Cứu sống bệnh nhân vỡ tim

(khoahocdoisong.vn) - Bệnh nhân bị tai nạn giao thông không có người thân đã được Bệnh viện đa khoa Phú Thọ cứu sống trong tình trạng bị sốc đa chấn thương, vỡ tim, vỡ phức tạp khung chậu. Thực tế các ca vỡ tim do chấn thương, tai nạn rất nguy hiểm nhưng đôi khi biểu hiện lâm sàng không rõ ràng nên cần chú ý nhận biết tình trạng vỡ tim.

Không có người thân vẫn mổ cấp cứu

Ngày 17/01/2020, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận nữ bệnh nhân (30 tuổi, Thanh Hóa) được chuyển đến từ Bệnh viện đa khoa Hùng Vương bị sốc đa chấn thương, vỡ tim có chèn ép tim cấp do tai nạn giao thông.

Theo BS Trương Hải - Đơn vị Tim mạch - Lồng ngực - Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, Bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng lơ mơ, niêm mạc rất nhợt, mạch nhanh, huyết áp 70/40 mmHg đang dùng thuốc vận mạch. Căn cứ vào phim chụp và siêu âm tại Bệnh viện đa khoa Hùng Vương cho thấy: Bệnh nhân bị tràn dịch màng ngoài có chèn ép tim, vỡ phức tạp khung chậu.

Bệnh nhân nhanh chóng được cấp cứu bằng áp dụng kích hoạt nút báo động đỏ hội chẩn toàn viện tại khoa cấp cứu. Căn cứ kết quả chụp phim và siêu âm cấp cứu cho thấy: Bệnh nhân bị tràn máu màng ngoài tim có chèn ép tim cấp, dịch máu ổ bụng, bàng quang ở mức độ nhiều, vỡ phức tạp khung chậu. Các bác sĩ đã tiến hành đặt ống nội khí quản, thở máy, dùng thuốc vận mạch, truyền máu…

Bệnh nhân không có người thân, nhưng trước tình trạng nguy kịch, bệnh nhân nhanh chóng được chuyển thẳng lên phòng mổ. Kíp mổ phối hợp của nhiều chuyên khoa. Bệnh nhân được mở ngực giải phóng chèn ép, khâu vết rách trần nhĩ phải đang chảy máu. Sau xử lý chấn thương tim, mở bụng thăm dò, xuyên đinh kéo liên tục điều trị vỡ ổ cối phải. Sau mổ, bệnh nhân được chuyển sang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Sau 3 ngày được rút ống nội khí quản. sau 4 ngày được rút dẫn lưu màng phổi, màng ngoài tim và dẫn lưu trung thất.

Đến ngày 23/01, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, không sốt và đã được gia đình đón, chuyển về Bệnh viện đa khoa Hợp Lực tại quê nhà để tiếp tục điều trị. Hiện tại, bệnh nhân ổn định, có kế hoạch cho ra viện trong những ngày tới.

Hình ảnh vỡ tim ở bệnh nhân nữ 30 tuổi

Hình ảnh vỡ tim ở bệnh nhân nữ 30 tuổi

Chấn thương ở ngực, tụt huyết áp phải nghĩ tới vỡ tim

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung Tâm tim mạch và lồng ngực (BV Việt Đức) cho biết, chấn thương tim (vỡ tim) là tổn thương phức tạp có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Chấn thương tim là tình trạng quả tim bị dập, tụ máu, rách, vỡ. Biểu hiện nhẹ nhất là cơ tim dập, đến nặng nhất toàn bộ quả tim đứt rời ra khỏi vị trí, có thể chui vào bất cứ bộ phận nào trong cơ thể.

Những trường hợp vỡ tim hầu hết do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt. Với những trường hợp bị vỡ tim, cảm nhận đầu tiên là đau ngực kinh hoàng và khó thở dữ dội khiến người bị chấn thương nằm hay ngồi đều cảm thấy khó thở, nói không ra hơi trong khi biểu hiện bên ngoài không đặc biệt.

Theo GS.TS Lê Ngọc Thành, Chủ tịch Hội phẫu thuật tim mạch Việt Nam cho biết, trong thực tế lâm sàng bất kỳ bệnh nhân nào có vết thương trong vùng tứ giác nguy hiểm, đặc biệt vùng tam giác trước tim, có tụt huyết áp đều phải nghĩ đến vết thương tim. Hai hội chứng thường gặp trên lâm sàng là:

Sốc mất máu: khó thở nhanh nông, da niêm mạc nhợt, hốt hoảng, khát nước; mạch nhanh nhỏ, khó bắt, huyết áp hạ hoặc không đo được.

Chèn ép tim cấp: Khó thở, tím, vật vã kích thích; tĩnh mạch cổ nổi, áp lực tĩnh mạch trung ương cao, mạch nhanh, nhỏ, nghịch thường; tiếng tim mờ.

Bệnh nhân vỡ tim do chấn thương kín thường tử vong ngay, một số ít đến viện trong bệnh cảnh lâm sàng hội chứng chèn ép tim cấp với tình trạng vật vã kích thích, xây xát thành ngực sau một chấn thương nặng. Thương tổn thường gặp là vỡ tiểu nhĩ, tâm nhĩ hơn buồn thất. Tuy nhiên, dù vỡ tim là một tổn thương nặng nhưng có đến 25,5% biểu hiện toàn trạng ổn định, dấu hiệu lâm sàng bệnh nhân cũng nghèo nàn: Tỉnh táo, da niêm mạc hơi nhợt, huyết áp 90/60, thở 20 lần một phút, tiếng tim nghe không rõ...Vì vậy, khi có chấn thương ngực cần đưa đi cấp cứu ngay.

Thúy Nga

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top