GS Nguyễn Minh Thuyết: |
Chia sẻ với Infonet đối với chất vấn của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng với Bộ trưởng Bộ Công an về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và những phản ứng “mạnh” của Đảng ủy Công an Trung ương sau phát biểu này, GS Nguyễn Minh Thuyết – ĐBQH khóa XI, XII cho rằng: “Tôi không hoàn toàn tán thành ý kiến của ĐB Lưu Bình Nhưỡng trong phát biểu về công tác đầu tranh phòng chống tội phạm. Nhưng tôi cũng hoàn toàn không tán thành ứng xử của Đảng ủy Công an Trung ương”.
Bởi theo GS Thuyết, Bộ Công an nếu muốn hiểu rõ ý kiến của ĐB Lưu Bình Nhưỡng hoặc giải thích để ĐB hiểu rõ thực tình thì nên tổ chức một cuộc gặp. Việc này rất đơn giản; miễn là không cao ngạo hoặc tự ái vặt thì gặp nhau chẳng khó gì.
"Hoặc Bộ Công an có thể gửi thư, gửi công văn trao đổi riêng với ĐB mà không nhất thiết phải nhân danh Đảng ủy Công an Trung ương gửi công văn cho Đảng đoàn Quốc hội để gợi ý chấn chỉnh đại biểu", GS Thuyết chia sẻ.
"Luật pháp của rất nhiều nước và ngay Hiến pháp năm 1946 của nước ta cũng quy định ĐBQH không phải chịu trách nhiệm hành chính và hình sự về những phát biểu của mình ở nghị trường.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (trái ảnh) và ĐB Nguyễn Hữu Cầu (phải ảnh) |
Luật pháp quy định như vậy để tạo không gian đối thoại hết sức cởi mở cho đại biểu, để đại biểu không ngại nói thẳng. Chứ nếu đại biểu nói động đến mấy cơ quan quyền lực mà bị quy chụp thì rồi ai dám nói nữa. Như thế người dân mất nhờ”, GS Thuyết nhấn mạnh.
Để giải quyết tình huống dường như rất “căng thẳng” giữa hai bên như hiện nay, GS Nguyễn Minh Thuyết kiến nghị Đảng đoàn Quốc hội có ý kiến dứt khoát về vấn đề này, “tránh để ngành khác bắt chước”.
Nếu thấy cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên giao Tổng thư ký Quốc hội tổ chức cuộc đối thoại giữa hai bên để giải quyết vấn đề trên tinh thần xây dựng.
Qua câu chuyện này, GS Nguyễn Minh Thuyết đề nghị: “Các cơ quan công quyền cần rút kinh nghiệm, thể hiện sự tôn trọng ý kiến của đại biểu dân cử, coi đây là ý kiến của đại diện một bộ phận cử tri để có cách ứng xử văn minh với đại biểu.”.
Ông cũng cũng có những gửi gắm tới các đại biểu của mình: “Vừa rồi, tôi có nghe một số đại biểu chất vấn. Bên cạnh một số đại biểu có ý kiến rất sâu sắc, cũng còn khá nhiều đại biểu nói theo, nói dựa nhiều hơn là hiểu vấn đề. Vì vậy, xin đề nghị các đại biểu: Trước khi phát biểu vấn đề gì, cần nghiên cứu thấu đáo, có lập luận chặt chẽ, chứng cứ chính xác và chọn cách diễn đạt thẳng thắn nhưng không gây “sốc phản vệ” cho người được phản biện.”
Ông hóm hỉnh nói thêm: “Tôi phát biểu điều này với tư cách cử tri. Mà cử tri là người ủy nhiệm cho đại biểu thay mặt mình thực hiện quyền làm chủ. Do đó, cũng hy vọng các đại biểu tiếp thu với tinh thần cầu thị, không chỉ trích hay hù dọa tôi.”
Trước đó, trong phiên chất vấn ngày 31/10 và 1/11, ĐBQH, Phó Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an với nội dung: “Đối với lĩnh vực công an, tôi rất ủng hộ cuộc cách mạng trong lĩnh vực công an vừa qua nhưng mà qua báo cáo thì mới thấy rằng như thế này, vi phạm của cơ quan điều tra là rất khủng khiếp, không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho Viện kiểm sát 86%, xử lý tin tố giác quá hạn 99,76%, vi phạm tống đạt 100%... Tôi thấy đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng và tôi đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an phải có thái độ hết sức nghiêm khắc đối với anh em trong cơ quan điều tra trong việc này.” Ngay sau phát biểu của ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Bộ Công an đã phát đi thông cáo thông tin về sự việc. Cụ thể, văn bản này viện dẫn nhiều thông tin bác bỏ số liệu trong phát ngôn của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, trả lời báo chí về việc trên, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng vẫn khẳng định: “Tôi không nhầm lẫn bất kỳ một số liệu nào! Tôi chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân, trước Quốc hội, trước cử tri về tất cả những vấn đề tôi phát biểu và số phần trăm tôi chia”. Ngoài ra, ngày 3/11, tài khoản Facebook của ĐB Lưu Bình Nhưỡng đăng tải bài viết về vấn đề trên. Đồng thời, khẳng định phát biểu của mình là hoàn toàn chính xác và kêu gọi cộng đồng mạng, cử tri cả nước biết để cùng chia sẻ. Ngày 5/11, Thượng tướng Lê Quý Vương thay mặt Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương đã ký văn bản gửi Đảng đoàn Quốc hội, kiến nghị về một số đánh giá chưa chính xác của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng liên quan đến hoạt động điều tra, xử lý tội phạm gây dư luận không tốt. |