Sỏi thận là tình trạng phổ biến hiện nay, như tên gọi thì loại sỏi này hình thành ở thận do sự lắng đọng, kết tủa của những chất như muối, chất khoáng từ nước tiểu như uric acid, calcium, oxalate.
Dấu hiệu nhận biết cơn đau do sỏi thận gây nên. Ảnh minh họa |
Nguyên nhân gây bệnh sỏi thận
Sự hình thành sỏi thận thường xuất phát từ quá trình kết tinh và lắng đọng tinh thể trong hệ tiết niệu. Các tinh thể này có thể là các hợp chất khác nhau như canxi, acid uric, cystin, và còn nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra sự hình thành sỏi.
Dưới đây là một số nguyên nhân chính gây nên bệnh sỏi thận:
Uống quá ít nước khiến cơ thể không có đủ lượng nước để thận bài viết dẫn đến tình trạng nước tiểu quá đặc. Nồng độ các tinh thể bị bão hòa, dẫn đến sự kết tinh và lắng đọng các tinh thể.
Chế độ ăn nhiều muối và đạm: Khẩu phần ăn chứa quá nhiều muối và đạm có thể tạo điều kiện cho sự hình thành sỏi. Đặc biệt, muối có thể gây tăng nồng độ canxi trong nước tiểu.
Việc bổ sung Calcium và Vitamin C sai cách: Việc bổ sung thừa Calcium và Vitamin C có thể tạo điều kiện cho sự hình thành sỏi. Vitamin C dễ chuyển hóa thành gốc Oxalat, một loại tinh thể thường gây sỏi.
Yếu tố di truyền: Yếu tố di truyền có thể đóng vai trò quan trọng trong việc mắc bệnh sỏi thận. Nếu có người trong gia đình mắc bệnh này, nguy cơ mắc bệnh sỏi thận ở thế hệ tiếp theo có thể cao hơn.
Dị dạng đường tiết niệu: Các bất thường bẩm sinh hoặc dị dạng đường tiết niệu có thể tạo điều kiện cho sự tắc nghẽn và hình thành sỏi.
Tình trạng tiểu tiện: Các vấn đề liên quan đến tần suất và cường độ của việc tiểu tiện cũng có thể góp phần tạo điều kiện cho sự hình thành sỏi thận. Việc tiểu tiện ít hoặc quá nhiều đều có thể gây ra tình trạng này.
Nhiễm trùng đường tiết niệu: Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể tạo môi trường cho sự lắng đọng các chất bài tiết trong nước tiểu.
Béo phì: Có một mối liên hệ giữa béo phì và nguy cơ mắc bệnh sỏi thận, tuy nhiên cơ chế chính xác chưa được hiểu rõ.
Triệu chứng đau sỏi thận
Đau dữ dội, đau quặn thận. Đau sỏi thận thường đau khởi phát từ thắt lưng, ở một bên hoặc cả 2 bên vùng hạ sườn. Sau đó lan dần từ vùng hố thắt lưng xuống phía dưới hay ra phía trước đến hố chậu, đùi, có thể lan sang cả phận sinh dục.
Đau âm ỉ, nhẹ vùng thắt lưng, hông có thể bạn đã bị sỏi nhỏ hoặc vừa ở bể thận, sỏi nhỏ ở niệu quản.
Đau kèm theo bí đái, có thể sỏi ở cổ bàng quang hoặc lọt ra niệu đạo.
Đau khi ngồi lâu, khi thay đổi tư thế đột ngột có thể sỏi thận phát triển thành những viên sỏi to, áp lực lên các khu vực bị ảnh hưởng bởi sỏi thận khiến các vùng mô xung quanh thận cũng bị chèn ép và gây đau.
Đau co thắt từ bên trong, nằm ở tư thế nào cũng bị đau. Cơn đau thường kéo dài từ 20 – 60 phút, thậm chí là trong vài giờ. Cơn đau thường kèm theo tiểu ra máu, sốt hay ớn lạnh.
Dấu hiệu của bệnh sỏi thận
Buồn nôn hoặc nôn
Buồn nôn và ói mửa có thể là dấu hiệu bị sỏi thận do thận đang bị tắc nghẽn. Niệu quản bị tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ đồng thời ngăn không cho nước tiểu di chuyển đến bàng quang. Những dây thần kinh trong ruột và thận có mối liên quan đến nhau. Khi sự tắc nghẽn ở thận xảy ra, nó có thể ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, kích hoạt các dây thần kinh trong đường tiêu hóa, làm cho dạ dày co thắt, khó chịu và làm bạn buồn nôn và ói mửa.
Tiểu ra máu
Tiểu ra máu là một trong những dấu hiệu sỏi thận. Các viên sỏi có bề mặt nhám, gai san hô khi cọ xát hoặc di chuyển, gây tổn thương cho niệu quản hoặc các mô xung quanh, có thể dẫn đến việc tiết niệu máu.
Tuy nhiên việc tiểu ra máu có thể là một triệu chứng của nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau, không chỉ riêng sỏi thận. Nếu bạn thấy tiểu ra máu hoặc có bất kỳ biểu hiện nào liên quan đến sức khỏe, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được khám và chẩn đoán chính xác.
Nước tiểu đục
Khi thấy dấu hiệu này thì khả năng cao bạn đang có sỏi hoặc nằm trong nhóm đối tượng dễ bị sỏi thận - tiết niệu. Nước tiểu đục có thể do quá nhiều chất cặn bã lắng đọng hoặc đang bị viêm đường tiết niệu. Nếu có viêm đường tiết niệu thì nước tiểu đục kèm mùi hôi, còn lắng cặn thông thường thì nước tiểu sẽ không có mùi.
Đi tiểu nhiều lần
Đôi khi những người bị sỏi thận cảm thấy cần phải đi tiểu nhiều lần, nếu viên sỏi nằm ở cuối niệu quản đầu bàng quang hoặc nằm ở cổ bàng quang thì bạn sẽ thường xuyên có nhu cầu đi tiểu, mỗi lần đi một lượng nhỏ.
Khi bạn thường xuyên tiểu tiện nhiều lần, tiểu tiện nhỏ giọt, có khả năng sỏi thận đang đi qua niệu quản. Sỏi thận kích thích bàng quang và khiến bạn có cảm giác tiểu tiện thường xuyên hơn. Nếu sỏi thận to, nó có thể gây tắc nghẽn niệu quản. Nguyên nhân là do viên sỏi kích thích gây rối loạn co thắt cơ trơn bàng quang, tạo tín hiệu buồn tiểu giả.
Đau, rát khi đi tiểu, tiểu rắt
Thông thường khi sỏi rơi xuống niệu quản hoặc từ bàng quang ra niệu đạo sẽ gây tắc đường dẫn tiểu dẫn đến tiểu khó, buốt. Ngoài ra, viên sỏi cọ vào niêm mạc niệu quản và niệu đạo, gây đau và nóng rát khi đi tiểu. Khi ấy, sỏi kích thích bàng quang và gây nên đau sỏi thận. Viêm nhiễm có thể xảy ra và khiến bạn càng thêm đau rát khi tiểu tiện.