Đắp thuốc vào chân chữa viêm đường tiết niệu

(khoahocdoisong.vn) - Đây là những kinh nghiệm lưu truyền của các y gia ngày xưa, chuyên dùng thuốc để chỉ đắp vào bàn chân trị được một số bệnh nhất định.

Viêm đường niệu thuộc phạm vi chứng lâm trong Đông y. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh rất phức tạp, chủ yếu do thận hư và bàng quang thấp nhiệt, gặp phải các tác nhân làm suy giảm chính khí quá mức như phòng lao quá độ, tình dục không điều hòa, giận dữ, ăn uống thái quá, thiếu khoa học... làm cho bàng quang không khí hóa được, bên trong vừa hư, vừa bị tích tụ sinh ra nội thấp kiêm hiệp nhiệt. Thấp nhiệt tích tụ lâu ngày kết lại ở hạ tiêu làm nước tiểu sẫm, đỏ, tiểu tiện khó khăn, đau buốt...

Để chữa trị có thể dùng dược liệu được chế biến theo chỉ định (có thể hòa với rượu hoặc giấm…) đắp vào huyệt, dùng băng cố định lại, để một thời gian tuỳ yêu cầu bệnh chứng. Sau đó gỡ ra, thay miếng khác theo chỉ định của thầy thuốc.

Thận viêm: Phụ tử 10g, sinh khương 9g. Giã nát, đắp vào huyệt trúc tân.

Thận viêm, thuỷ thũng:

Tạo giác phấn 12g, hành 3 củ. Nghiền nát, đắp vào giữa lòng bàn chân.

- Thủy tiên đầu 1 cái, tỳ ma tử 30 hột, bỏ vỏ. Nghiền nát, đắp vào giữa lòng bàn chân. Mỗi ngày thay 2 - 3 miếng thuốc.

- Sinh khương 30g, đậu xị 9g, muối ăn 6g, hành 30 - 80g. Giã nát, đun nóng, để còn hơi âm ấm, đắp vào giữa lòng bàn chân.

Tiểu không thông:

- Hoạt thạch 30g, tán bột, hoà với nước, bôi vào huyệt Dũng tuyền.

- Tỏi 5 tép, hột mè (lớn) 50 hột. Giã nát, đắp vào giữa lòng bàn chân. Có thể đắp 2 lần trong ngày. Hễ tiểu được thì thôi.

- Tỏi 1 tép, muối ăn 60g, sơn chi tử 6g. Tán bột, hoà với nước đắp vào giữa lòng bàn chân.

Tiểu không thông, tiểu ra máu, bạch trọc: Cam toại 6g. Tán bột, hòa với nước, bôi vào huyệt dũng tuyền 2 bên.

Trẻ nhỏ đái dầm:

- Ngô thù du 30g, ngũ bội tử 15g, bột mỳ 16g, chu sa 6g. Tán bột, hoà với nước cho sền sệt, đắp vào huyệt dũng tuyền.

- Hắc khiên ngưu 3g. Nghiền nát, hoà với nước cho sền sệt, bôi vào lòng bàn chân sẽ khỏi ngay.

Lương y Hoàng Duy Tân (nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y Đồng Nai)

Theo Đời sống
Hạ canxi máu... dễ gây co giật, suy tim

Hạ canxi máu... dễ gây co giật, suy tim

Một số trường hợp, hạ canxi máu mức độ nhẹ thường không có triệu chứng rõ ràng. Nếu không điều trị, tình trạng hạ canxi máu nghiêm trọng có thể gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng như co giật, rối loạn nhịp tim, suy tim sung huyết...
back to top