Đau mắt cẩn thận phồng động mạch não dễ tử vong

(khoahocdoisong.vn) - Phồng động mạch não khi chưa bị vỡ thường có biểu hiện ở mắt: giảm thị lực, đau đầu kéo dài, đau sau hốc mắt, sụp mi, giãn đồng tử, liệt vận động nhãn cầu, nhìn đôi... Bệnh tồn tại có thể không triệu chứng nhưng khi vỡ gây tử vong và tàn phế cao.

Phồng động mạch não khi chưa bị vỡ thường có biểu hiện ở mắt”: giảm thị lực, đau đầu kéo dài, đau sau hốc mắt, sụp mi, giãn đồng tử, liệt vận động nhãn cầu, nhìn đôi...Bệnh tồn tại có thể không triệu chứng nhưng khi vỡ gây tử vong và tàn phế cao.

Phồng động mạch não là tổn thương phồng ra bất thường trên thành động mạch não, tạo ra một điểm yếu dễ vỡ, hay gặp ở vùng nền sọ. Phồng động mạch não tồn tại không triệu chứng trong thời gian dài, và thường được phát hiện khi to lên gây chèn ép các dây thần kinh và tổ chức xung quanh hoặc đã bị vỡ gây chảy máu não.

Biểu hiện bệnh: Khi chưa bị vỡ, bệnh nhân có thể có triệu chứng như: giảm thị lực, đau đầu kéo dài, đau sau hốc mắt, sụp mi, giãn đồng tử, liệt vận động nhãn cầu, nhìn đôi...; Khi bị vỡ, triệu chứng đầu tiên thường là cơn đau đầu đột ngột, dữ dội và các triệu chứng sau: buồn nôn và nôn, cứng/đau gáy, nhìn mờ hoặc nhìn đôi, đau trên hoặc sau hốc mắt, giãn đồng tử, tăng cảm với ánh sáng, bại-liệt tay chân, cơn co giật...

Ý thức: có thể vẫn tỉnh táo hoặc rối loạn ý thức từ nhẹ (u ám, lẫn lộn) đến nặng (hôn mê). Huyết áp thường tăng cao đến 180-200 mmHg hoặc hơn nữa trong nhiều giờ sau khi vỡ phồng động mạch não. Nếu bệnh nhân không bị rối loạn ý thức hoặc bị bại liệt thì nhiều khi bị nhầm với bệnh viêm màng não (khoa truyền nhiễm) hoặc cơn tăng huyết áp kịch phát (khoa tim mạch). 

Phồng động mạch não rất thường gặp, chiếm tỷ lệ 1-2% dân số, trong đó mỗi năm có ~1% bệnh nhân bị vỡ phồng động mạch não. Ở khu vực có 1 triệu dân, ước tính có 100 người bị đột quỵ chảy máu não do vỡ phồng động mạch não hằng năm.

Khoảng 10-15% số bệnh nhân vỡ phồng động mạch não bị tử vong trước khi đến viện và nếu không được điều trị kịp thời thì có đến 50% tử vong trong tháng đầu tiên sau vỡ túi phồng. Phồng động mạch não có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất từ 40-60. Tỷ lệ nữ/nam ~ 3/2. Vỡ phồng động mạch não chiếm 3-5% tổng số đột quỵ mới.

Hầu hết các phồng động mạch não tồn tại không triệu chứng, nên không được phát hiện trước khi bị vỡ gây đột quỵ chảy máu não. Chảy máu não do vỡ phồng động mạch não thường là chảy máu dưới nhện (còn gọi là chảy máu dưới màng nhện, chảy máu màng não) – một dạng tai biến mạch máu não rất nặng nề. Có thể vỡ 1 lần hoặc nhiều lần, lần sau thường nặng hơn lần trước và khó biết thời điểm bị vỡ lại.

Khoảng 30% số bệnh nhân bị chảy máu tái phát trong vòng 2 tuần đầu sau lần chảy máu đầu tiên. Tỷ lệ tử vong và tàn phế cao.

Mục tiêu điều trị cơ bản khi phồng động mạch não bị vỡ là ngăn chặn ngay chảy máu tái phát và điều trị những biến chứng do chảy máu dưới nhện gây ra. Khi phát hiện phồng động mạch não không triệu chứng, cần được cân nhắc điều trị để dự phòng bị vỡ. Vì vậy, khi bệnh nhân có các biểu hiện của bệnh, cần đưa ngay đến bệnh viện tỉnh, thành phố gần nhất. 

PGS.TS Lê Văn Trường (Viện trưởng Viện tim mạch, Bệnh viện TƯQĐ 108)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
Đau ngón tay và gấp duỗi khó

Đau ngón tay và gấp duỗi khó

Một số trường hợp gân gấp bị viêm xuất hiện cục viêm xơ, làm di động của gân gấp qua vùng ngón tay bị cản trở. Mỗi lần gấp hay duỗi ngón tay rất khó khăn, bệnh nhân phải cố gắng mới bật được ngón tay ra.
back to top