Đề phòng biến chứng sau cắt amidan

Khi amidan chống lại sự xâm nhập ồ ạt của vi khuẩn vào mũi họng vượt quá mức sẽ xảy ra tình trạng viêm, amidan bị sưng, đỏ. Nhiều trường hợp phải cắt amidan. Vậy cần đề phòng biến chứng sau cắt amidan như thế nào?

Amidan là cơ quan miễn dịch quan trọng nhưng dễ bị viêm

Amidan là hàng rào miễn dịch vùng họng miệng, hoạt động mạnh từ 4 – 10 tuổi, sau đó đến tuổi dậy thì mức độ miễn dịch của amidan giảm rõ và không còn hoạt động mạnh nữa. Khi amidan chống lại sự xâm nhập ồ ạt của vi khuẩn vào mũi họng vượt quá mức sẽ xảy ra tình trạng viêm amidan (bị sưng, đỏ).

Hậu quả của sự tập trung tiêu diệt vi khuẩn tại amidan thường để lại xác vi khuẩn và xác bạch cầu, mô hoại tử thành các cục mủ rất hôi, lâu lâu rớt ra khỏi amidan. Khi amidan bị viêm nhiều lần, khả năng chống vi khuẩn bị yếu đi, do chính các ổ viêm nằm trong amidan lại là nơi khởi phát cho những đợt viêm vùng họng. Viêm amidan chiếm tỷ lệ cao ở trẻ em, thường do vi khuẩn gây ra.

Đề phòng biến chứng sau cắt amidan: Trong 4 giờ đầu sau khi cắt, người bệnh không vận động mạnh và nằm nghiêng sang một bên.

Thủ phạm gây viêm amidan có thể kể đến như: Do viêm đường hô hấp trên, do lạnh… Do nhiễm siêu vi, do cảm cúm. Do liên cầu tán huyết beta nhóm A gây ra viêm amidan và hay gây ra biến chứng viêm khớp cấp, viêm nội tâm mạc, bệnh van tim và gây ra viêm cầu thận. Do vi khuẩn bạch hầu gây ra giả mạc làm nghẽn đường thở và tạo ra độc tố. Viêm amidan do nấm ở người suy giảm miễn dịch…

Bệnh nhân bị viêm amidan có biểu hiện: sốt cao trên 39-400C. Hai amidan sưng đỏ, đôi khi có giả mạc trắng bám vào amidan. Cảm giác khô cổ, đau cổ, khó nuốt. Thường nhức đầu vùng hai bên thái dương. Nghẹt mũi, chảy dịch hốc mũi, lúc đầu dịch nhày, trong, sau đó dịch đặc hơn, màu trắng hay vàng…

Viêm amidan tái phát nhiều lần, nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại các biến chứng như: bệnh tinh hồng nhiệt, áp-xe quanh amidan, viêm khớp cấp, viêm cầu thận…

Khi nào nên cắt amidan?

Không cứ viêm amidan là phải cắt: Amidan là cơ quan dễ bị các tác nhân gây bệnh tấn công nên rất dễ bị viêm. Tuy nhiên không phải cứ viêm amidan là phải cắt. Một em bé bị viêm amidan tái đi tái lại, nhưng bé vẫn ăn ngủ bình thường, thể trọng tăng dần mặc dù hai amidan to hồng và láng, không khó nuốt, không khó thở, hai amidan hoạt động tốt và trong trường hợp đó không lý do gì cắt bỏ amidan đi. Nhiều cha mẹ đem con đến bệnh viện xin cắt amidan trong tình trạng này vì coi nó là “thịt dư”, phải cắt đi thì em bé mới mau lớn. Quan niệm này sai lầm hoàn toàn. Số các cháu viêm amidan nhẹ rất nhiều và không cần thiết phải cắt. Chỉ các bé bị viêm nhiễm nhiều, amidan hoàn toàn không còn lợi ích cho cơ thể mới nghĩ đến cắt bỏ.

