Tướng Soát (thứ 2 phải sang).
Trung tướng, phi công Nguyễn Đức Soát, phi công Át (ACES), trưởng đoàn phi công Việt Nam cho biết, chủ đề cuộc hội thảo “Từ Không chiến đến hòa giải” đã nói lên tất cả. Đúng 45 năm kể từ sau 12 ngày đêm không chiến ác liệt trên bầu trời Hà Nội, mùa thu năm nay, các phi công Việt Nam và Mỹ, những người đã từng đối đầu nhau trên trời đã có cuộc hội ngộ đặc biệt tại bảo tàng tàu sân bay USS Midway, ở San Diego, California, Mỹ.
Phi công Nguyễn Đức Soát tham gia hóa giải
Có thể nói, đây là cuộc gặp gỡ hiếm có của những người ở hai bên chiến tuyến, giờ đều đã ngoài 70 tuổi. Dịp này, 12 phi công Việt Nam không chỉ gặp lại những “cựu thù” năm xưa, mà còn có dịp gặp gỡ, giao lưu với các cựu phi công Mỹ từ hải quân, không quân, thủy quân lục chiến và bà con Việt kiều.
Tại cuộc gặp này, phi công Nguyễn Đức Soát có dịp gặp lại cựu phi công F-4J John Cezak, người bị tướng Soát bắn rơi máy bay vào ngày 27/6/1972. Ông Cezak nhìn tướng Soát hồi lâu, rồi hỏi: “Có phải ông là người bắn rơi máy bay của tôi, rồi còn vào Hỏa Lò thăm tôi?”.
Theo tướng Soát, chính các cựu quân nhân Hoa Kỳ đã từng chiến đấu ở VN có công lớn trong việc hòa giải bởi vì sau chiến tranh vấn đề tìm kiếm người Mỹ mất tích còn khá nặng nề. Năm 1988, Việt Nam đã đồng ý cho phía Mỹ tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Cảm kích trước thiện chí này của Việt Nam, các cựu binh Mỹ như Thượng Nghị sỹ John McCaine, cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã vận động chính giới Mỹ thúc đẩy nhanh tiến trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Cuối cùng, năm 1995, Mỹ tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Tướng Soát cũng cho biết thêm, ngay từ năm 2005, đã có một số cựu phi công Mỹ tới Việt Nam tìm gặp những phi công từng là “ đối thủ” của mình năm xưa. Một số người cũng đích thân tới gặp ông với mong muốn được gặp gỡ các phi công Việt Nam.
Tháng 12/2012, một phi công Mỹ sang Việt Nam để tìm gặp thiếu tướng phi công Trần Việt. Khi vừa gặp, câu đầu tiên ông ấy nói với thiếu tướng Trần Việt: “Tôi chuyển lời cám ơn của mẹ tôi tới ông, bởi, ông tuy bắn rơi máy bay của tôi nhưng không bắn chết tôi”.
Được biết, sau chiến tranh, nhiều cựu phi công Mỹ và Việt Nam đã có những vị trí xã hội nhất định và những cuộc giao lưu giữa các cựu phi công không chỉ thỏa mãn những thắc mắc trong những trận không chiến trước đây, mà quan trọng hơn là góp phần hòa giải giữa hai dân tộc.
Sau cuộc gặp gỡ lần đầu tiên của hơn 11 cựu phi công Mỹ tại Hà Nội 13/4/2016 ( trong đó có cả cựu Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam Peter Peterson), đại tá Charlie Tutt, người từng lái máy bay F4 tham chiến tại VN, cùng tướng Soát lên kế hoạch cho chuyến đi của đoàn cựu phi công Việt Nam sang Mỹ theo sáng kiến của tướng Soát.
Để có được cuộc hội ngộ lần đầu tiên tại Hà Nội và lần thứ hai tại Mỹ, tướng Soát và ông Charlie Tutt đã thư từ trao đổi rất nhiều lần để vượt qua nhiều vấn đề khó khăn, trong đó có vấn đề tài chính vì kinh phí cho chuyến đi là do các cá nhân tự đóng góp.
Chuyến đi cũng đã gây một tiếng vang lớn ở Mỹ, dù đoàn không thông báo rộng rãi. Phía Mỹ đề xuất nếu đoàn Việt Nam đến Washington làm việc với một số cơ quan của Mỹ, phía Mỹ sẽ đề xuất để Phó tổng thống Mỹ ăn sáng với đoàn. Tuy nhiên, theo kế hoạch đoàn sẽ không lên Washington nên kế hoạch ăn sáng với Phó Tổng thống bị hủy bỏ.
Cảm động hơn cả, cuối cuộc gặp gỡ, một Việt kiều tới bắt tay và cảm ơn tướng Soát. Người này nói, lần đầu tiên được nhìn thấy phi công Việt Nam to cao, đẹp trai và rất được người Mỹ nể phục. Anh nói: “ Tôi ngồi dưới hội trường mà thấy tự hào lắm”.
