Cứu dân trong cơn túng quẫn

(khoahocdoisong.vn) - TPHCM có hàng triệu người nhập cư, từ quê nghèo lên kiếm sống, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát, họ bỗng chốc trở thành người yếu thế không việc làm, không thu nhập.

Bùng dịch, dân nghèo tận khổ 

Làm gì ra tiền; làm sao thanh toán tiền trọ, hóa đơn điện nước, mua thực phẩm, thuốc men; dịch bùng phát, nếu không may nhiễm bệnh thì đi đâu cứu chữa?… Đó là những lo lắng của rất nhiều người lao động trên địa bàn TPHCM, vốn đã lâm vào hoàn cảnh khó khăn sau nhiều tuần thành phố thực hiện giãn cách.

Hơn 2 tháng nay, dịch liên miên khiến vợ chồng anh Huỳnh Văn Hận (44 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) không làm ra tiền. Trước khi Sài Gòn thực hiện giãn cách xã hội, thu nhập từ công việc thu nhặt ve chai của anh Hận và việc bán vé số của vợ dù ít ỏi nhưng cũng tạm đủ chi tiêu qua ngày. Tuy nhiên, dịch ập đến khiến cuộc sống gia đình anh khó khăn. Số ve chai, giấy lộn anh mang về nhà vẫn tắc đầu ra.

Cuộc sống khó khăn khiến hai năm nay anh Hận không dám về quê nhà ở huyện Đầm Dơi, Cà Mau, trong khi trước kia còn về 1 - 2 lần mỗi năm. “Ngày trước dịch, cố chắt bóp lắm thì cũng sống tạm bợ qua ngày. Nhưng từ ngày giãn cách đến giờ, hai vợ chồng thất nghiệp hoàn toàn, không còn tự lo liệu được. Có những ngày vợ chồng tôi không có ngàn nào trong túi, sống chật vật nhờ vào bó rau, bịch gạo của bà con xung quanh và nhà hảo tâm. Vợ chồng anh thiếu tiền trọ đã sang tháng thứ 3. Chủ trọ thương cảm nên cũng cho nợ, nhưng giờ đây tiền ăn ba bữa cũng là nỗi trăn trở mỗi ngày của hai vợ chồng. Khổ quá mới viết bảng treo trụ điện cậy nhờ sự giúp đỡ”, anh Hận chia sẻ.

Khi được hỏi về gói cứu trợ của Nhà nước, anh Hận nói rằng, từ đầu dịch đến nay, vợ anh có nhận được 1,5 triệu đồng từ chính quyền địa phương, còn anh chưa được hỗ trợ gì ngoài đôi lần được nhà hảo tâm gửi tặng ít rau củ, mắm muối ăn từng bữa. Nghe tin TPHCM tiếp tục giãn cách xã hội thêm 1 tháng, anh Hận viết thông tin cá nhân lên tấm bìa giấy xin cứu trợ từ người đi đường.

“Thiếu đói đã hơn 2 tháng nay, giờ phải tiếp tục thất nghiệp thêm ít nhất một tháng nữa chắc không xong rồi. Nói thật là hết chịu nổi cảnh khổ hiện tại nên tôi mới viết bảng xin cứu trợ từ cộng đồng”, anh Hận nói. Điều anh mong mỏi nhất lúc này là có được đồng ra đồng vào để trả tiền trọ và trang trải bữa ăn hằng ngày.

Khi nghe tin Sài Gòn giãn cách thêm 1 tháng, anh Hồ Trà Thanh (quê ở Quế Sơn, Quảng Nam) đã xếp đồ, trả phòng trọ, chở vợ con khăn gói về quê, nhưng ra tới TP Thủ Đức thì bị chặn lại. Anh nói đã “chịu hết nổi” rồi mới tính tới chuyện chạy xe máy 1.000 cây số về nhà, vì ở lại thì chông chênh quá.

Khi chưa dịch, thu nhập gia đình anh tầm 12 triệu đồng/tháng. Nghe thì nhiều nhưng trả tiền trọ hết 2 triệu đồng, tiền gửi trẻ cho con hết 1 triệu đồng, rồi ăn uống, phụ giúp gia đình ở quê… nên không còn. Gia đình anh sống gối đầu theo từng tháng. Lĩnh lương xong, cầm cự được một thời gian là hết tiền. Dịch ập xuống, cả gia đình quýnh quáng, nhưng nhà ở quê cũng khó khăn, nên cứ nán lại, chỉ mong hết dịch để làm kiếm tiền, nhưng không ngờ dịch kéo dài quá!

