Hỏi: Tôi bị tiểu đường 5 năm, khi đi khám bệnh tôi nghe nhiều người nói về nhiễm toan ceton không biết có nguy hiểm không? Làm thế nào để biết mình bị nhiễm toan ceton ?
Lê Thanh Hải (Thái Bình)
PGS.TS Tạ Văn Bình, Viện trưởng Viện Đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa cho biết, nhiễm toan ceton là một biến chứng cấp tính nguy hiểm ở người bệnh đái tháo đường, có thể gây hôn mê, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Đặc trưng của bệnh là tình trạng đường huyết tăng cao (>20mmol/lit) và xuất hiện các thể ceton trong máu do thiếu insulin trầm trọng. Insulin là một hormon do tuyến tụy tiết ra, giúp vận chuyển đường (glucose) vào trong tế bào và chuyển hóa thành năng lượng để cung cấp cho mọi hoạt động của cơ thể.
Nếu không có đủ insulin, cơ thể bắt đầu phân hủy chất béo như một nhiên liệu thay thế. Đổi lại, quá trình này sản xuất ra một axit độc hại trong máu gọi là ceton.
Nếu không kịp thời điều trị người bệnh tiểu đường nhiễm ceton có thể dẫn tới hôn mê hoặc thậm chí tử vong. Mặc dù biến chứng nhiễm toan ceton có thể gặp phải ở tất cả các trường hợp bệnh nhân tiểu đường nhưng hầu hết các trường hợp thường gặp đối với bệnh nhân tiểu đường typ 1. Nhiễm toan ceton gây tiểu nhiều, khát nhiều, ăn nhiều và sút cân.
Các dấu hiệu sớm của nhiễm toan ceton bao gồm buồn nôn, nôn, đau bụng, ỉa chảy và tăng thông khí (thở nhanh và sâu). Người bệnh đau bụng, buồn nôn và nôn có thể do viêm tụy hoặc nhiễm trùng ổ bụng. ở thể nặng, người bệnh mất nước, da khô, giảm độ chun giãn da, khô các màng niêm mạc, nhãn cầu nhẽo, mạch nhanh, tụt huyết áp, sốc…
Khi xuất hiện những biểu hiện trên, trong vòng 24h cần nhanh chóng đưa người bệnh tới viện để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
PV (ghi)