Thoái hoá đốt sống cổ dễ gây thiếu máu, xuất huyết não

Thiếu máu não do thoái hóa đốt sống cổ có thể khiến sức khỏe, chất lượng sống của người bệnh bị suy giảm. Khi có dấu hiệu của thoái hóa đốt sống cổ, người bệnh nên thăm khám và điều trị sớm, tránh những biến chứng nặng nề.

“Bệnh thoái hóa đốt sống cổ có thể gây ra các tình trạng nguy hiểm như gai cột sống, thoát vị đĩa đệm. Từ đó, gây chèn ép các rễ thần kinh, chèn ép tủy sống. Chính vì vậy, quá trình vận chuyển máu lên não bị giảm đi đáng kể, xảy ra hiện tượng thiếu máu lên não...”, BSCKII Hà Tường, Bệnh viện Phòng không – Không quân cho biết.

Căn bệnh của người già gia tăng ở giới trẻ

Chị N.T.H, 29 tuổi, thường xuyên đau đầu, chóng mặt, buồn nôn... đi khám được kết luận rối loạn tiền đình do thiếu máu não. Điều trị nhiều năm không khỏi, tình trạng đau đầu, thiếu máu não ngày càng tăng... Sau kết quả chụp MRI, bác sĩ kết luận thiếu máu não và thoái hoá đốt sống cổ.

Trao đổi với PV Khoa học và Đời sống, PGS.TS Nguyễn Đình Hòa, Chuyên gia phẫu thuật cột sống, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng Y học tái tạo và Tế bào gốc IRS cho biết, thoái hóa đốt sống cổ là một căn bệnh liên quan trực tiếp đến các đốt sống cổ với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Trước đây, bệnh thường xảy ra ở độ tuổi 55 trở lên, nhưng với cuộc sống hiện đại, những người trẻ tuổi cũng có nguy cơ mắc bệnh khá cao. Nhiều thanh niên 20 – 30 tuổi đã bị bệnh.

PGS.TS Hòa phân tích về thoái hóa cột sống gây biến chứng cho cơ thể - Ảnh BSCC

PGS.TS Hòa phân tích về thoái hóa cột sống gây biến chứng cho cơ thể - Ảnh BSCC

PGS.TS Hòa phân tích, cột sống cổ bao gồm 7 đốt sống kí hiệu từ C1 cho đến C7. Giữa hai đốt sống từ C2 trở xuống có các đĩa đệm gian đốt sống. Mỗi đĩa đệm được cấu tạo bởi nhân nhầy, vòng sợi, mâm sụn, có chiều cao 3mm bằng 2/5 chiều cao thân đốt sống.

Xung quanh đốt sống có các dây chằng, gân cơ bám vào. Đĩa đệm cột sống cổ là bộ phận chính để liên kết các đốt sống. Mâm sụn gắn chặt vào tấm cùng của thân đốt sống bằng một lớp canxi có nhiều lỗ nhỏ có tác dụng dinh dưỡng cho đĩa đệm (theo kiểu khuếch tán) và bảo vệ xương khỏi bị nhân nhầy ép vào, bảo vệ đĩa đệm khỏi bị nhiễm khuẩn từ xương đi tới.

Nhân nhầy di chuyển khi cột sống cử động và có tác dụng làm giảm xóc khi có lực tác động vào đốt sống. Thoái hóa đốt sống cổ là tình trạng viêm dày và lắng đọng canxi ở các dây chằng dọc cổ, làm hẹp các lỗ ra của các rễ thần kinh thể hiện bằng các triệu chứng lâm sàng.

Sự chèn ép rễ thần kinh và tủy sống còn có thể đưa đến sự thoát vị của các nhân đĩa đệm chèn vào tủy sống gây nên các biến chứng, thậm chí biến chứng nguy hiểm.

Bệnh thường diễn ra âm thầm, không có các dấu hiệu rõ ràng nên người bệnh dễ chủ quan và nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

Ở giai đoạn đầu, tình trạng thoái hóa thường chưa ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Các triệu chứng có thể gặp là đau nhức, tê bì vai gáy, cổ, cánh tay, đau tức nhẹ khi cúi xuống. Cơn đau có thể lan lên đỉnh đầu gây cảm giác chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn khi người bệnh đứng lên đột ngột.