Chỉ cắt amidan trong những trường hợp sau: Bệnh nhân hay bị viêm, tái phát nhiều, từ 5-6 lần trong một năm. Bệnh nhân bị áp-xe. Viêm amidan gây nên những biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang hoặc các biến chứng nặng như thấp tim, viêm khớp, viêm cầu thận. Amidan quá to, gây cản trở đường thở, ngủ ngáy, ngưng thở trong lúc ngủ hoặc nhiễm khuẩn tái phát nhiều lần làm ảnh hưởng chất lượng sống của người bệnh… Ngoài ra, amidan còn được chỉ định cắt khi có nhiều ngóc ngách chứa nhiều chất tiết gây hôi miệng, nuốt vướng hoặc nghi ngờ ác tính… Thông thường, trẻ trên 5 tuổi bắt đầu được cắt amidan. Nhiều trường hợp dưới 5 tuổi có amidan to quá cũng nên được chỉ định cắt. Hiện nhiều trường hợp trên 50 tuổi vẫn phải cắt amidan.

Khi bị viêm amidan, người bệnh cần đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa điều trị đúng cách hoặc chỉ định cắt amidan nếu cần thiết. Cắt amidan là một phẫu thuật đơn giản, dễ thực hiện và khá an toàn, nhưng cũng có thể gây biến chứng, thậm chí tử vong.

Bệnh nhân được gây mê trước khi cắt amidan để giảm đau. Khi đó, bệnh nhân còn có thể đối mặt với biến chứng của gây mê – sốc phản vệ.

Biến chứng thường gặp nhất sau cắt amidan là xuất huyết, khoảng 2-3% người cắt amidan bị chảy máu và tỉ lệ tử vong sau cắt amidan được ước tính là 1/40.000 người với nguyên nhân thường gặp là xuất huyết. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do cắt không đúng kỹ thuật, rối loạn đông máu, chăm sóc không đúng cách. Xuất huyết có thể xảy ra khi đang phẫu thuật hoặc trong vòng 24 giờ sau khi phẫu thuật (nguyên phát) hoặc sau 24 giờ cho tới 10 ngày sau phẫu thuật (thứ phát). Nếu phát hiện chảy máu sau khi phẫu thuật cắt amidan, người nhà cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay để tránh gặp các biến chứng nặng hơn.

Ngoài xuất huyết còn có thể gặp các biến chứng khác như: đau họng, viêm họng sau khi cắt amidan gây sốt và đau tai. Sụt cân, bỏ ăn uống, mất nước vì đau. Nhiễm khuẩn tại chỗ gây sốt. Phù nề lưỡi gà và tụ máu gây tắc nghẽn đường thở sau khi phẫu thuật. Chấn thương các mô họng tại chỗ. Một phần của amidan bị sót lại do không cắt hết. Bệnh nhân có thể bị thay đổi tiếng nói nếu amidan lớn. Chấn thương tâm lý, hoảng sợ hoặc trầm cảm sau khi cắt. Tử vong do biến chứng khi gây mê hoặc do xuất huyết.

Lời khuyên của thầy thuốc

Trong 4 giờ đầu sau khi cắt amidan, người bệnh không nên vận động mạnh và cần phải nằm nghiêng sang một bên không gối đầu để tránh làm tổn thương vết cắt, gây chảy máu. Bệnh nhân cần được theo dõi trong ngày đầu tiên sau khi cắt để tránh nguy cơ xuất huyết sau phẫu thuật. Nếu xuất huyết nhiều, cần đưa người bệnh đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Đặc biệt, không nên cho người bệnh ăn thức ăn cứng vì nó sẽ gây tổn thương và gây ra hiện tượng chảy máu. Sau cắt amidan, người bệnh cần kiêng nói chuyện to, ho, khạc nhổ từ 2 -3 ngày. Sau đó tập phát âm bằng cách nói nhẹ nhàng. Sau 1 tuần, khi vết thương dần hồi phục, nếu amidan vẫn chảy máu thì cần đến bệnh viện điều trị, tránh nhiễm khuẩn.
Bởi khi amidan đang bị tổn thương, các loại vi khuẩn sẽ có khả năng tấn công vùng họng dễ dàng hơn. Giữ ấm cho cơ thể và đặc biệt là vùng họng, ăn uống theo chỉ định của bác sĩ, tránh ăn đồ ăn lạnh và cứng để cổ họng có thời gian được phục hồi.

Theo BS. Quang Anh (Suckhoedoisong.vn)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
Bài tập yoga tăng tuần hoàn não

Bài tập yoga tăng tuần hoàn não

Hoạt động của não bộ hoàn toàn phụ thuộc vào sự nạp máu. Nếu việc nạp máu cho não bộ bị ngưng lại dù chỉ 2 phút sẽ tổn thương nghiêm trọng. Để tăng tuần hoàn não, ngoài chế độ dinh dưỡng, thuốc, tập luyện giữ vai trò quan trọng.
back to top