Đình Ngô Sài (Quốc Oai, Hà Nội) thờ Đỗ Cảnh Thạc.
Ngày vui ngắn chẳng tày gang
Năm Kỷ Hợi (939), Ngô Quyền xưng vương, dựng nước, đóng đô, đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục, vị tướng họ Đỗ đã được phong làm Thái uý đứng đầu các quan võ.
Chỉ tiếc rằng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, 5 năm sau, Ngô Vương Quyền băng hà (944). Dương Tam Kha cướp ngôi nhà Ngô, tự xưng là Bình Vương, để không mang tiếng đã nhận Ngô Xương Văn làm con nuôi.
Trước biến loạn của dòng họ, sợ lụy đến thân, Ngô Xương Ngập anh Ngô Xương Văn chạy đến Nam Sách Giang, ẩn náu tại nhà Phạm Lệnh Công ở Trà Hương (Kim Thành, Hải Dương).
Sợ sự tồn tại của đứa cháu gọi mình bằng cậu sẽ làm cho các cựu thần nhà Ngô có lòng khác, Dương Tam Kha bèn sai Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc ba lần đem quân đi lùng Ngô Xương Ngập.
Tuy nhiên, họ Dương đã cậy sai người khi Đỗ Cảnh Thạc đã từng cùng Ngô Quyền vào sinh ra tử bao phen, sẽ không nỡ xuống tay với chính con ruột của chủ cũ. Nên việc bắt Ngô Xương Ngập không thành, Phạm Lệnh Công đem Xương Ngập giấu vào trong động núi. Tam Kha biết tin, lại sai lùng tìm nhưng cuối cùng vẫn không tìm thấy.
Không những thế, năm 950, Dương Bình vương lại sai ông và Dương Cát Lợi cùng Ngô Xương Văn đem quân đi đánh hai thôn ở Thái Bình.
Khi đến Từ Liêm, Ngô Xương Văn bảo hai tướng rằng: Đức trạch của Tiên vương ta thấm khắp lòng dân, tất cả các chính lệnh thi hành không ai là không vui lòng theo cả. Chẳng may Tiên vương ta mất đi. Bây giờ Bình vương là kẻ bất nghĩa, tự cướp lấy ngôi, còn tội gì hơn nữa! Nay lại sai chúng ta đi đánh các ấp vô tội kia, may mà được đã vậy, nếu họ không phục thì làm thế nào?
Xương Văn bàn mưu đem quân quay về đánh úp Bình Vương, phục lại cơ nghiệp nhà Ngô. Hai quan sứ đồng tình giúp Xương Văn đánh đổ Dương Tam Kha, góp công cho cuộc trung hưng của dòng họ này ngay sau đó vài năm.
Là một trong 12 sứ quân
Năm 965, Ngô Xương Văn đi dẹp loạn ở thôn Đường và thôn Nguyễn bị tử trận, nhà Hậu Ngô đến đây dứt. Các sứ quân tranh hùng, tạo nên thời thập nhị sứ quân. Đỗ Cảnh Thạc với thanh thế của mình, bèn chiếm giữ Đỗ Động (Thanh Oai), tự xưng là Đỗ Cảnh Công, hùng cứ một phương.
Căn cứ của ông tập trung ở đồn Bảo Đà và thành Quèn, trong đó thành Quèn gắn với tên tuổi vị tướng họ Đỗ hơn cả.
Tương truyền một lần Đỗ Cảnh Thạc đi qua trang Lạp Hạ, Ninh Sơn, phủ Quốc Oai, đạo Sơn Tây thấy phía Tây có một trại nhỏ là trại Quèn, núi vòng phía sau, sông ôm phía trước. Núi sông bao bọc như thế rồng chầu hổ phục, núi không cao mà đất bằng phẳng, nước trong xanh, nguồn mạch dồi dào, liền chọn làm nơi dựng thành. Bốn bề thành là đầm nước, lau sậy um tùm, phải có thuyền độc mộc mới ra vào được.
Thành Quèn là tên Nôm của thôn Cổ Hiền, nay thuộc Cổ Hiền, xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Từ đó, cả Ninh Sơn, suốt từ trại Quèn xuống Thiên Phúc, Bảo Đà thuộc Thanh Oai đều thuộc quyền ông cai quản.
Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc là một sứ quân mạnh, có cung thành chắc chắn và hào sâu bao quanh.
Theo thần phả Độc nhĩ đại vương ở Thanh Oai, Đỗ Cảnh Thạc là người trí dũng mưu lược, Đinh Bộ Lĩnh phải bàn mưu tính kế mà đánh. Ban đêm, Đinh Bộ Lĩnh cho quân bao vây bốn mặt thành và tiến đánh bất ngờ vào Trại Quèn.
Bấy giờ Đỗ Cảnh Thạc đang ở đồn Bảo Đà, quân tướng không ứng cứu được nhau, bị mất cả thành luỹ, đồn trại, lương thực bèn bỏ thành chạy. Hai bên giao tranh hơn một năm sau, Đinh Bộ Lĩnh hạ được thành. Đỗ Cảnh Thạc tháo chạy và bị trúng tên chết ở chân núi Sài Sơn. Đó là năm 967. Năm sau, Đinh Bộ Lĩnh dẹp hết các sứ quân lên làm hoàng đế, tức vua Đinh Tiên Hoàng.
(còn nữa)
TS Nguyễn Thành Hữu