Bệnh thoái hóa đốt sống cổ không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng. Trong đó, thiếu máu lên não là biến chứng thường gặp của thoái hóa đốt sống cổ, gây cho người bệnh nhiều triệu chứng khó chịu, làm hạn chế vận động như: Khó xoay cổ ra phía sau, đau khi xoay; Cảm giác đau, cứng vùng cơ khớp cạnh cột sống cổ; Đau có thể lan xuống vùng hai cánh tay; Tê buồn, đau nhức, khó chịu ở trong xương; Đau đầu liên tục; Rối loạn nhận thức; Luôn cảm thấy mệt mỏi.

Biểu hiện của bệnh - Ảnh BSCC

Biểu hiện của bệnh - Ảnh BSCC

Thiếu máu não lâu dễ xuất huyết, đột quỵ

Giải thích về mối liên quan giữa thoái hóa đốt sống cổ và thiếu máu não, BSCKII Hà Tường cho biết, bệnh thoái hóa đốt sống cổ có thể gây ra các tình trạng như gai cột sống, thoát vị đĩa đệm, gây chèn ép các rễ thần kinh, chèn ép tủy sống. Chính vì vậy, mà quá trình vận chuyển máu lên não bị giảm đi đáng kể dẫn đến hiện tượng thiếu máu lên não.

BSCKII Hà Tường cho biết, não bộ chiếm khoảng 2% thể trọng của cơ thể. Tuy nhiên, đây lại là bộ phận vô cùng quan trọng. Não tiêu thụ lượng máu và oxy lên tới 20% tổng trọng lượng của cơ thể. Trong trường hợp não không nhận đủ lượng máu mà cơ thể cung cấp có thể xảy ra các hiện tượng như chóng mặt, đau đầu. Thậm chí có thể gây xuất huyết não, thiểu năng tuần hoàn não.

Chứng bệnh thoái hóa đốt sống cổ rất dễ xảy ra với những người cao tuổi, người làm việc văn phòng, làm việc nặng quá sức... Vì vậy, những đối tượng này nên lưu ý để tránh xảy ra tình trạng thiếu máu não như đã nói trên.

Hậu quả nặng nề của chứng thiếu máu não do thoái hóa đốt sống cổ: Khi bị thiếu máu não, tuần hoàn máu não bị suy giảm nghiêm trọng. Điều này khiến cho người bệnh cảm thấy buồn nôn, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai; Thiếu máu não lâu ngày có thể dẫn đến chứng mất ngủ, thường hay nằm mơ và nặng hơn là mất trí nhớ; Nghiêm trọng hơn là có thể gây xuất huyết não, nhồi máu não, thậm chí là đột quỵ gây tắc nghẽn mạch và chảy máu não có thể dẫn đến tử vong.

Thiếu máu não do bệnh thoái hóa đốt sống cổ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống. Chính vì vậy, khi mắc phải những căn bệnh này cần phải lưu ý cẩn thận để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

8 cách ngăn ngừa thoái hóa đốt sống cổ

Thoái hóa đốt sống cổ gây đau đớn, mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Căn bệnh này còn gây nên chứng thiếu máu lên não có thể dẫn đến tử vong. Chính vì vậy, cần phải ngăn chặn căn bệnh thoái hóa đốt sống cổ.

Đảm bảo cân nặng, tránh bị béo phì, thừa cân. Vì những người béo phì thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người bình thường.

Tập thể dục thường xuyên để giúp xương khớp dẻo dai, phòng tránh được những bệnh về xương khớp.

Tránh vặn bẻ cổ và các xương khớp khi cảm thấy mỏi.

Không nên ngồi một tư thế quá lâu như ngồi làm việc, ngồi xem phim, học bài. Cần phải nghỉ giải lao giữa giờ để tránh bị cứng khớp.

Hạn chế mang vác vật nặng, quá sức, không nên gối đầu cao khi ngủ.

Nên bỏ thuốc lá, rượu bia.

Bổ sung chế độ dinh dưỡng đầy đủ, ăn thực phẩm chứa nhiều canxi để tốt cho xương.

Theo Đời sống
back to top