Dự án “đế vương” 10 năm thi công chưa xong
Dự án D’. Palais de Louis - Nguyễn Văn Huyên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh ra mắt vào năm 2009. Khu căn hộ cao cấp được xây dựng với quy mô 27 tầng cao và 4 tầng hầm, trên diện tích đất là 4.791 m2, tổng số 242 căn hộ. Diện tích đất xây dựng là 2.318 m2, tương đương với mật độ là 48,4%.
Tại trang web http://palaisdelouis.info/, thông tin về dự án được quảng cáo là: “D’.Palais de Louis – “Căn hộ Đế Vương”. Dự kiến ra mắt thị trường trong năm 2012, căn hộ đế vương đầu tiên được rao với giá từ khoảng 13 tỷ đồng đến 48,6 tỷ đồng trên một căn hộ. Thế nhưng, phải đến tháng 7/2013, Tân Hoàng Minh công bố chính thức cất nóc Dự án tòa tháp căn hộ hạng sang D’.Palais de Louis.
Đến cuối năm 2014, Tân Hoàng Minh phải trả lại tiền đặt cọc cho khoảng 60 nhà đầu tư do tiến độ không như cam kết. Ngày 9/7/2016, dự án D’. Palais De Louis tiến hành mở bán trở lại. Đến nay, dự án vẫn đang hoàn thiện. Chưa có bất kỳ căn hộ nào được đưa vào sử dụng.
Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh từng tiết lộ trên báo chí, do đầu tư công phu ở từng hạng mục lên tổng đầu tư của D'. Palais Louis đã lên trên 5.000 tỷ đồng, sánh ngang với các toà nhà siêu sang của Singapore và Thượng Hải.
Tuy nhiên, với những thông tin mà chúng tôi có được, tính an toàn của tòa nhà này khi đi vào vận hành sẽ không cao. Một số hạng mục kỹ thuật quan trọng thi công không xứng tầm “đế vương” như quảng cáo. Một số vật liệu thi công cho tòa nhà là hàng Trung Quốc hoặc hàng bình dân trong nước...
Công trình đế vương dùng hàng bình dân
Theo quảng cáo của Tân Hoàng Minh thì đây là công trình “công trình hoàn hảo đến từng chi tiết, chất lượng bền vững với thời gian, vật liệu và nội thất xa xỉ, tinh xảo hiếm có... dành riêng cho các chủ nhân xứng tầm”. Nhưng sự thật nhiều vật liệu thi công chỉ như các chung cư bình thường...
Đầu tiên là vật liệu thi công công trình. Tân Hoàng Minh sử dụng các vật liệu tầm trung, giống như các chung cư bình thường khác. Đó là ống cấp nước trong căn hộ sử dụng ống PPR Đệ Nhất, là hàng trong nước. Ống thoát nước trong căn hộ và trục kỹ thuật, lô gia, thoát mưa, sử dụng ống UPVC Tiền Phong. Sử dụng ống ghen điện, đế âm, hộp nối sino... đều chỉ là các sản phẩm thông thường, không phải cao cấp. Bể bơi tại tầng 28 sử dụng gạch ốp lát, trang trí là gạch Mozac Việt Nam.
Theo đánh giá của ông Trần Anh Tuấn, một kỹ sư xây dựng chuyên thi công công trình tại Hà Nội, đây đều là các vật liệu tầm trung, không phải là những vật liệu thuộc hàng cao cấp, xa xỉ trên thị trường. Trong thi công nhà dân dụng cũng như các công trình chung cư cao tầng bình dân, người ta thường sử dụng các loại ống cấp và thoát nước này. Còn đối với các công trình cao cấp thì việc sử dụng vật liệu làm ống cấp và thoát nước đòi hỏi các vật liệu cao cấp hơn. Cho dù không có quy định cụ thể buộc công trình phải dùng vật liệu gì, nhưng đẳng cấp công trình được quảng cáo là “đế vương” thì phải khác bình dân.
Ông Trần Anh Tuấn ví dụ, nếu một căn hộ sử dụng các thiết bị vệ sinh cao cấp thì buộc phải đồng bộ với đường ống. Nếu dùng đường ống cấp nước là PPR trong khi thiết bị lại là dòng cao cấp thì các thiết bị này sẽ rất nhanh hỏng do bị bám bẩn do nước máy dễ có cặn và các thành phần khác. Thông thường, với các công trình 5 sao, nguồn nước cấp đầu vào dùng cho nước sinh hoạt cũng phải là nước RO. Và đường ống nước cấp phải là ống inox. Loại ống này khá đắt và khó thi công, nhưng chỉ có ống inox mới giúp cho các thiết bị vệ sinh cao cấp giữ được độ bền khi sử dụng.
Tương tự với ống thoát nước, với các công trình cao cấp phải sử dụng ống nước PP chứ không phải là ống UPVC. Bởi chỉ có ống PP mới khiến nước không bị đóng cặn, không phải thông hơi, độ ồn khi xả nước rất thấp và ống PP thì bảo vệ môi trường, đương nhiên giá thành cũng cao hơn nhiều ống UPVC. Cũng như vậy, gạch Mozac Việt Nam cũng là loại gạch trung bình. Nếu là hàng cao cấp phải là các loại gạch nhập khẩu từ Châu Âu, Tây Ban Nha…