Điều trị đúng bệnh khỏi mau
Bệnh nhân N.T.H. (52 tuổi, Long Biên, Hà Nội), được chẩn đoán mắc đái tháo đường năm 2011 với mức đường huyết rất cao, trên 20mmol nên được các bác sĩ cho tiêm insulin ngày 40 đơn vị, tiêm tới 4 mũi/tuần. Tuy nhiên, tình trạng bệnh của bà vẫn không ổn định, đường máu thất thường lúc cao quá, lúc thấp quá, tình trạng trí nhớ cũng bị sa sút, lúc nhớ lúc quên, nhiều lúc thấy hoa mắt chóng mặt, người mệt mỏi, mắt mờ.… Bà H. chia sẻ, không phải không muốn tuân thủ dùng thuốc, mà là do khi tiêm thuốc bà thường xuyên hạ đường huyết, đói lả, mệt mỏi muốn xỉu nên sợ và có khi tự ý bỏ mũi tiêm.
Cho mãi tới gần đây, khi được bác sĩ chẩn đoán lại thể bệnh, không phải tiêm insulin nữa mà chỉ cần uống thuốc. Được điều trị hướng khác, đường máu ổn định, ăn uống khoa học hơn theo hướng dẫn của bác sĩ, sức khỏe dần ổn định trở lại, giờ bà cũng đã tham gia một lớp tập nhảy cùng với bạn bè cũ. Trước đây một phần do mệt mỏi, sức khỏe yếu, một phần lo hạ đường máu bất ngờ khi luyện tập nên bà không dám tham gia bất kỳ môn luyện tập nào.
Qua trường hợp của bênh nhân H., TS.BS Đỗ Đình Tùng, Viện phó Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa cho hay, việc chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường phải hết sức chu đáo, tỉ mỉ, tuân thủ đúng nguyên tắc sẽ giảm thiểu sai sót, mang lại hiệu quả điều trị cao nhất. Với bệnh nhân H., lúc đầu việc điều trị bằng phác đồ tiêm là hoàn toàn hợp lý với bệnh nhân có chỉ số đường máu cao như vậy. Tuy nhiên, khi đã kiểm soát được đường máu tốt rồi thì sẽ phải chuyển dần sang phác đồ thuốc uống kết hợp với chế độ ăn uống và luyện tập hợp lý. Do không đúng phác đồ điều trị nên bệnh nhân thường xuyên hạ đường máu, đồng thời chế độ ăn uống, luyện tập không hợp lý làm cho đường máu lên xuống thất thường, có nhiều cơn hạ đường máu nguy hiểm. Do hạ đường máu nên bệnh nhân sợ, dẫn đến việc tuân thủ điều trị kém hơn khiến việc kiểm soát đường máu không tốt... cứ thế tạo thành vòng xoáy ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của bệnh nhân. Mấy tháng gần đây do điều trị đúng phác đồ, bệnh nhân tuân thủ điều trị và tái khám đúng hẹn nên kết quả rất tốt. Các xét nghiệm của bệnh nhân H. đã nằm trong tầm kiểm soát.
Một số sai lầm bệnh nhân đái tháo đường hay mắc
Đối với việc tiêm insulin, hiện nay nhiều bệnh nhân lo sợ làm bệnh nặng nhưng theo các chuyên gia, nếu thực sự tụy không còn sản xuất và tiết ra đủ lượng insulin cần thiết để khống chế đường máu mặc dù đã được kích thích tối đa bởi các loại thuốc uống, thì việc tiêm insulin sẽ giúp khôi phục lại cân bằng lượng đường trong máu. Insulin là chất duy nhất trong cơ thể có tác dụng làm giảm đường máu. Khôi phục lại lượng insulin là mấu chốt quan trọng. Nếu làm giảm đường máu trung bình 2mmol/l (hay HbA1c giảm được 1%) sẽ làm giảm biến chứng do bệnh tiểu đường 30%. Thay vì chấp nhận tiêm insulin, nhiều người thường cố ăn kiêng và dùng thuốc uống với liều cao và mong đường máu sẽ hạ xuống. Nặng hay nhẹ trong bệnh đái tháo đường là do biến chứng của bệnh, không phải do tiêm hay không tiêm insulin, vì vậy, khi có chỉ định, người bệnh không nên ngại tiêm vì tiêm sớm có khi còn được chuyển sang uống thuốc kết hợp dùng thực phẩm để hạ đường máu.
Một điều quan trọng khác, các bệnh nhân đái tháo đường hầu hết trung và cao tuổi nên có nhiều bệnh đi kèm. Việc điều trị đái tháo đường vẫn phải song song điều trị các bệnh khác như huyết áp, rối loạn mỡ máu, tim mạch. Các nghiên cứu chỉ ra có khoảng 80% bệnh nhân đái tháo đường có kèm theo tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, rối loạn đông máu và có tới 70% các bệnh nhân đái tháo đường sẽ bị tử vong do các biến chứng tim mạch (nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não), vì vậy, nếu chỉ kiểm soát tốt đường huyết đơn thuần sẽ không làm giảm được nhiều tỷ lệ biến chứng và tử vong.