Rằm tháng Giêng quan trọng như lễ Giao thừa
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Tuấn Kiệt, tác giả cuốn sách “Bí quyết cải tạo vận mệnh” nổi tiếng cho biết, khí của đầu năm có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu đầu năm đón được vượng khí vào nhà thì trong năm sẽ có nhiều thuận lợi, cát tường. Vì vậy, đầu năm, nhất là trong tháng Giêng mọi người thường cúng lễ để cầu cho một năm tốt lành, điều lành đến, điều dữ đi.
Trong tháng Giêng thì ngày Rằm là ngày quan trọng nhất, tương đương với ngày mồng 1 lễ Giao thừa đón năm mới. Sự khác biệt ý nghĩa về thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới của lễ Giao thừa, rằm tháng Giêng có ý nghĩa về tâm linh. Dân gian ta có câu: “Cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng” và gốc rễ của mọi quan niệm chính là xuất phát từ Phật giáo.
Tháng Giêng là tháng đầu năm, lại là tích Phật Thích Ca thể hiện thần thông hàng phục ngoại đạo và ban phước vào 15 ngày đầu năm, đặc biệt là ngày rằm tháng Giêng công đức tăng trưởng nhiều lần. Mọi thiện hạnh và ác hạnh đều nhân lên nhiều lần. Nếu chúng ta làm điều lành, cầu an, thiện nguyện thì sẽ thu được nhiều lợi lạc cho một năm mới cát tường.
Tục đi lễ đầu năm
Đầu năm nhân dân ta hay đi lễ chùa. Nhân dân quan niệm mùa xuân là mùa khởi đầu của một năm, khởi đầu của sự sống và nó trở thành yếu tố tâm linh gắn với văn hóa, tín ngưỡng của người Việt. Theo ông Nguyễn Tuấn Kiệt, đầu năm ai cũng mong muốn làm nhiều điều thiện lành vì thiện lành sẽ hóa giải những điều xấu, chỉ một việc lành thôi đã xóa đi biết bao điều xấu, đó là quan điểm nhân quả của Phật giáo.
Những điều xấu, điều không may là do chúng ta tích tập những nghiệp xấu trong quá khứ. Để hoá giải nghiệp xấu, giúp nghiệp xấu không có cơ hội biến thành những điều rủi ro, chỉ có cách là làm các nghiệp thiện lành để cho các nhân duyên xấu không có cơ hội phát triển. Qua những việc lành, các nhân duyên tốt sẽ đến và mang lại điều may mắn.
Theo quan niệm đó, rất nhiều người thường đi lễ chùa đầu năm để cầu lành tránh dữ. Tuy nhiên chúng ta nên hiểu đúng về điều này trên tinh thần chánh tín của Phật giáo với những ý nghĩa như đi chùa cúng Phật, cầu điều may mắn cho mình và mọi người chứ không đi xin những điều không tốt, không chính đáng, cầu hại người khác, cầu những việc bất thiện như cờ bạc, lừa gạt…
Đi chùa để tích luỹ thiện hạnh, phải cúng thành tâm, sám hối các điều xấu, luôn nghĩ điều hoan hỷ, không có hại cho người khác. Người đi lễ chùa luôn giữ tâm an tịnh, cầu điều lành nhưng không khởi tâm tham lam, sân si, kiêu ngạo, ích kỷ. Đi lễ chùa với tâm thái tốt lành, hoan hỷ sẽ đón được vượng khí đầu năm.
Cúng sao giải hạn hỗ trợ tâm lý là chính?
Trong những ngày đầu năm, tục cúng sao giải hạn cũng được nhân dân quan tâm. Cúng sao giải hạn xuất phát từ quan niệm cầu lành tránh dữ có từ nhiều đời. Trong rất nhiều tôn giáo như Phật giáo, Lão giáo, đạo thờ cúng tổ tiên… đều có quan niệm cúng lễ để cầu những điều lành trong năm mới.
