Đông y chữa bệnh vảy nến

(khoahocdoisong.vn) - Bệnh vảy nến biểu hiện bằng những mảng hồng ban có vảy trắng bạc và dính, rất ngứa. Bệnh vẩy nến thường hay xuất hiện ở da đầu, đầu gối, chân, cánh tay, khuỷu tay.

Vẩy nến không lây nhiễm

Theo thống kê, tỷ lệ bệnh vảy nến khác nhau tùy từng vùng, từng châu lục, song nó dao động trong khoảng 1 - 3% dân số. Mặc dù đã được nghiên cứu từ lâu, song cho đến nay nguyên nhân và sinh bệnh học của bệnh vảy nến vẫn còn nhiều điều chưa sáng tỏ. Trong những năm gần đây, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, bệnh liên quan đến rối loạn miễn dịch và yếu tố di truyền.

Ngoài ra, một số yếu tố có ảnh hưởng, kích thích và làm bệnh tiến triển nặng thêm như stress, nghiện bia, rượu, thuốc lá, nhiễm trùng, rối loạn nội tiết, rối loạn chuyển hóa, khí hậu, môi trường… Tuy nhiên, vẩy nến không phải là bệnh lây nhiễm như bao người nhầm tưởng.

Vẩy nến thường biểu hiện vùng da nổi đỏ sần sùi có nhiều vảy trắng hay ngứa gãi, có khi sưng đau phát nóng sốt rất khó chịu. Các nghiên cứu của y học cổ truyền cho rằng, vảy nến phần nhiều do huyết nhiệt ứ kết bì phu, bệnh liên quan đến tạng can tạng phế “phế chủ bì phu và gan chủ về huyết dịch”, da khô sần do phế nhiệt táo, ngoài da mụn nhọt, lở ngứa sưng đỏ đau thường do huyết nhiệt. Vậy nên phòng trị vảy nến nên thanh huyết, mát gan, nhuận phế, trừ phong, thông kinh mạch tăng cường khí huyết nuôi dưỡng tới bì phu. Sau đây là bài thuốc cổ phương có thể tham khảo sử dụng.

Nếu vùng da vảy nến sắc hồng đỏ có vảy khô, mùa hè bệnh tăng, phép trị lương huyết, thanh nhiệt. Nên dùng bài Ngưu bàng giải cơ thang gia giảm: Ngưu bàng tử, kinh giới, liên kiều, chi tử, đơn bì, thạch hộc, huyền sâm, hạ khô thảo, cát căn mỗi vị 12 - 14g. Sắc ngày uống một thang. Tác dụng sơ phong, thanh nhiệt, tiêu thủng. Bài này dùng thích hợp với người vảy nến do gan huyết nhiệt vẩy nến hay phát ở vùng trên đầu mặt.

Nếu vùng da vảy nến đỏ thâm, có khi sưng phù, cảm giác nóng rát đau phát sốt, phép trị lương huyết, thanh nhiệt, tiêu độc. Nên dùng bài Ngân hoa giải độc thang gia giảm có vị kim ngân hoa 18g, liên kiều 14g, bồ công anh 16g, hạ khô thảo 14g, xích thược 14, hoàng liên 10g, ngưu giác 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Tác dụng thanh nhiệt, giải độc tả hỏa, lương huyết, thích hợp với người mụn nhọt, vảy nến, trứng cá, do nhiệt độc.

Nếu vảy nến có da dầy cộm, có khi mụn mủ ngứa gãi chảy nước, phép trị hoạt huyết hóa ứ, thanh thấp nhiệt. Nên dùng bài Tứ vật đào hồng gia giảm: Sinh địa 20g, đương quy 14g, xuyên khung 14g, xích thược 14g, đào nhân 12g, hồng hoa 10g, ngưu tất 12g, thổ phục linh 12g, ý dĩ 14g, thương truật 12g, hoàng bá 12g. Sắc uống ngày một thang. Tác dụng bổ huyết, hoạt huyết thanh thấp nhiệt. Bài này dùng thích hợp chữa bệnh vảy nến do thấp nhiệt, bệnh thường phát nhiều ở chân.

Khi bị vẩy nến, ngoài dùng thuốc có thể chế biến thêm món ăn trị bệnh như món giò heo tiềm thuốc: Sinh địa, đương quy, xuyên khung, bạch thược, mạch môn 12g, cẩu kỷ, cúc hoa mỗi vị 10g. Tác dụng bổ huyết, điều huyết, nhuận phế, mát gan… Ngoài ra, cần tăng cường ăn các loại rau bổ mát giàu vitamin A, B5, B2 có trong cà chua, bí đỏ, cà rốt, bông cải, rau dấp cá, mùng tơi, rau đay, lá lốt, giá đậu, nấm, sữa chua, trái cây như bơ, đu đủ, dâu, chuối, dưa hấu, dưa bở. Đối với cá, nên ăn cá  ít dị ứng như cá lóc, cá rô, cá ba sa, cá hồi. Ngũ cốc nên ăn gạo lứt, bắp tươi, đậu mè còn nguyên vỏ lụa. Nên uống nước mía lau, râu ngô, bột sắn dây, nhân trần, nước cam, chanh nước trái cây tươi đều tốt.

Ngoài ăn uống bổ mát, thanh đạm nên han chế ăn vị cay, nóng, mặn như tiêu ớt, cà ri, thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, thịt cá khô kho mặn, bỏ hút thuốc lá, rượu, bia, tránh căng thẳng thần kinh.

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top