Mới đây, Khoa Ngoại TH - TTYT huyện Thanh Ba (Phú Thọ) tiếp nhận người bệnh N.V.T 85 tuổi vào viện với lý do vết thương bàn chân trái (khoảng 4-5 ngày trước) sưng tấy nhiều, chảy dịch màu vàng, có nhiều con dòi trong vết thương.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ nhận định vết thương ngậm ở ngón I chân trái dài khoảng 3 cm, hết ½ chu vi ngón, đúng vị trí kẽ nền ngón mùi rất hôi, rìa vết thương tổ chức hoại tử đen.
Gắp được hơn 30 con dòi trong vết thương của bệnh nhân. Ảnh TTYT huyện Thanh Ba |
Các bác sĩ TTYT huyện Thanh Ba đã tiến hành mở vết thương, thấy nhiều dòi bám, còn sống, ngọ nguậy ăn sâu trong vết thương. Sau khi mở rộng vết thương lấy tổ chức hoại tử, gắp được khoảng 30 con dòi. Hiện tại vết thương tạm ổn định và người bệnh đang được điều trị tích cực.
Các bác sĩ khuyến cáo, đối với các vết thương hở nên vệ sinh sạch sẽ và băng bó vết thương để hạn chế ruồi, muỗi và bọ ve cắn, tránh bị nhiễm trùng. Theo dõi sát vết thương, nếu thấy bất thường, người bệnh nên đến bệnh viện để được thăm khám và chữa trị kịp thời.
Nhận biết vết thương đã nhiễm trùng
Nếu quá trình sơ cứu, điều trị và chăm sóc vết thương không được tiến hành khoa học có thể dẫn đến nhiễm trùng, gây hại đến sức khỏe. Do đó, không nên chủ quan khi vết thương hở xuất hiện những dấu hiệu nhiễm trùng sau:
Xuất hiện dịch vàng hoặc dịch có màu xanh lá, có thể kèm theo mủ và mùi hôi tanh khó chịu.
Tại vị trí vết thương có cảm giác đau nhức, sưng to và đỏ tấy.
Miệng vết thương có dấu hiệu thay đổi kích thước, triệu chứng sưng đỏ lan rộng sang các vùng lân cận.
Hiện tượng đau nhức không có dấu hiệu thuyên giảm kể cả khi sử dụng các biện pháp giảm đau tại nhà.
Cơ thể người bệnh bắt đầu có hiện tượng yếu ớt, mệt mỏi kèm theo sốt.