Theo đạo Phật, bản thân mỗi người đều là các sinh vật sống trong một vũ trụ, đều có ảnh hưởng của các tinh tú, thiên hà và các năng lượng vũ trụ. Mỗi người đều bị chi phối bởi rất nhiều các nhân tố, nhân duyên khác nhau trong toàn thể vũ trụ và việc cúng sao xuất phát từ quan điểm đó. Nếu chúng ta giảm thiểu được các năng lượng tiêu cực chi phối bản thân mình thì ta sẽ tránh được nhiều rủi ro.
Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Mạnh Linh, Giám đốc TT Phong thủy Kiến trúc, Viện Quy hoạch và phát triển kiến trúc đô thị VN, thực tế thì chúng ta đang thấy mỗi chùa cúng một kiểu, không theo quy chuẩn. Sao hạn cho thấy rõ quy luật thay đổi lên xuống có chu kỳ của đời người, muốn hóa giải cần xem xét cân nhắc dựa theo âm dương ngũ hành của từng người, cũng như công việc nghề nghiệp hay cách ứng xử trong cuộc sống, chứ không thể cầu cúng ồ ạt cho xong chuyện.
Cúng sao giải hạn chỉ hỗ trợ về mặt tâm lý. Từ đời Tống đã thịnh hành việc sắp đàn giải hạn, được ghi lại trong "Ngọc hạp ký" của Hứa Chân Quân. Trong Phật giáo cũng có những kinh điển liên quan như "Phật thuyết Bắc đẩu Thất tinh diên mạng ", "Phật thuyết Thất tinh chân ngôn thần chú"...
Người xưa cho rằng, có mối liên hệ giữa thiên thể (cụ thể là chín vì sao này) với con người. Con người là thế giới thu nhỏ - một tiểu thiên địa, nhưng vì người đời sau cho thêm nhiều quan điểm rắc rối khác vào nên dễ bị đánh đồng với mê tín, do đó chúng ta cần có cái nhìn biện chứng khách quan hơn về phương pháp này. Vào ngày sao hạn chiếu mệnh, cần thắp đèn thắp nến, cầu xin bình an, tăng thêm phúc thọ. Đầu năm có hạn có thể đến chùa, các tháng sau có thể cầu ở nhà.
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Mạnh Linh cho hay, các bài văn cúng ở các chùa đa phần mang tính tự phát, mỗi chùa đọc một kiểu, chủ yếu là hóa giải về tâm lý là chính, giúp người dân yên tâm hơn trong cuộc sống của mình. Cách cúng của các thầy cúng trong dân gian nặng về hình thức; đồ lễ, hay vật cúng cũng chủ yếu hóa giải về tâm lý.
Sở dĩ nói vậy vì phương thức làm lễ khó kiểm chứng, khó đánh giá đúng sai, tốt xấu của cách làm, hay lời văn cúng, thậm chí có nơi không có yêu cầu rõ ràng là người cần hóa giải phải có mặt hay không. Đó cũng là lý do có những phản ứng ngược lại, cho rằng các cách làm trên không cần thiết, chỉ cần có tâm có đức là được. Chỉ cần tu tâm, giữ đức là được.
Theo thuyết nhân quả, những việc xấu và việc tốt ta làm sẽ tạo ra các quả báo tương ứng. Nhưng quả báo không đến ngay lập tức mà phụ thuộc vào các nhân duyên. Khi có duyên tác động thì nhân sẽ tạo ra quả. Giống như gieo hạt giống, nếu có đủ điều kiên độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ thì hạt sẽ nảy mầm thành cây. Nếu không có các điều kiện cần thiết thì tuy gieo hạt mà hạt không trổ thành cây được. Đây là cách mà ta có thể hoá giải vận hạn. Các nghiệp xấu mà ta đã tích tập có ảnh hưởng đến các vận hạn trong năm cũng như cả đời người. Để giải nghiệp xấu, ta phải đối trị bằng các nghiệp thiện lành. Các nghiệp thiện lành ta làm sẽ khởi ra các nhân duyên tốt. Các nhân duyên tốt sẽ chi phối cuộc đời và làm cho các nhân duyên xấu không có cơ hội phát triển.