Điều trị bảo tồn và phẫu thuật gân gót Achilles

(khoahocdoisong.vn) - Gân gót là gân của cơ tam đầu cẳng chân. Cơ tam đầu gồm có ba cơ: Cơ bụng chân ngoài, cơ bụng chân trong và cơ dép. Gân của ba cơ này chụm lại thành một gân là gân gót hay còn gọi là gân Achilles, đây là gân lớn nhất và mạnh nhất trong cơ thể.

Viêm gân gót nam gặp nhiều hơn nữ

Gân gót bám vào mặt sau trên của xương gót. Cơ tam đầu có chức năng gấp gan bàn chân giống như đứng kiễng chân nên lực cơ rất mạnh. Mặt trước gân gót có một bao hoạt dịch gân nhỏ giúp gân gót khi cử động trượt được dễ dàng trên các tổ chức phía trước.

Hình 1. Bao hoạt dịch gân gót.

Hình 1. Bao hoạt dịch gân gót.

Viêm chỗ bám gân gót là bệnh lý do thoái hóa các sợi của gân gót ngay tại nơi bám của nó vào xương gót. Bệnh lý này có thể kết hợp với viêm túi hoạt dịch sau xương gót hay với viêm của bao gân gót ở cùng một nơi.

- Bệnh lý thoái hóa hay viêm gây lắng đọng canxi làm xuất hiện gai xương tại chỗ bám của gân gót và cọ sát vào gân gót khi vận động.

- Tổn thương cơ học đứt rách các sợi gân nơi bám vào xương gót. Thường gặp khi chạy tăng tốc độ, mang vác vật nặng đi trên đường không bằng phẳng, các động tác làm tăng mạnh lực cơ tam đầu cẳng chân làm gân cơ dép bị căng kéo mạnh.

- Viêm bao hoạt dịch gân gót.

Hình 2. Viêm gân gót chân (mũi tên).

Hình 2. Viêm gân gót chân (mũi tên).

Những người hay bị viêm gân gót như người ở tuổi trung niên (40 – 50 tuổi), gân gót đã bị thoái hóa, phải chịu lực quá tải đột ngột nên dễ bị tổn thương. Với bệnh này, nam gặp nhiều hơn nữ, vì nam thường chơi thể thao hoặc lao động nặng, có những động tác bật nhảy đột ngột.

Biểu hiện bệnh

- Về lâm sàng:

+ Đau gân gót khi bước đi, nhất là các động tác kéo căng gân gót như kiễng chân.

+ Tại chỗ thường bình thường, nhưng đôi khi thấy nề đỏ.

+ Có thể thấy phì đại phía sau xương gót.

+ Nắn bóp hoặc gõ lên gân gót bệnh nhân đau.

- Về cận lâm sàng: Chụp X-quang xương gót có thể thấy các lắng đọng vôi trong  gân gót tại chỗ bám, gai phía sau xương gót, biến dạng xương gót kiểu Haglund. Chụp cộng hưởng từ (MRI) được lựa chọn, có thể thấy hình ảnh thoái hóa gân gót, viêm túi hoạt dịch sau xương gót. MRI thường được chỉ định trước mổ để giúp đánh giá mức độ tổn thương gân gót, từ đó có phương án phẫu thuật phù hợp.

Điều trị bảo tồn và phẫu thuật

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, viêm chỗ bám gân gót có thể dẫn đến đứt gân gót, bệnh lý (khác với đứt gân gót do chấn thương), khi đó, việc điều trị sẽ khó khăn hơn và thời gian hồi phục cũng kéo dài hơn nhiều. Tùy thuộc vào mức độ và giai đoạn của bệnh, có thể điều trị bảo tồn hoặc điều trị phẫu thuật. Điều trị viêm chỗ bám gân gót bảo tồn không phẫu thuật có hiệu quả cho đa số các trường hợp, bao gồm:

- Nghỉ ngơi: Bước đầu tiên trong việc điều trị là người bệnh phải hạn chế hoặc ngưng hẳn các hoạt động có thể làm cho gót chân bị đau thêm. Đối với vận động viên tập luyện các môn thể thao có cường độ cao như chạy, nhảy… nên chuyển sang những môn có cường độ thấp hơn như bơi lội, đạp  xe…

- Vật lý trị liệu: Điều trị nhiệt nóng (hồng ngoại, paraffin, sóng ngắn), điện di novocain, điện xung. Thường phối hợp các biện pháp, mỗi ngày một hoặc hai lần, mỗi liệu trình 2 – 3 tuần.

- Sóng xung kích (shock waves): Điều trị 1 hoặc 2 lần/tuần, mỗi liệu trình 4 – 6 lần thường cho kết quả tốt.

- Dùng thuốc kháng viêm không steroid để giảm đau theo chỉ định của bác sĩ. Các thuốc này chỉ giúp bớt đau chứ không có tác dụng làm mất đi các tổn thương do thoái hóa như rách gân gót, gai xương gót gây chèn ép gân gót, biến dạng xương gót… Có thể sử dụng các miếng dán nitroglycerin để làm tăng tưới máu cho vùng gót.

- Tiêm corticoid  tại  chỗ:  Việc này không được chỉ định vì làm chết gân, dễ đưa đến biến chứng đứt gân gót.

Đối với điều trị phẫu thuật, thường được chỉ định khi việc điều trị bảo tồn ít nhất 6 tháng mà không có kết quả. Các phương pháp phẫu thuật viêm chỗ bám gân gót phổ biến bao gồm:

- Cắt lọc các đoạn thoái hóa của gân gót, cắt bỏ các gai xương to gây kích thích gân và các mô của túi hoạt dịch viêm, khâu tăng cường chỗ bám của gân gót vào xương gót với các neo bằng kim loại hay chất dẻo. Được chỉ định khi gân gót bị tổn thương < 50% bề dày của gân.

Hình 3. Phẫu thuật cắt lọc gai xương.

Hình 3. Phẫu thuật cắt lọc gai xương.

- Chuyển gân thay thế gân gót: được chỉ định cho người lớn tuổi hay  khi  gân  gót  bị  tổn  thương hơn 50% bề dày của gân, phần gân gót lành lặn còn lại quá ít, không đủ lực để chịu sức nặng khi đi lại hoặc vận động và dễ bị đứt về sau. Thường dùng gân cơ gấp ngón chân cái dài thay cho gân gót. Nhờ có sự hoạt động bù trừ của gân gấp chung các ngón chân nên sau phẫu thuật, hầu hết người bệnh vẫn có thể vận động ngón chân cái tương đối bình thường mà không cảm nhận được sự khác biệt đáng kể.

- Kéo dài gân cơ bắp chân: Áp dụng cho các trường hợp cơ bắp chân quá căng làm  tăng lực tải lên chỗ bám của gân gót. Phẫu thuật này giúp kéo dài và giãn gân cơ bắp chân, từ  đó làm giảm đi lực tải này.

Quá trình hồi phục: Sau mổ mang nẹp (gấp gan bàn chân) trong 2 tuần; tập phục hồi chức năng từ 4 – 6 tuần. Có thể tập thể thao lại sau 8 – 12 tuần. Hầu hết, người bệnh được phẫu thuật đều có kết quả tốt sau mổ, tuy nhiên, thời gian hồi phục hoàn  toàn  tùy thuộc vào mức độ tổn thương của gân gót.

Bài và ảnh PGS.TS Hà Hoàng Kiệm (BV Quân y 103)

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top