Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam đã trải qua 1 tháng kể từ giai đoạn II. Tới nay, khi dịch bệnh đã lan ra toàn thế giới thì nước ta có 245 người nhiễm bệnh, đứng thứ 96 trên thế giới về số ca nhiễm và là 1 trong 3 nước (Việt Nam, Réunion, Malta) có trên 200 ca nhiễm bệnh mà chưa có người tử vong. Có thể khẳng định tới giờ phút này, Việt Nam đã và đang kiểm soát được dịch bệnh.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh trên thế giới, Bộ Y tế đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị y tế và thuốc, hậu cần cung cấp cho hàng chục ngàn bệnh nhân; sản xuất được khẩu trang và đồ chống dịch từ nguyên liệu trong nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, cách ly toàn xã hội là việc làm cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành cùng thảo luận và xem xét việc kéo dài thời gian giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, kiến nghị Thủ tướng xem xét kéo dài thời gian cách ly toàn xã hội sau khi kết thúc 2 tuần thực hiện. Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định đây là biện pháp quan trọng để khống chế Covid-19.
Đặc biệt, trước tình trạng dịch bệnh ngoài cộng đồng xâm nhập vào các bệnh viện, Bộ Y tế cũng đã có công văn 1898 ngày 06/4/2020 gửi các cơ sở y tế trên toàn quốc về việc khuyến cáo tăng cường nâng cấp mức độ phòng chống bệnh dịch ngay từ cửa ra vào. Các bệnh nhân đến khám sẽ được coi như bệnh nhân nghi lây nhiễm Covid-19 và được phân luồng điều tra dịch tễ và xét nghiệm.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân ngoại trừ những trường hợp cấp cứu cần tới bệnh viện. Các trường hợp tái khám và khám bệnh thông thường nên sử dụng các dịch vụ hệ thống y tế cơ sở. Đặc biệt, khi đến thăm khám nên đặt lịch hẹn để thực hiện đúng tinh thần giãn cách xã hội của Thủ tướng Chính phủ và đảm bảo an toàn cho người dân khi khám bệnh.
Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, kịp thời phát hiện, khẩn trương xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các hành vi: Không chấp hành biện pháp phòng, chống dịch; chống đối người thi hành công vụ phòng, chống dịch; đưa tin sai không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận, mất ổn định xã hội; tái chế khẩu trang y tế đã qua sử dụng; sản xuất hàng giả, đầu cơ găm hàng, tăng giá trái pháp luật, gian lận thương mại, gây bất ổn thị trường...; nếu có dấu hiệu tội phạm phải chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan chức năng để điều tra, xử lý về hình sự...