Đền Tam Xã, Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội, thờ Tướng quân Đỗ Cảnh Thạc.
Nguồn gốc tên gọi Độc nhĩ đại vương
Đỗ Cảnh Thạc- Độc nhĩ đại vương (912 – 967) tướng nhà Ngô, một trong 12 sứ quân trong lịch sử Việt Nam, được biết đến với đặc điểm chỉ còn một tai, tức Độc nhĩ đại vương. Ông sinh ngày 14 tháng giêng năm Nhâm Thân (912); thân phụ là Đỗ Quảng Lăng, mẹ là Trần Thị Thọ thuộc Đỗ Động Giang, Ấp Động (huyện Thanh Oai bây giờ).
Có thuyết cho rằng cha ông là Đỗ Thục, người gốc Quảng Lăng đất Trung Quốc. Vào thời Ngũ đại thập quốc, Đỗ Thục sang làm Tĩnh Hải quân và sinh ra Đỗ Cảnh Thạc. Gốc gác này, sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng ghi: “Đỗ Cảnh Thạc, người huyện Thuận Đức thuộc Quảng Đông”.
Tương truyền vào thuở thiếu thời, cậu bé họ Đỗ thông minh khỏe mạnh, 8 tuổi đã biết bày ra các trò chơi, 12 tuổi đã biết cưỡi ngựa, bắn cung, theo cha đi săn muông thú; 16 tuổi đã có chí lớn, thấy bọn quan quân nhà Nam Hán ức hiếp dân lành, giết người, cướp của, trong lòng căm hận, chỉ muốn tiêu diệt cho bõ tức. Nhưng cũng chính vì tính khí ấy mà vị sứ quân tương lai mới mất một tai- trở thành độc nhĩ đại vương.
Việc này, trong Thần phả Đỗ tướng công có chép lại nguyên do: “Một hôm giặc vào bắt lợn của nhà, ông xông ra giằng lại bị chúng đánh đập, cáu tiết ông giằng chiếc đòn khiêng lợn đánh lại, sau vì thế cô mà bị chúng quây bắt trói lên cây và xẻo mất một tai.
Sau việc này, ông quyết tìm thầy học võ”. Cũng có thuyết khác cho hay, khi dẫn quân đánh nhau với Nam Hán, trong lúc giao tranh, ông bị giặc phạt mất một tai.
Cũng vì mối thù không đội trời chung với giặc phương Bắc, lại thêm nợ nước, thù nhà chồng chất, sau đó Đỗ Cảnh Thạc tìm thầy luyện võ ba năm “giặc kéo đến ấp cướp bóc, dân ấp người chết người chạy trốn, nhà ông bị đốt cháy, cha mẹ bị giặc giết”, đã nung nấu trong huyết quản chàng trai ấy chí lớn trả thù nhà, đền nợ nước…
Người bày kế đóng cọc trên sông Bạch Đằng
Như vậy các nguồn tài liệu đều khẳng định Đỗ Cảnh Thạc có nguồn gốc Trung Quốc; trong suốt cuộc đời làm tướng của mình, trở thành một cánh tay đắc lực phò giúp nhà Ngô lập nền tự chủ, dựng xây triều đại, được Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan tán tụng là: “Tướng công phò suốt ba đời nhà Ngô, trải bao biến cố vẫn giữ một lòng trung hiếu, không màng danh lợi, cống hiến cả cuộc đời cho dân, cho nước. Thật là một tấm gương trung hiếu chói lọi cho đời sau noi theo”.
Ban đầu Đỗ Cảnh Thạc tìm về dưới trướng Dương Đình Nghệ, nhưng sau đó lại bén duyên với con rể họ Dương là Ngô Quyền lúc ấy đang trấn thủ Ái Châu do ý hợp tâm đầu.
Khâm phục tài năng và chí khí của viên tướng họ Ngô nên ngày 15 tháng giêng năm 937, Đỗ Cảnh Thạc đã đem theo đội quân được xây dựng từ trước về với Ngô Quyền, tôn Ngô Quyền là Đại huynh.
Năm 937, Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ cướp ngôi Tiết độ sứ. Đỗ Cảnh Thạc vào Ái Châu theo Ngô Quyền. Năm 938, ông giúp Ngô Quyền tham gia đánh bại Kiều Công Tiễn sau đó phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng.
Tương truyền, ông chính là người bàn với Ngô Quyền dùng cọc nhọn đóng ở lòng sông để diệt giặc, lại dẫn đầu một cánh quân cả thủy binh và bộ binh mai phục bên hữu ngạn sông Bạch Đằng, tham gia tổng tấn công quân Hoằng Thao, góp phần vào đại thắng.
(còn nữa)
TS Nguyễn Thành Hữu