Hỏi: Xin KH&ĐS cho biết về bệnh dị tật lỗ đái lệch thấp? Biểu hiện và cách điều trị bệnh này như thế nào?
Nguyễn Khánh Minh (Hà Nội)
ThS Đinh Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em: Lỗ đái lệch thấp là dị tật bẩm sinh của dương vật làm cho niệu đạo, vật hang, vật xốp, quy đầu và da quy đầu phát triển không hoàn toàn. Lỗ niệu đạo có thể nằm ở bất kỳ vị trí nào trên thân dương vật, thậm chí có thể nằm ở bìu hay tầng sinh môn.
Có 3 loại lỗ đái lệch thấp: Đoạn trước (phần thấp quy đầu, rãnh quy đầu); Đoạn giữa hay đoạn thân dương vật (phần đầu, giữa hoặc gốc của thân dương vật); Đoạn sau là thể nặng nhất (chỗ nối dương vật – bìu, ở bìu, tầng sinh môn). Lỗ đái lệch thấp thường phối hợp với các dị tật đi kèm như: Tinh hoàn không xuống bìu và thoát vị bẹn; Dị tật đường tiết niệu; Túi bầu dục tuyến tiền liệt; Rối loạn biệt hóa giới tính...
Khi phát hiện bệnh lỗ đái lệch thấp và dị tật đi kèm cần điều trị tại các trung tâm tiết niệu và nam học tuyến tỉnh và tuyến TW để phẫu thuật tạo hình một thì. Điều trị lỗ đái lệch thấp cần phải làm thẳng đứng dương vật, tạo hình lại niệu đạo đưa lỗ niệu đạo ra đúng vị trí quy đầu. Mục tiêu của quá trình điều trị là tạo nên một dương vật bình thường về mặt chức năng và giải phẫu.