Đã phẫu thuật thẩm mỹ không nên tiêm filler

(khoahocdoisong.vn) - Tiêm chất làm đầy là phương pháp làm căng da với chi phí thấp hơn so với các loại hình phẫu thuật thẩm mỹ, hiệu quả tức thì.

Tiêm chất làm đầy là phương pháp làm căng da với chi phí thấp hơn so với các loại hình phẫu thuật thẩm mỹ, hiệu quả tức thì. Tiêm chất làm đầy thậm chí không được nhiều người coi là phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ bởi tiến hành đơn giản, nhanh chóng, được nhiều phụ nữ và cả nam giới lựa chọn.

Dễ bị tắc nghẽn sau tiêm

Mong muốn có làn da căng mọng, trẻ đẹp luôn thôi thúc phụ nữ tìm đến các phương pháp trẻ hóa làn da mà chất làm đầy là một trong những phương pháp đó. Chất làm đầy HA (Hyaluronic axit) là một thành phần quen thuộc với các tín đồ dưỡng da. HA là chất có sẵn trong cơ thể người, có tác dụng hút ẩm, duy trì độ ẩm, khiến da căng mọng hơn. HA được coi là thành phần filler tốt nhất hiện nay vì không chỉ làm da căng tức thì mà còn bù đắp được khả năng sản sinh HA của cơ thể.

Tiêm chất làm đầy filler là tiêm vào mạch máu. Mạch máu là nơi đưa máu đi nuôi khắp cơ thể, nuôi động mạch võng mạc. Khi tiêm chất làm đầy filler không đúng kỹ thuật sẽ gây tắc động mạch. Đối với mắt, chỉ cần không có máu nuôi trong vài phút sẽ mờ đi. Nếu không có thuốc giải hoặc tiêm thuốc giải không đúng vào động mạch võng mạc thì mắt sẽ mù vĩnh viễn.

Nhiều người tiêm chất làm đầy filler vào vùng mặt, xung quanh mắt, mũi, nếu kỹ thuật tiêm không đúng, khi gặp sự cố lại tiêm thuốc giải vào mũi thì không có tác dụng vì khi đó filler đã đi vào động mạch võng mạc rồi. Khi tiêm thuốc giải thường phải do bác sĩ về mắt tiêm, vị trí tiêm sau hậu cầu mới có tác dụng.

BS Thy Ra, chuyên gia thẩm mỹ viện Đông Á cho biết, so với phẫu thuật, tiêm chất làm đầy rất đơn giản, bác sĩ dùng một mũi tiêm siêu nhỏ để đưa filler vào những vị trí muốn cải thiện như mũi, môi, ngực, mông…Vì tiêm đơn giản nên nhiều người không có bằng cấp, chỉ được hướng dẫn qua đã làm cho khách hàng. Họ không biết rằng, kỹ thuật tiêm filler đúng không đơn giản như thế. Khi tiêm cần tiêm đúng kỹ thuật, không được tiêm vón cục, nhất là ở các vị trí có mạch máu lớn. Việc tiêm vón cục dễ tạo ra các dị vật trong dòng máu, dị vật chạy khắp cơ thể gây tắc nghẽn các bộ phận, nếu tiêm ở ngực phải biết cách tiêm đúng và liều lượng phù hợp, tránh trường hợp gây chèn ép, nhiễm trùng, hoại tử, có thể phải cắt bỏ vùng ngực nếu không chữa trị kịp thời.

Người đã phẫu thuật thẩm mỹ có nên tiêm filler?

Đối với mũi, đây là vùng tập trung hệ thống mạch máu rất nhiều, đặc biệt là đỉnh mũi, rãnh giữa chân mày và 2 cạnh là 2 rãnh mũi má. ở đây có động mạch gốc, các nhánh động mạch, động mạch mắt. Khi tiêm chất làm đầy không đúng kỹ thuật, chất làm đầy không đảm bảo…có thể làm tắc các động mạch, dẫn tới mù mắt. Vì lý do đó, những người muốn tiêm chất làm đầy filler thường phải là bác sĩ, được học giải phẫu, tiểu phẫu, hiểu rõ về giải phẫu mạch máu mới làm được. Đối với những người đã làm thẩm mỹ mũi, cằm rồi thì tuyệt đối không được tiêm filler. Lý giải về điều này, BS Thy Ra cho biết, những người đã phẫu thuật mũi, đặt sống mũi, độn cằm…thì cấu trúc các vùng này sẽ thay đổi, có nhiều khoảng trống, nếu tiêm filler vào, dịch này có thể đọng lại và chảy sang chỗ khác gây tắc nghẽn mạch máu rất nguy hiểm. Về mặt khoa học, nếu là mũi, người ta không khuyến khích tiêm filler mà chỉ nên đặt sống mũi. Sau khi tiêm filler xong người bệnh phải được theo dõi 24-48 giờ. Khi tiêm nếu tắc mạch, rút mũi tiêm ra sẽ thấy vùng da trắng bệch do không có sự lưu thông mạch máu vùng tiêm, lúc này bác sĩ phải cấp cứu người bệnh ngay.

Trên thị trường hiện bán rất nhiều loại filler và thuốc giải thì rất ít, không phải loại filler nào cũng có thuốc giải. Trường hợp bệnh nhân tiêm filler bị mù mắt sẽ không có cơ hội được cứu chữa vì trên thế giới chưa ghi nhận ca nào hồi phục, bệnh nhân sẽ phải sống chung với bóng tối vĩnh viễn. Theo các bác sĩ, tiêm filler là thủ thuật không quá phức tạp nhưng nếu người thực hiện không phải là bác sĩ sẽ vô cùng nguy hiểm. Việc tiêm filler được thực hiện ở các quán cắt tóc, gội đầu với quảng cáo chất làm đầy là hàng xách tay đều không đáng tin cậy. BS Thy Ra cho biết, các hãng uy tín sản xuất filler chỉ bán hàng của mình cho những người có bằng bác sĩ, được họ đào tạo kỹ thuật tiêm và cấp bằng. Bên cạnh đó chúng ta cần phải hiểu, tác dụng của filler không kéo dài vĩnh viễn, khi sử dụng sẽ phải tiêm định kỳ nhiều lần, do đó người bệnh nên cân nhắc trước khi tiêm.

Theo Đời sống
back to top