồ, hít hà.
Vì sao loại táo đỏ không trồng được ở Việt Nam? ThS Nguyễn Mạnh Khải, khoa Công nghệ sau thu hoạch, Học viện Nông nghiệp cho biết, trước đây Việt Nam có một vài dự án trồng thử nghiệm giống táo đỏ Trung Quốc ở Quản Bạ (Hà Giang) và Sa Pa (Lào Cai), tuy nhiên các dự án này đều không thành công.
Đến giờ, Việt Nam chưa trồng được giống táo đỏ, chưa “thuần hóa” được giống cây này.
Táo cảnh có ăn được?
ThS Nguyễn Mạnh Khải cho biết, chất lượng loại táo này rất đa dạng, tùy thuộc vào nguồn gốc xuất xứ và giá cả. Táo Trung Quốc thường có hai loại: vỏ màu xanh và vỏ màu đỏ. Đối với loại táo xanh thường có vỏ xanh nhạt gần như là xanh trắng, ăn có vị chát. Táo đỏ có màu đỏ nhạt hoặc phớt hồng, màu sắc trên vỏ quả không đều nhau. Quả táo thường nhẹ, cầm không chắc tay.
Lê và táo là những loại quả dễ sử dụng chất bảo quản nhất trên thị trường hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc hiện nay. Để phát hiện táo có chất bảo quản không khó. Loại táo này để vài tháng có khi không hỏng, khi bổ ra ăn không có mùi thơm đặc trưng của táo, không có vị ngọt, thịt táo không chặt mà thường bị xốp, bộp. Thử hái một quả xuống, bổ ra, nếu chúng có các dấu hiệu này thì chứng tỏ đã bị xử lý bằng hóa chất bảo quản.
Ông Đỗ Xuân Khương, Chủ trang trại sản xuất cây giống Xuân Khương (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, năm nay ông nhập từ Trung Quốc về 3.500 cây táo cảnh với giá từ 500 ngàn đồng đến 3 triệu đồng/cây. Cũng giống như cây quất, để có thể bảo quản được lâu mà không bị rụng quả, người ta buộc phải sử dụng hóa chất bảo quản.
Do đó, cây táo cảnh có thể để trong 2-3 tháng mà quả không rụng. Người chơi cây sau Tết 1 tháng có thể hái bỏ quả, tiếp tục chăm sóc cây thì sang năm cây có thể sẽ cho quả, nhưng sẽ không nhiều và quả không to như cây mua về.
“Việc băn khoăn có nên ăn quả táo đó không, thì cũng giống như quả quất, do phải sử dụng chất bảo quản nên khuyến cáo đưa ra là không nên ăn. Nhà có trẻ nhỏ phải giữ gìn, tránh để trẻ vặt quả ăn.
Loại cây cảnh này có giá trị để ngắm hơn là để ăn. Nếu muốn ăn táo thì tốt hơn hết là mua quả táo về ăn chứ không nên mua cả cái cây về chỉ để lấy vài quả táo”, ông Đỗ Xuân Khương chia sẻ.
“Giống cây này phù hợp với điều kiện thời tiết vùng núi cao, lạnh, ẩm. Thời tiết dịp Tết cũng khá gần với kiểu thời tiết này, nên có thể bảo quản cây được lâu. Tuy nhiên, táo chín mà vẫn ở trên cây không rụng thì khả năng lớn phải sử dụng đến chất bảo quản”, ThS Nguyễn Mạnh Khải.
Bảo Khánh