Cuộc hội ngộ giữa các cựu phi công Việt Nam và Mỹ từng đối đầu trên bầu trời Hà Nội.
Giải mật sau 45 năm
Người Mỹ rất quan tâm tới trận chiến trên không tại Việt Nam. Họ vẫn luôn thắc mắc vì sao Không quân Việt Nam thua xa Mỹ về số lượng, công nghệ và trình độ lại có thể bắn hạ được đối phương. Họ vẫn còn ngờ vực rằng, chắc hẳn phải có những phi công siêu phàm hoặc các phi công Liên Xô, Trung Quốc tham chiến.
Báo chí Mỹ thời đó còn dựng lên hình tượng phi công Nguyễn Tôm với 13 chiến công lẫy lừng và đã bị phi công R.Cunningham bắn rơi năm 1972 và trở thành phi công Át duy nhất của hải quân Mỹ. Các phi công Việt Nam dự hội thảo “Từ Không chiến đến hòa giải” cho biết, thực tế không có đại tá phi công Nguyễn Tôm nào cả.
Điều này cho thấy, Không quân Mỹ rất nể phục các phi công thiện chiến của Việt Nam và phi công Nguyễn Tôm chỉ là một nhân vật tượng trưng cho sự ám ảnh đó.
Về việc nghi ngờ có sự tham chiến của phi công Liên Xô và Trung Quốc, tướng Soát khẳng định, thực tế không hề có. Những chiếc máy bay MIG mà phi công Mỹ phải đối đầu đều do phi công Việt Nam điều khiển.
Chỉ duy nhất trận ngày 11/9/1972 có mặt thiếu tá phi công Liên Xô Vashili Moltov đang bay phục hồi cho phi công Đinh Tôn trên máy bay huấn luyện hai buồng lái UMIG, không đeo tên lửa.
Thậm chí chuyến bay đó, phi công Đinh Tôn đã vô cùng khéo léo tránh được hàng chục quả tên lửa không đối không từ máy bay F4 của Mỹ và cùng nhảy dù cứu thoát cả Moltov.
Tướng Soát nói với các phi công Mỹ: “Không hề có phi công nước ngoài nào tham chiến tại Việt Nam, bởi lẽ chúng tôi cũng có những bí mật quân sự riêng của chúng tôi”.
Chủ tịch Quốc hội gắn huân chương anh hùng cho trung úy Nguyễn Đức Soát ngày 11/1/1973 (ảnh tư liệu).
Các phi công Mỹ từ trước tới giờ luôn nghĩ rằng, Không quân Việt Nam đã sử dụng chiến thuật bay cao, bay thấp thì mới có thể bắn hạ được máy bay đối phương.
Tướng Soát đã bị chất vấn làm thế nào ông có thể dùng tên lửa hồng ngoại bắn trúng vào động cơ máy bay F4 của Mỹ trong điều kiện hai phi công Mỹ đều nhìn thấy máy bay của ông và có thể bắn được ông.
Thế nhưng cuối cùng, máy bay bị bắn rơi lại là máy bay Mỹ. Họ nghi ngờ rằng, chắc hẳn Việt Nam sử dụng chiến thuật bay cao và thấp. Tướng Soát thật thà cho biết, hôm đó không có nhóm bay cao hay thấp nào cả, mà chỉ có hai chiếc máy bay Việt Nam.
Với kinh nghiệm trận mạc dày dặn, tướng Soát đã xử lý tình huống cực nhanh và bắn hạ máy bay Mỹ trong thời gian cực ngắn: 1 phút 10 giây kể từ lúc phát hiện đến lúc bắn. Điều tiết lộ này của tướng Soát gây bất ngờ và nể phục đối với phi công Mỹ.
Cũng qua cuộc trao đổi thẳng thắn với các phi công Mỹ, điều bí mật sau gần nửa thế kỷ cũng được giải mã. Thời đó, phi công Việt Nam luôn thắc mắc không hiểu làm thế nào mà máy bay của mình bay ở độ cao nào cũng bị máy bay Mỹ phát hiện, dù lúc đầu, họ bay rất thấp, lúc đến gần đối phương mới kéo lên cao.
Phi công Mỹ tiết lộ, thời đó Mỹ đã lắp thiết bị phát sóng trùng tần số với máy “hỏi- đáp” trên máy bay MIG 21, nhờ đó họ phát hiện được MIG21 ở trên không.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát sinh ngày 24/6/1946 tại xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ông từng là phi công lái máy bay MiG-21 xuất sắc và được coi là một trong các Át chủ bài của Không quân Nhân dân Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam. Ông là Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân, rồi Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam và nghỉ hưu năm 2008. Hiện tại ông là Chủ tịch Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam.
Hoàng Bách (tổng hợp)