Đột nhiên đi tiểu ra máu, vào viện phải cắt thận do u xâm lấn

Mọi người hãy lắng nghe cơ thể, khi có bất kỳ một vấn đề bất thường như tiểu máu, đau hông lưng...cần đi khám ngay.

Đang trong lúc sinh hoạt bình thường, đột nhiên người đàn ông 59 tuổi đi tiểu ra máu và được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á thăm khám.

Tại đây, các bác sĩ Khoa Ngoại Tiết Niệu đã thực hiện các cận lâm sàng phát hiện bệnh nhân bị bướu thận giai đoạn tiến triển, bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt khối bướu.

Bệnh nhân là ông N. H. Đ (59 tuổi, Củ Chi) nhập viện trong tình trạng tiểu ra máu đỏ tươi, máu cục, đau tức hông bên phải, bí tiểu do máu đông nhiều trong bàng quang. Theo lời khai của người bệnh, ông chưa hề gặp phải tình trạng này trước đó.

Khi nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, các bác sĩ Khoa Ngoại Tiết Niệu tiến hành thăm khám, kết hợp với xét nghiệm cận lâm sàng, ghi nhận bệnh nhân bị bướu thận bên phải với kích thước 47x52x72mm, bướu đã lan vào bể thận.

Qua siêu âm mạch máu, nhận thấy bướu thận có chồi trong tĩnh mạch thận. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật loại bỏ khối bướu. Kết quả xạ hình thận cho thấy chức năng thận bên trái tốt, có thể đảm bảo chức năng thận sau phẫu thuật cắt thận phải.

Xác định đây là ca phẫu thuật khó vì bướu giai đoạn tiến triển, nguy cơ chảy máu cao do phải xẻ mạch máu lấy chồi. Sau khi hội chẩn và tư vấn gia đình người bệnh, các bác sĩ Khoa Ngoại Tiết Niệu đánh giá trường hợp này vẫn có khả năng mổ nội soi.

Ca phẫu thuật cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Ca phẫu thuật cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Trong quá trình mổ, ghi nhận chồi chưa lan vào tĩnh mạch chủ nên bác sĩ đã kẹp tĩnh mạch thận sát vào chỗ nối tĩnh mạch chủ, bác sĩ tiến hành cắt động mạch, tĩnh mạch thận và lấy khối bướu cùng chồi bướu ra ngoài qua đường rạch nhỏ ở vùng hố chậu phải.

Đồng thời, các bác sĩ tiến hành sinh thiết lạnh phần mô bướu trong bể thận để loại trừ khả năng bướu có phải là bướu niệu mạc đường tiết niệu trên, vì có sự khác biệt về phương pháp điều trị.

Sau 6 tiếng phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt bỏ hoàn toàn khối bướu thận. Một ngày sau phẫu thuật, tình trạng người bệnh ổn định, các chỉ số xét nghiệm bình thường, bệnh nhân có thể sinh hoạt đi lại, ăn uống bình thường. Vì mổ nội soi nên vết mổ nhỏ, không đau nhiều, thời gian bệnh nhân hồi phục nhanh.

Theo ThS.BS.CKII Nguyễn Vĩnh Bình, Trưởng Khoa Ngoại Tiết Niệu Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho biết: “Đối với trường hợp bệnh nhân này, đây là ca phẫu thuật khó vì bướu giai đoạn tiến triển, đặc biệt là có chồi bướu trong tĩnh mạch, nguy cơ mất máu cao nên trong quá trình bóc tách, phẫu thuật viên cần thao tác khéo léo, chính xác và phối hợp nhịp nhàng với các thành viên trong ekip mổ.

Với những trường hợp ung thư tế bào thận, phương pháp điều trị chính là phẫu thuật cắt thận rộng. Bướu thận thường không có triệu chứng và chỉ phát hiện tình cờ khi bạn đi khám sức khỏe, hoặc khi đi khám vì một bệnh lý khác. Khi bướu thận có biểu hiện triệu chứng thường đã ở giai đoạn tiến triển”.

Qua đó, bác sĩ Bình cũng khuyến cáo người bệnh khi có bất kỳ một vấn đề bất thường như tiểu máu, đau hông lưng, sờ thấy khối bất thường vùng hông lưng, hoặc khi phát hiện có khối bất thường ở thận qua các xét nghiệm hình ảnh học,...cần khẩn trương đến các cơ sở khám chuyên khoa Tiết Niệu để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Theo Đời sống
Khám tăng huyết áp, bất ngờ phát hiện ung thư thận

Khám tăng huyết áp, bất ngờ phát hiện ung thư thận

Ung thư thận có tỷ lệ mắc đứng thứ 3 trong ung thư hệ tiết niệu, nhưng tỷ lệ tử vong cao nhất. Bệnh phát triển âm thầm, khó nhận biết ở giai đoạn đầu. Hầu hết được phát hiện tình cờ khi kiểm tra sức khỏe tổng quát.
back to top