Nhiều người tìm cách về quê nhưng đã phải quay đầu khi ra đến các cửa ngõ của TPHCM.

Nhiều người tìm cách về quê nhưng đã phải quay đầu khi ra đến các cửa ngõ của TPHCM.

Cần cứu trợ khẩn cấp cho người dân

Ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, TPHCM đã có những gói cứu trợ cho người dân trong thời gian qua. Đây là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, khi giãn cách thêm một tháng, TPHCM xuất hiện làn sóng người dân muốn về quê.

Theo ông Huỳnh Thế Du, lý do là người dân không yên tâm với viễn cảnh dịch bệnh như hiện tại, không biết giãn cách đến khi nào. Gói hỗ trợ hai tháng của TPHCM hiện tại đối với người dân như “ăn gạo đong không biết hết lúc nào” và sau đó không biết lấy gì mà ăn. Trong bối cảnh hiện tại, nếu tình hình dịch kéo dài thì việc hỗ trợ của chính quyền dành cho người dân là việc phải làm. Điều này sẽ phải kéo dài ít nhất đến khi TPHCM có thể chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Do vậy, để người dân yên tâm hơn, "tôi cho rằng TPHCM nên đưa ra ngay gói cứu trợ được chi trả hằng tháng cho người dân. Chính quyền thông báo rằng TPHCM sẽ tập trung chống dịch để kết thúc sớm nhất có thể. Khi dịch đã trong tầm kiểm soát và chuyển sang trạng thái bình thường mới, gói cứu trợ sẽ được dừng hoặc chuyển sang hình thức khác. Đằng nào cũng phải làm thì chủ động trước sẽ tốt hơn với cách làm tạo cảm giác ăn đong cho người dân hiện nay", ông Huỳnh Thế Du nói.

Còn theo TS Lương Hoàng Nam, hỗ trợ của Chính phủ và nhiều địa phương cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở TPHCM là rất lớn, từ việc đặt “Bộ chỉ huy tiền phương” với đầy đủ các bộ, ngành thường trực ở đây, đến việc điều động hàng trăm đoàn y tế với số lượng hàng ngàn người vào TPHCM và mới nhất là dồn văcxin cho TPHCM để nhanh chóng đạt miễn dịch cộng đồng.

Với hỗ trợ lớn như thế của Chính phủ và sự ủng hộ, chia sẻ của các địa phương khác, TPHCM cần chống dịch hiệu quả hơn nữa, giải quyết tốt hơn nữa nhu cầu cuộc sống của dân. Người nghèo ở TPHCM rất đông. Đời sống của họ có yên ổn, trật tự xã hội có duy trì tốt thì hoạt động chống dịch mới thành công.

Theo TS Lương Hoàng Nam, TPHCM nên mạnh tay chi ngân sách làm tốt các việc sau đây. Thứ nhất, ngoài mức 1,5 triệu đồng theo chính sách chung toàn quốc, TPHCM cần hỗ trợ thêm một khoản phù hợp nào đó cho đến khi công việc, thu nhập của họ được phục hồi. Đừng phân biệt thường trú hay tạm trú, miễn là người nghèo đang ở TPHCM thì được hỗ trợ.

Thứ hai, cần có cơ chế thanh toán tiền trọ, hóa đơn điện nước cho người dân nghèo, đặc biệt trong các khu trọ, khu phong tỏa. Cuối cùng, đối với các khu vực người nghèo bị phong tỏa để chống dịch, TPHCM cung cấp suất ăn ngày ba bữa đến khi hết phong tỏa.

TPHCM thiếu rất nhiều tiền đầu tư phát triển hạ tầng, nhưng đằng nào cũng thiếu rồi, vì vậy, nếu vì cứu trợ người nghèo mà thiếu thêm chút nữa cũng không sao. Chống dịch thành công rồi TPHCM sẽ an tâm và tập trung tính toán lại các bài toán về nguồn vốn. Trong lúc khẩn cấp này, cứu trợ người dân khỏi đời sống túng quẫn là quan trọng nhất.

Theo Đời sống
"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố của J&T Express cho thấy, thói quen mua sắm trực tuyến của người Việt phát triển mạnh mẽ trong dịch và duy trì khá bền vững sau đó. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không chỉ ở các thành phố lớn mà đang "bùng nổ" ở nông thôn.
back to top