Đông y điều trị chứng tỳ vị hư

(khoahocdoisong.vn) - Đông y cho rằng, khi tỳ vị bị bệnh, phải điều trị ở Trung tiêu, lấy vị ngọt để bồi bổ.

Đông y cho rằng: “Tỳ vị thuộc thổ, vị trí ở giữa cơ thể. Trong 5 tạng gọi là cô tạng (chuyên lo việc hóa sinh thức ăn để nuôi cơ thể). Trong Tam tiêu gọi là Trung tiêu. Khi tỳ vị  bị bệnh phải điều trị ở Trung tiêu, lấy vị ngọt để bồi bổ tỳ vị”.

     Nguyên nhân: Tỳ khí hư còn gọi là trung khí bất túc, phần nhiều do tỳ vận hóa không tốt, khi nguyên khí bất túc, tinh khí kém, xuất hiện chứng không  tiêu hóa thức ăn thành tinh chất để nuôi dưỡng cơ thể.  Khi tỳ khí bất túc, sự vận chuyển của tỳ kém, thì tinh không đầy đủ, dẫn đến chứng tỳ khí hư. Phần nhiều do ăn uống không đầy đủ, làm việc quá sức, ưu tư phiền muộn, làm tổn thương tỳ thổ, hoặc khi sinh ra  phú bẩm bất túc, hoặc do lớn tuổi, hoặc do ốm nặng điều trị và bồi dưỡng không đúng cách mà sinh bệnh.

      Triệu chứng: Ăn uống kém, ăn không biết ngon, vừa ăn thì đã thấy no, sau khi ăn bụng chướng đầy, đại tiện lỏng, tinh thần mệt mỏi, hụt hơi, lười nói, tay chân rã rời, mặt vàng bủng, gầy còm, hay mệt mỏi chỉ muốn nằm, lưỡi nhạt, có vết răng, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch nhược vô lực.

      Cơ chế bệnh: Khí của tỳ vị bị tổn thương là do nguyên khí không đầy đủ. Tỳ vốn là gốc của hậu thiên ở trung tiêu, khi ăn uống vào vị, tỳ khí biến thức ăn đồ uống thành tinh chất, để nuôi dưỡng năm tạng, sáu phủ. Nếu tỳ vị khí hư thì trăm bệnh sinh ra từ đó. Chứng tỳ vị khí hư thường gặp ở trẻ sơ sinh và tuổi nhi đồng, do tiên thiên bất túc, hậu thiên nuôi dưỡng không tốt, hoặc người cao tuổi, cơ thể suy yếu, hoặc do ốm lâu ngày điều trị không dứt điểm, nguyên khí không hồi phục.

Điều trị:

- Do tỳ khí hư sinh tiết tả: Tỳ khí hư yếu, mất chức năng vận hóa, không thanh trọc, nên ăn vào không tiêu.

Triệu chứng: Đi tả lâu ngày không khỏi, đi ra thức ăn chưa tiêu hóa, đại tiện lúc lỏng lúc táo, đi nhiều lần trong ngày. Nếu trong thức ăn có dầu mỡ, ăn vào sôi bụng, đau bụng, đi lỏng.

Bài thuốc Kiện tỳ chỉ tả. Nhân sâm 12g, bạch truật 16g, phục linh 12g, cam thảo 4g, biển đậu 12g, sa nhân 12g, đại táo 12g, cát cánh 8g, hoài sơn 8g, liên nhục 12g, y dĩ 12g. Cách dùng: Ngày một thang sắc uống 3 lần trong ngày, trước khi ăn khi thuốc còn ấm. Trẻ em dùng 1/2 liều của người lớn.

- Do tỳ khí hư xuất hiện chứng vị quản thống, phúc thống:  Ốm lâu ngày, hoặc lao động mệt nhọc làm tỳ vị tổn thương, không vận hóa được tinh chất của đồ ăn thức uống.

Triệu chứng: Bụng đau liên miên, lúc nặng, lúc nhẹ, gặp ấm thì đỡ đau, thích xoa bóp. Điều trị: Kiện tỳ, ích khí, ôn trung. Bài thuốc: Quế chi 12g, bạch thược 12g, chích thảo 4g, sinh khương 12g, đại táo 12g, di đường (kẹo mạch nha) 50g, hoàng kỳ 12g. Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày. Trẻ em tùy tuổi mà giảm liều lượng.

- Do tỳ khí hư sinh chứng thủy thũng: Triệu chứng: Đầu tiên là hai mi mắt phù, buổi sáng phù ở mặt khá rõ, khi trong người thấy mệt thì hai chi  dưới phù nặng, sau đó phù toàn thân, lượng nước tiểu có khi bình thường nhưng cũng có khi ít.

Bài thuốc Kiện tỳ, lý khí, dưỡng tỳ lợi thủy. Nhân sâm 8g, bạch truật 16g, trần bì 8g, chích thảo 4g, đại táo 12g, phục linh 12g, đương qui 8g, bạch thược 12g, sinh khương 8g. Nếu nước tiểu ít gia thêm thuốc lợi tiểu trạch tả 12g, xa tiền tử 12g, xa tiền thảo 12g, thông thảo 4g. Cách dùng: Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày, trước khi ăn, khi thuốc còn ấm.

- Do tỳ khí hư sinh đàm ẩm. Khi tỳ khí bất túc, chức năng kiện vận kém, thủy thấp không hóa được, tân dịch đọng lại sinh đàm ẩm.

Triệu chứng: Đờm loãng, trắng, có nhiều bọt. Điều trị: Kiện bổ tỳ. Bài thuốc: Bạch truật 16g, bán hạ 12g, thiên nam tinh 12g, nhân sâm 8g, phục linh 12g, trần bì 12g, chích thảo 4g. Cách dùng: Ngày một thang sắc uống lúc đói. Trẻ em dùng ½ liều của người lớn.

- Do tỳ khí hư dẫn đến chứng hư lao: Triệu chứng:  Bệnh nhân thấy nóng đau rát ở vùng thượng vị. Ăn uống kém, khi ăn vào thấy mệt mỏi, choáng váng, đầy hơi, hay buồn ngủ. Trẻ em mắc chứng này thường dẫn đến còi xương. Điều trị: Kiện tỳ ích khí. Bài thuốc: Nhân sâm 8g, hoàng kỳ 12g, bạch truật 12g, bạch thược 12g, trần bì 12g, sài hồ 6g, chích thảo 4g, sa nhân 12g, mộc hương 4g. Cách dùng: Ngày một thang sắc uống 3 lần  trước khi ăn. Trẻ em tùy tuổi mà dùng liều lượng cho phù hợp.

         TTND. BS cao cấp Nguyễn xuân Hướng (Nguyên CT Hội Đông y VN)

Theo Đời sống
back to top