Dịch viêm phổi lạ ở Vũ Hán, Trung Quốc: Có thể là virus mới... và chưa có thuốc điều trị

(khoahocdoisong.vn) - Không chỉ ở Vũ Hán (Trung Quốc) số người viêm phổi do virus lạ tăng cao mà tại Singapore và Hồng Kông cũng đã ghi nhận ca bệnh. Bộ Y tế Việt Nam thiết lập hệ thống giám sát và chuẩn bị mọi tình huống để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.

Có thể là virus mới

Trả lời phóng viên KH&ĐS về virus gây viêm phổi nặng ở Vũ Hán Trung Quốc, GS.TS Phùng Đắc Cam, chuyên gia virus, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, người dân chớ nên hoang mang bởi dịch bệnh này vẫn đang khu trú ở Vũ Hán (với 44 ca mắc, 11 trường hợp nặng) dù ở Hồng Kông đã phát hiện 7 trường hợp và Singapore phát hiện 1 trường hợp là em bé 3 tuổi nhưng tất cả đều đến từ vùng dịch Vũ Hán. Việt Nam chưa ghi nhân ca bệnh nào và Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có công văn phong tỏa biên giới, giám sát và ngăn ngừa dịch bệnh vào trong nước.

Theo GS.TS Phùng Đắc Cam, đây là trường hợp viêm phổi không điển hình hiện chưa có  kết luận vì ở ngay tại Vũ Hán cũng chưa tìm được ra nguyên nhân gây bệnh. Nhiều nghi vấn cho rằng loại virus gây viêm phổi này là do SARS vì có người có những triệu chứng giống SARS nhưng thực tế có nhiều người không có triệu chứng của bệnh SARS. Hơn nữa các bác sĩ  tiếp xúc với bệnh nhân trong những ngày qua cũng không có biểu hiện gì. Mức độ lây lan của dịch viêm phổi này cũng không nhanh như SARS.

Nhân viên sân bay Suvarnabhumi, Bangkok (Thái Lan) chờ kiểm tra sức khỏe khách đến từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc (ảnh: The Star).

Nhân viên sân bay Suvarnabhumi, Bangkok (Thái Lan) chờ kiểm tra sức khỏe khách đến từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc (ảnh: The Star).

GS.TS Phùng Đắc Cam cho biết, sự biến động của virus rất đa dạng, thỉnh thoảng lại có một loại virus mới xuất hiện, chúng ta rất khó nắm bắt và kiểm soát. Từ trước đến nay có 2 loại virus đáng ngại nhất gây viêm phổi nặng là SARS và cúm A H5N1. Khi nhiễm virus SARS virus nhanh chóng gây viêm phổi, phổi bị xâm nhiễm toàn bộ. Tuy nhiên, dịch SARS bùng phát từ năm 2003 cho đến nay chưa thấy quay lại. Cúm A H5N1 vẫn lác đác quay lại nhưng không gây thành dịch lớn, chỉ gây các vụ lẻ tẻ ở từng địa phương.

Khó phát hiện và lan truyền nhanh

Theo GS.TS Phùng Đắc Cam, bệnh do virus nói chung và viêm phổi do virus nói riêng rất khó phát hiện và khó phòng chống. Bởi viêm phổi có thể do nhiều loại virus gây ra, nhưng hay gặp là do virus cúm và virus hợp bào hô hấp. Bệnh thường xuất hiện vào mùa lạnh, ở cả trẻ em và người lớn, ở người suy giảm miễn dịch và người có miễn dịch bình thường. 

Thông thường virus từ vùng mũi, miệng được hít vào đường hô hấp qua các giọt dịch tiết. Từ đây, chúng nhanh chóng xâm nhập vào tế bào lót bề mặt để phát triển, tế bào sẽ bị chết trực tiếp hoặc gián tiếp từ cơ chế tự chết. Chính phản ứng của hệ miễn dịch đối với virus làm tổn thương niêm mạc hô hấp nặng thêm nữa, bạch cầu (đặc biệt lympho bào) tiến tới vùng có virus và tiết ra hóa chất gây viêm cytokin, làm thoát dịch từ mô kẽ vào trong lòng phế nang. Chất tiết (gồm tế bào chết, bạch cầu, dịch thoát vào phế nang) gây tắc nghẽn phế nang, ngăn cản sự trao đổi oxy của máu. Rất nhanh sau đó tình trạng bội nhiễm vi trùng làm cho viêm phổi trở nên nặng nề, lan rộng dẫn đến suy hô hấp.

