Bấm huyệt chữa yếu thận
Thận thực hiện nhiệm vụ đào thải độc tố ra khỏi cơ thể bằng đường tiểu. Trung bình, thận lọc chất lỏng và 200ml máu, rồi sau đó thải ra ngoài cơ thể khoảng 1,5 lít nước. Khi thận yếu, thận hư, chứng bệnh suy thận thường gặp là hay tiểu đêm, tiểu dắt, ngủ hay gặp ác mộng, tóc bạc sớm kèm biểu hiện đau lưng mỏi gối, yếu sinh lý... Nếu không chữa trị kịp thời, để bệnh chuyển sang mãn tính sẽ rất khó chữa trị.
Bấm huyệt chữa thận yếu là một trong những phương pháp chữa bệnh cổ truyền điều hòa ngũ tạng, điều hòa sinh lý được Đông y áp dụng hiệu quả từ rất lâu. Trước tiên, bấm các huyệt có liên quan đến thận. Huyệt dũng tuyền nằm ở bàn chân, giúp điều hòa tâm lý và phục hồi sức khỏe. Thực hiện đơn giản bằng cách bấm huyệt tại vị trí chỗ lõm dưới bàn chân, 2/5 trước và 3/5 sau đường nối đầu ngón chân 2 và gót chân. Huyệt quan nguyên nằm ở gần rốn, vị trí dưới rốn 3cm.
Phương pháp này có tác dụng bổ thận, tráng dương, điều hòa khí huyết. Huyệt khí hải ở vị trí dưới rốn 1,5cm. Bấm huyệt này giúp bổ thận, ích nguyên, lưu thông khí huyết. Huyệt thận du nằm ở vị trí dưới mõm ngang đốt sống thắt lưng, khoảng cách giữa 2 chấm huyệt đo ngang bằng 1,5 thốn. Huyệt này có tác dụng ích thủy, tráng hỏa, điều thận khí, kiện gân cốt… Huyệt thái khê ở chỗ lõm bờ sau sát mắt cá chân với gân gót. Nhấn huyệt này sẽ làm tư thận, tráng dương, kiện gân cốt… Kiên trì day ấn các huyệt trên hàng ngày không chỉ chữa thận hư mà còn giúp bổ thận, giải độc, an thần, ngủ ngon, sống thọ.
Ngoài các huyệt trên, còn rất nhiều huyệt đạo khác có tác dụng chữa thận yếu. Tuy nhiên, trước khi tự điều trị chăm sóc tại nhà, người bệnh nên tìm hiểu, tham khảo kỹ hướng dẫn bấm huyệt tại các cơ sở y tế. Nên tham gia một buổi học hướng dẫn bấm huyệt sau đó tự điều trị ở nhà kiên trì mới có tác dụng.
Kết hợp các món ăn bài thuốc chữa bệnh
Y học dân gian còn lưu giữ nhiều bài thuốc chữa bệnh suy thận cấp, trong đó có bài thuốc vừa đơn giản lại vừa hiệu quả từ 2 vị thuốc dễ kiếm là đậu đen và cỏ mực. Cỏ mực (còn gọi là cây nhọ nồi) thuộc nhóm các cây thuốc và vị thuốc cầm máu. Cỏ mực vị ngọt, chua, tính lương vào 2 kinh can và thận, tác dụng bổ thận âm, chỉ huyết lỵ. Về hiệu quả trị bệnh, cỏ mực dùng chữa can thận âm kém, lỵ, đại tiện ra máu, làm đen râu tóc. Đậu đen có tác dụng thông tiểu tiện và thông mật. Những vị thuốc chế từ đậu đen có tác dung bổ thận thủy. Trong điều trị thận hư, cỏ mực đậu đen là bài thuốc đơn giản dễ áp dụng được nhiều lương y khuyên dùng. Bài thuốc chữa suy thận từ đậu đen được chế theo công thức sau: Cỏ mực rửa sạch, phơi khô, sao vàng trên lửa than. Đỗ đen rang cháy vừa. Lấy 30g cỏ mực và 40g đậu đen đun sôi rồi chắt lấy nước. Uống nước này thay nước hàng ngày. Mỗi thang có thể sắc uống nhiều lần.
Cỏ mực và đậu đen trị thận hư. |
Suy nhược cơ thể do thận dương hư thường gặp ở người cao tuổi, đại tiện lỏng mạn tính, suy nhược thần kinh, hưng phấn giảm. Người bệnh thường sợ lạnh, chân tay lạnh, lưng gối mỏi yếu, răng lung lay, di tinh, hoạt tinh, liệt dương, tiểu tiện nhiều lần, suyễn, tai ù, đại tiện lỏng về buổi sáng (ngũ canh tả), mạch trầm trì nhược. Để điều trị, dùng các món ăn bài thuốc ôn bổ thận dương. Bài 1: bồ câu non 1 con, chim sẻ 5 con, đậu đen 120g, phá cố chỉ 120g, thỏ ty tử 120g. Làm sạch sấy khô tán bột. Ngày uống 15-20g với rượu chữa thận dương hư, liệt dương; Bài 2: quả trâu cổ (quả sộp) 4kg, đậu đen 4kg, rượu 2 lít. Trâu cổ và đậu đen nấu 2 - 3 lần, hợp nước sắc cô lại thành 3 lít cao lỏng cho rượu thành 5 lít. Ngày uống 3 lần trước bữa ăn, mỗi lần 15ml có tác dụng trị thiếu máu, di tinh, đau các khớp mạn tính do thận hư.
TTUT Lê Hữu Tuấn (nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương)