Danh tính hàng loạt công ty vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng bị Cục ATTP xử phạt

Hàng loạt công ty vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh, quảng cáo khi chưa được cấp phép và sử dụng hình ảnh nhân viên y tế… đã bị xử phạt.

Lãnh đạo Bộ Y tế kiểm tra thị trường thực phẩm

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết từ đầu năm đến nay, Cục đã xử phạt vi phạm hành chính 15 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, số tiền phạt hơn 934 triệu đồng. Trong đó 13 đơn vị bị phạt trên 30 triệu đồng.

Cơ sở bị phạt nặng nhất 225 triệu đồng là Công ty TNHH Công nghệ phần mềm và quảng cáo trực tuyến Megaads (Hà Nội). Công ty này đã quảng cáo thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe Super B-complex, Collagen de happy, Biotin Nature made trên website mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi quảng cáo; quảng cáo thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe Super B-complex gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; quảng cáo thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe Super B-complex trên website dưới dạng liệt kê công dụng của từng thành phần của sản phẩm.

Bên cạnh đó, công ty này cũng buôn bán 119 sản phẩm thực phẩm không có giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

Tiếp đến là Công ty TNHH Đông Nam Dược Thiện Nhân Đường (Hà Nội) bị xử phạt 135 triệu đồng vì hành vi quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cao Ho Rồng Vàng và Thanh Khiết Hầu trên website  mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; Quảng cáo quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cao Ho Rồng Vàng và Thanh Khiết Hầu trên website dưới dạng liệt kê công dụng của từng thành phần sản phẩm; Quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cao Ho Rồng Vàng và Thanh Khiết Hầu trên website  gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh;

Công ty Cổ phần thế giới số (TP Hồ Chí Minh) bị xử phạt 85 triệu đồng vì hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kingsmen trên website mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; Quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kingsmen trên website  dưới dạng liệt kê công dụng của từng thành phần của sản phẩm;

Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Hoàn Mỹ  (TP Hồ Chí Minh) bị xử phạt 75 triệu đồng vì hành vi quảng cáo 03 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nubest tall, Doctor Plus và Grow power trên các website không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định (Giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm đã được Cục An toàn thực phẩm xác nhận); Quảng cáo 03 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nubest tall, Doctor Plus và Grow power trên các website sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm;

Công ty Cổ phần dược phẩm Nhật Nam (Hà Nội) bị xử phạt 60 triệu đồng vì hành vi quảng cáo 02 sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Tiêu độc thanh nhiệt NP, Viên DONG CHUNG HA CHO trên website  mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; Không duy trì việc kiểm nghiệm định kỳ theo quy định cho 05 sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Tiêu độc thanh nhiệt NP, Viên 8B with Ginseng (Ginsenoside ≥10mcg/viên); Viên Sắc xuân đơn, Prenatal +DHA250; Ocuvite lutein

Công ty TNHH Nutrivita (TP Hồ Chí Minh) bi xử phạt 57,3 triệu đồng vì hành vi  quảng cáo 04 sản phẩm thực phẩm chức năng/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe: NutriGain Plus+, Nutri Taller, NutriWhite và Mutive trên các website có nội dung không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định (Giấy xác nhận nội dung quảng cáo) của Cục An toàn thực phẩm xác nhận; Bán 02 lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: NutriGain Plus+ (số lô: 011215, NSX: 10/12/2015; HSD: 09/12/2018) có chỉ tiêu Vitamin A và Nutri Taller (số lô: 020416, NSX: 21/4/2016; HSD: 20/4/2019) có chỉ tiêu DHA không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng;

Ngoài ra, có 3 công ty bi xử phạt ở mức 50 triệu đồng là: Công ty TNHH Dược phẩm Đông Đô (Hà Nội) có hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe GastimunHP trên website sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm.

Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Hoài Thương Organic (Đồng Nai) có hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm Bột ngũ cốc diệp ngọc lam trên website không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định (hồ sơ công bố kèm theo Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm số 30224/2017/ATTP-XNCB ngày 29 tháng 8 năm 2017 do Cục An toàn thực phẩm cấp); Quảng cáo sản phẩm thực phẩm Bột ngũ cốc diệp ngọc lam trên website thiếu tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường;

Công ty TNHH XNK và kinh doanh VHP (Hà Nội) bị xử phạt 35 triệu đồng vì hành vi quảng cáo 04 sản phẩm Thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Nước hắc hồng sâm- Korean black ginseng (ginsenoside Rg1+Rb1≥ 85mg/100ml), nước hồng sâm Hàn Quốc – Korea Red Ginseng Premium (Ginsenoside ≥ 0.6 mg/ml); Bổ dược tăng lực từ thảo dược Kwangdong; Dongchunghacho (cordyceps militaris) hongchogold Hwan (Adenosine ≥ 3 mg/100g)  trên website  mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo;

Công ty TNHH Plan Do See Việt Nam (Hà Nội) cũng bị xử phạt 35 triệu đồng vì hành vi quảng cáo 03 sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Placen Pee, Placenta 35000, Placenta 40000 trên website  mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo;

Công ty Cổ phần Dược phẩm HABA (Hà Nội) bị xử phạt 31 triệu đồng vì hành vi vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa đối với 09 lô sản phẩm; Không duy trì việc kiểm nghiệm định kỳ cho các sản phẩm: Thực phẩm bổ sung Tratrumilk IQ Grow; Thực phẩm bổ sung Tratrumilk Plus; Thực phẩm bổ sung Tratrumilk Pedia; Thực phẩm bổ sung Tratrukids theo quy định;

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và thương mại Lychee (Hà Nội) bị xử phạt 30 triệu đồng vì hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Zetsurin Busho trên website của Công ty có nội dung quảng cáo không phù hợp với nội dung đã được Cục An toàn thực phẩm xác nhận

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, trong số các vụ vi phạm về an toàn thực phẩm mà Cục An toàn thực phẩm phát hiện, có 6 vụ đã được Cục chuyển sang cơ quan điều tra. Trong đó 4 vụ do lấy mẫu kiểm nghiệm có hoạt chất chính không đảm bảo chất lượng theo công bố (dưới 70% theo quy định); 2 vụ nghi giả tài liệu khi làm thủ tục hành chính.

Đặc biệt, Cục giám sát thu hồi và tiêu hủy 22 loại sản phẩm với gần 102 tấn từ 4 cơ sở nhập khẩu sữa nghi nhiễm khuẩn theo cảnh bảo.

Từ tháng 1 đến ngày 24/4, các đoàn (trung ương, địa phương) thanh kiểm tra, hậu kiểm gần 159.000 cơ sở trên cả nước. Trong đó trên 31.000 cơ sở bị xử lý vi phạm từ nhắc nhở, cảnh cáo đến phạt tiền; chiếm khoảng 19%; với gần 20 tỷ đồng tiền phạt.

Ngoài xử phạt hành chính, cơ quan chức năng cũng đình chỉ hoạt động 72 cơ sở; đình chỉ lưu hành 228 loại thực phẩm; gần 1.500 cơ sở bị buộc phải tiêu huỷ sản phẩm vì không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm (không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hết hạn sử dụng…).

Theo SKĐS

Theo Đời sống
back to top