Bệnh viện Tuen Mun (Xingapo) đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ có triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên và sốt vào ngày 31/12/2019. (Ảnh: Getty Images)

Bệnh viện Tuen Mun (Xingapo) đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ có triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên và sốt vào ngày 31/12/2019. (Ảnh: Getty Images)

Biến chứng nguy hiểm trong viêm phổi do virus là suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, nhất là hội chứng nguy cấp hô hấp ở người lớn (ARDS), suy đa phủ tạng rồi đưa đến tử vong nhanh chóng. Biểu hiện viêm phổi do virus thường có nhiễm virus hô hấp trên trước nên nhiều trường hợp bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, ho, viêm mũi, đau cơ, nhức đầu… như tình trạng của cúm. Đặc biệt nếu do virus cúm thì tình trạng bệnh cảnh nặng, nguy hiểm và tử vong rất cao.

Do đó, đối với những trường hợp sốt cao, ho khạc đờm có vướng máu, khó thở và có tình trạng tím tái thì phải nghĩ đến viêm phổi và đi viện ngay. Những trường hợp nhiễm cúm mà có bệnh mạn tính như: Tim mạch, đái tháo đường, hen suyễn, suy giảm miễn dịch, lớn tuổi hoặc trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai… nếu bị viêm phổi sẽ rất nặng, nguy hiểm tính mạng, cần phải rất thận trọng.

Việc điều trị viêm phổi do virus chủ yếu là điều trị triệu chứng: Giảm sốt, long đờm, giảm ho…Một số loại virus có thuốc để điều trị nhưng không hiệu quả hoàn toàn như đối với vi khuẩn, chẳng hạn virus cúm A, việc dùng thuốc kháng virus phải sớm trong 24 – 48 giờ, nếu trễ hơn không có tác dụng nhiều. Dùng kháng sinh phòng ngừa không chứng minh được hiệu quả...

Vì vậy, theo GS.TS Phùng Đắc Cam cách phòng tốt nhất bệnh viêm phổi do virus là tránh ra ngoài đường nhất là nơi tụ tập đông người. Khi ra ngoài cần có khẩu trang y tế, tránh tiếp xúc chỗ đông người, khi có sốt cao phải đi khám ngay. Hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu viêm phổi do virus vì thế cách tốt nhất là phải nâng cao hệ miễn dịch, ăn uống đủ dưỡng chất...

Lưu ý, cần phải uống nước liên tục, nếu không máu bị cô đặc, nhiều sản phẩm sinh học tạo ra do quá trình hoạt động hệ miễn dịch, gây hại cơ thể. Mặt khác, thiếu nước thì niêm mạc đường hô hấp trên bị khô, sẽ thuận lợi cho virus xâm nhập.Tuyệt đối không nên dùng thức ăn khó tiêu trong khi bị bệnh. Nên ăn nhẹ, thức ăn dễ tiêu. Có thể uống sữa không đường, cháo giải cảm (gạo, đậu xanh, cá, lươn, hoặc tôm khô nấu nhừ thêm nhiều hành củ giã nát), ăn nóng.

Ngày 6/1, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã có công văn khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố để chủ động phòng chống dịch bệnh xâm nhập vào nước ta.

Theo thông tin từ Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế và hệ thống giám sát dịch bệnh Việt Nam, hiện nay Trung Quốc tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Tính đến ngày 06/01/2020, đã ghi nhận 59 trường hợp mắc, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh xâm nhập vào nước ta,  Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai một số hoạt động sau:

1. Tăng cường việc giám sát dịch bệnh truyền nhiễm tại cửa khẩu, cơ sở y tế, cộng đồng thông qua hệ thống giám sát thường xuyên và giám sát dựa vào sự kiện (EBS), đặc biệt tổ chức giám sát chặt chẽ bằng máy đo thân nhiệt từ xa và quan sát tình trạng sức khỏe tất cả các hành khách nhập cảnh có về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc; phát hiện sớm, cách ly và xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, có báo cáo kịp thời cho các cơ quan quản lý để phối hợp chỉ đạo giải quyết.

2. Các cơ sở y tế lưu ý khai thác tiền sử các bệnh nhân đi về từ các khu vực đang ghi nhận các trường hợp viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân tại Trung Quốc để chủ động áp dụng các biện pháp quản lý bệnh nhân phù hợp và lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm các trường hợp bệnh xâm nhập vào nước ta.

3. Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chủ động rà soát kế hoạch đáp ứng dịch bệnh tại địa phương, các trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc, bố trí nhân lực để sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng chống theo các tình huống dịch bệnh.

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top