Dong riềng là cây thân mềm, cao 1-2m, thân rễ phình to thành củ, cây thường trồng mùa xuân, mùa đông thu hoạch, đào lấy củ luộc ăn như khoai, thân cây dùng làm thức ăn chăn nuôi gia súc. Bột dong riềng nấu chín trong và dai thường được làm miến.
Theo y học cổ truyền, củ dong riềng vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, an thần, hạ áp, trị bệnh gan mật vàng da, viêm đại tràng, ho phế nhiệt, huyết lậu, phụ nữ khí hư....Các nghiên cứu của sách cổ phương còn cho biết dong riềng còn có công dụng trừ nhiệt độc, trị ung nhọt, lợi tiểu tiện, thu liễm, trừ đàm, bổ thận hư, trị huyết lậu, bạch đới, rối loạn kinh nguyệt, nhọt độc. Dong riềng còn được xem là vị thuốc tốt cho người gan mật thấp nhiệt vàng da. Dưới đây là một số bài thuốc dân gian có dùng dong riềng.
- Chữa viêm gan vàng da: Củ dong riềng tươi 100g cắt nhỏ, nhân trần 30g, cỏ mực 20g sắc uống.
- Chữa viêm đại tràng rối loạn tiêu hóa: Miến dong nguyên chất 100g, ruột già heo 100g làm sạch thêm gia vị xào ăn.
-Trị nóng nhiệt, hạ sốt: Kinh nghiệm nhân dân có nơi dùng rễ cây dong rửa sạch phơi khô phối hợp vị thuốc khác nấu nước uống trị nóng nhiệt, hạ sốt. Lá và cây dong riềng thái nấu làm thức ăn cho heo ăn mau lớn.
Lương y Phan Thị Thạnh (Hội Đông y Vũng Tàu)