Chán ăn, buồn nôn, nữ bệnh nhân 23 tuổi mang khối u thận hơn 1kg

Chán ăn, buồn nôn và sút gầy cứ ngỡ là hệ lụy của viêm dạ dày trào ngược nên bệnh nhân chấp nhận “sống chung với lũ”. Chỉ đến khi nôn quá nhiều, được gia đình đưa đi cấp cứu thì mới vỡ lẽ là u thận khủng, hơn 1000g.

Tưởng viêm dạ dày ai ngờ u thận "khủng"

Bệnh nhân Lan Anh (tên bệnh nhân đã được thay đổi, nữ, 23 tuổi) nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai với triệu chứng nôn nhiều, chán ăn, thể trạng gầy gò, sút cân. Khai thác tiền sử bệnh, trước khi đến viện khoảng 2 tháng, bệnh nhân có dấu hiệu sút cân và nôn sau khi ăn.

Tuy nhiên, do chủ quan nghĩ rằng đây là biểu hiện của bệnh viêm dạ dày dẫn tới trào ngược nên bệnh nhân đã không đi khám để bệnh tiến triển âm thầm.

Bệnh nhân được chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Kết quả chụp cắt lớp ổ bụng cho thấy: Bệnh nhân có khối u thận phải kích thước 16cm nghĩ tới RCC (Ung thư biểu mô tế bào thận).

Khối u khổng lồ đã có chồi u xâm lấn vào tĩnh mạch chủ dưới tức là khối u đã ở giai đoạn muộn. Điều đáng nói đây là khối u ác tính, nếu không được phẫu thuật kịp thời, khối u di căn sang các cơ quan chức năng khác, bệnh nhân suy kiệt và nguy cơ tử vong sớm là điều không tránh khỏi.

Đứng trước ca bệnh là thiếu nữ mới 23 tuổi, bệnh nhân còn quá trẻ với tương lai và nhiều dự định phía trước, TS.BS. Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu, Bệnh viện Bệnh Mai cùng các bác sĩ của khoa đồng tâm, hợp trí để giành lại sự sống cho người bệnh.

Giấy mời hội chẩn toàn viện được Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu chuyển đến Khoa Phẫu thuật Tiết niệu, Trung tâm Gây mê hồi sức, Trung tâm Điện quang, Trung tâm Giải phẫu bệnh, Trung tâm Dinh dưỡng cũng nhiều chuyên khoa sâu trong Bệnh viện.

Sau khi xem xét các chỉ số, tập thể các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện cùng thống nhất chẩn đoán trước mổ của bệnh nhân là u thận phải theo dõi ung thư thận giai đoạn T3cNxM0/ viêm dạ dày với phần chồi u lan vào tĩnh mạch chủ độ III. Bệnh nhân cần phẫu thuật cắt thận triệt căn. Tuy nhiên, để đủ sức khỏe đối diện với cuộc đại phẫu, trước mắt, cần nâng cao thể trạng cho người bệnh.

Ekip các bác sĩ tham gia phẫu thuật cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Ekip các bác sĩ tham gia phẫu thuật cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Hành trình đưa bệnh nhân từ “cửa tử” trở về

Để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật diễn ra thuận lợi nhất, chỉ đạo của TS.BS Nguyễn Minh Tuấn thiết lập phác đồ điều trị gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, tập trung vào việc chăm sóc dinh dưỡng, nâng cao thể trạng, cải thiện chức năng của gan, thận, tim, phổi… Sau 2 tuần tập trung chăm sóc dinh dưỡng, bệnh nhân đã lên được 2 kg.

Tiếp theo, các bác sĩ cũng đã tiến hành nút động mạch thận phải ngay trước ngày phẫu thuật nhằm giảm bớt phần nào kích thước khối u để cuộc can thiệp được dễ dàng hơn, giảm thiểu tối đa những nguy cơ trong mổ đặc biệt là tình trạng chảy máu có thể ảnh hưởng đến huyết động và hồi sức sau mổ...

Giai đoạn 2: phẫu thuật cắt triệt căn thận phải để loại bỏ hoàn toàn khối u. Cuộc đại phẫu sẽ là một “trận đánh lớn”, đòi hỏi “ra quân tổng lực” với sự phối hợp của nhiều chuyên khoa nhằm đảm bảo kết quả an toàn cao nhất cho người bệnh.

Ngày 5/6/2024, kíp phẫu thuật gồm: TS.BS. Nguyễn Minh Tuấn, TS.BS. Ngô Gia Khánh, ThS.BS. Nguyễn Hàm Hội, phối hợp với kíp gây mê dưới chỉ đạo của TS. Nguyễn Toàn Thắng và BSCKII. Bùi Thị Minh Huệ…cùng bước vào phòng mổ.

Sau 4 tiếng phẫu thuật, bằng kinh nghiệm “chinh chiến” gần 30 năm, trải qua nhiều “trận đánh” với những ca bệnh phức tạp, ê-kíp phẫu thuật đa chuyên khoa đã khéo léo bóc tách trọn vẹn khối u khổng lồ và loại bỏ hoàn toàn phần chồi u xâm lấn tĩnh mạch chủ dưới.

Khối u chèn ép hết các tạng xung quanh như tĩnh mạch chủ, đại tràng, tá tràng, gan mật…các phẫu thuật viên phải tập trung tổng lực và dồn hết tâm trí để phần chồi u xâm lấn vào tĩnh mạch chủ không bị bong ra tránh gây tắc mạch phổi, có thể đe đọa tính mạng người bệnh ngay lập tức, nhưng vẫn phải đảm bảo huyết động, hồi sức sau mổ cho người bệnh.

Thành công của ca mổ đã giúp người bệnh thoát khỏi cửa tử một cách ngoạn mục. Sau 3 tháng phẫu thuật, ngày 5/9, bệnh nhân đến tái khám. Kết quả, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân hoàn toàn ổn định.

Bệnh nhân không còn bị đau tức hoặc không còn cảm giác buồn nôn và bệnh nhân đã trở lại cuộc sống và đi làm việc như bình thường. Siêu âm hệ tiết niệu không phát hiện thấy hình ảnh bất thường, xét nghiệm máu ure 3,8 mmol/L, creatinin 69 micromol/L (chỉ số này cho thấy chức năng thận bình thường).

Sau gần 4 tháng điều trị, kể từ khi phẫu thuật triệt căn khối u rất lớn tại thận phải, bệnh nhân Lan Anh đã đáp ứng tốt với phác đồ điều trị của các bác sĩ tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu.

Kết quả giải phẫu mô bệnh học sinh thiết theo nhận xét của PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu cho biết: Hình ảnh mô bệnh học và hoá mô miễn dịch phù hợp với ung thư biểu mô tế bào thận đúng như chẩn đoán ban đầu.

Bệnh nhân tiếp tục được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch theo chu kỳ 21 ngày/đợt. Cho đến nay bệnh nhân không có tác dụng phụ gì đặc biệt, hoàn toàn khỏe mạnh, dung nạp thuốc tốt và đã tiếp tục đi làm.

Theo Đời sống
Hạ canxi máu... dễ gây co giật, suy tim

Hạ canxi máu... dễ gây co giật, suy tim

Một số trường hợp, hạ canxi máu mức độ nhẹ thường không có triệu chứng rõ ràng. Nếu không điều trị, tình trạng hạ canxi máu nghiêm trọng có thể gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng như co giật, rối loạn nhịp tim, suy tim sung huyết...
back to top