Phía sau dòng thông tin này là một câu chuyện lịch sử ít người tường tận về địa danh Giảng Võ ở kinh thành Thăng Long xưa.
Từ trung tâm huấn luyện quân đội của thành Thăng Long...
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào năm 1010, nhà Lý cho lập điện Giảng Võ; năm 1070, lập Xạ đình. Gần hai thế kỷ sau, vào tháng 8/1253, vua Trần Thái Tông lập Giảng Võ trường. Đây là nơi luyện tập võ thuật, giảng dạy binh pháp, thao diễn quân sự của các triều đại.
Năm 1481, nhà Lê đã cho đào hồ Hải Trì ở phía tây Thăng Long (gồm Giảng Võ, Kim Mã, Ngọc Khánh). Giữa hồ có điện Thúy Ngọc, bên cạnh dựng điện Giảng Võ để luyện tập, điểm duyệt binh mã.
Đình Giảng Võ ngày nay. |
Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại: “Chúa ngự ở lầu Giảng Võ... duyệt quân thủy và bộ, bày thuyền ghe, voi ngựa để phô bày sự cường thịnh”. Đó là vào năm 1630, thời vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng. Qua thư tịch, ngày nay ta còn biết được vị trí của Giảng Võ xưa khá gần với sông Tô Lịch và dòng sông này trước đây khá lớn, có thể đứng ở Giảng Võ mà xem duyệt binh trên sông Tô Lịch được.
Thư tịch cổ này cũng cho hay, đội tượng binh của nhà Lê đã chọn khá nhiều voi ở các nơi về để tập luyện ở Giảng Võ. Có khi, voi trận còn tham gia cuộc đấu khốc liệt với hổ để cho vua Lê Thánh Tông và quân sĩ xem, giải trí. Nhiều lần voi còn được mang ra đấu với dê rừng. Khi bị đẩy đến đường cùng, những con vật móng guốc này dương sừng ra húc làm voi cũng phải chùn bước.
...Đến di tích trường Giảng Võ và kho vũ khí cổ quý giá
Vào những năm 1960, việc nghiên cứu di tích trường Giảng Võ bắt đầu được tiến hành sau khi một vài vũ khí cổ được tìm thấy tại Trường Trung cấp Giao thông Cầu Giấy, nay là Đại học Giao thông Vận tải.
Các nhà khảo cổ tham gia khai quật cổ vật dưới lòng hồ Ngọc Khánh năm 1983. Ảnh: Bảo tàng Hà Nội. |
Việc nghiên cứu có bước ngoặt lớn khi tháng 3/1983 chính quyền thành phố Hà Nội cho thi công mở rộng hồ Ngọc Khánh, quận Ba Đình. Khi đào sâu xuống lòng đất, các công nhân phát hiện ra nhiều vũ khí, đồ gốm, sành cùng vật liệu kiến trúc bằng gỗ, đất nung.
Các nhà khảo cổ sau đó tổ chức khai quật, tìm thêm hàng nghìn hiện vật. Sang năm 1984, hai hội nghị khoa học do Sở Văn hóa tổ chức với những báo cáo nghiên cứu sâu rộng khẳng định khu vực hồ Ngọc Khánh là trường Giảng Võ thời Lê. Đến những năm 2000, các hiện vật được bàn giao cho Bảo tàng Hà Nội lưu giữ, bảo quản.
Câu liêm thuộc sưu tập vũ khí trường Giảng Võ. Ảnh: Bảo tàng Hà Nội. |
Theo Bảo tàng Hà Nội, bộ sưu tập vũ khí trường Giảng Võ gồm 111 hiện vật, thuộc 13 nhóm, được phân loại theo chức năng sử dụng, gồm: Bạch khí (giáo một ngạnh, mũi trường, câu liêm, đinh ba, kiếm và qua chỉ) và hỏa khí (súng lệnh và đạn), trong đó bạch khí chiếm 83%. Trong bạch khí, chủ yếu là loại đánh gần và xa, vũ khí phòng ngự chỉ chiếm 1,8%.
Trang bị bạch khí cho quân đội phát triển nhất vào thời Lê Sơ - Mạc - Lê Trung Hưng, thế kỷ 15-18. Đến giữa thế kỷ 19, theo hội điển của triều Nguyễn, phần lớn binh lính triều đình ra trận còn mang bạch khí. Quân đội Tây Sơn đã có pháo và một số loại hỏa khí nhưng về cơ bản vẫn là bạch khí.
Đa số vũ khí được làm từ sắt, riêng súng lệnh được đúc bằng hợp kim đồng và đạn bằng đá. Chúng chủ yếu được chế tạo bằng phương pháp rèn đập thủ công nên không trùng lặp với bất cứ bộ sưu tập vũ khí nào ở Việt Nam đến nay.
Giáo một ngạnh thuộc sưu tập vũ khí trường Giảng Võ. Ảnh: Bảo tàng Hà Nội. |
Giới nghiên cứu đánh giá, sưu tập vũ khí trường Giảng Võ minh chứng cho sự tồn tại của trường Giảng Võ thời Lê Sơ - Mạc - Lê trung hưng. Bộ sưu tập này là những đại diện tiêu biểu cho các chủng loại vũ khí thế kỷ 15-18, có nhiều giá trị trên các lĩnh vực lịch sử, văn hóa và khoa học quân sự Việt Nam.
Sưu tập vũ khí trường Giảng Võ xứng đáng được công nhận là Bảo vật quốc gia bởi đây là những hiện vật gốc độc bản. Theo hồ sơ công nhận Bảo vật, đây là sưu tập vũ khí độc đáo, loại hình phong phú và có nguồn gốc rõ ràng nhất, tập trung nhất, có niên đại thời Lê Sơ - Mạc - Lê trung hưng được phát hiện ở nước ta từ trước tới nay...
Mời quý độc giả xem video: Nhức nhối nạn mất cắp cổ vật trong đình chùa | VTC.