Xơ gan nhưng không kiêng rượu
Nhìn bệnh nhân Nguyễn Văn K. (46 tuổi, Nam Định), đôi mắt vẫn còn vàng hoe, trước đó không ai nhận ra anh, bởi anh vừa trải qua cơn “thập tử nhất sinh”.
Là người lao động tự do, anh K. sử dụng rượu bia hằng ngày, có những hôm thâu đêm suốt sáng với chén rượu. Cách đây 3 năm, anh thấy mệt mỏi, vàng da, vàng mắt nhiều, đi khám được kết luận xơ gan, điều trị thuốc và thăm khám định kỳ. Đặc biệt, bác sĩ khuyên anh K. bỏ rượu. Thế nhưng, anh không thực hiện được theo y lệnh của bác sĩ, cũng như không sử dụng thuốc theo đúng chỉ định…
Cách đây một tháng, anh K. lại thấy hiện tượng mắt và da vàng nhiều, đặc biệt còn nôn ra máu, đi ngoài phân đen. Gia đình nhanh chóng đưa anh cấp cứu tại Bệnh viện 19-8.
Tại đây, các bác sĩ đã thăm khám và kết luận bệnh nhân K. bị xơ gan mất bù do rượu, biến chứng xuất huyết tiêu hóa, hội chứng não gan. Hai biến chứng nặng nhất đối với bệnh nhân suy gan.
Nội soi thắt tĩnh mạch thực quản giãn độ 3
Trực tiếp điều trị cho bệnh nhân K., ThS.BS Nguyễn Việt Dũng, Phó khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện 19-8 cho biết, bệnh nhân K. là một bệnh nhân nặng, khi vào viện mắt và da vàng như rơm, có cả hai biến chứng của bệnh xơ gan là xuất huyết tiêu hóa và hội chứng não gan.
Xuất huyết tiêu hóa, bệnh nhân đi ngoài phân đen, nôn ra nhiều máu tươi và máu đông. Hội chứng não gan, bệnh nhân sẽ có triệu chứng hay ngủ gà, lơ mơ, rối loạn ý thức và rồi sẽ dẫn đến hôn mê gan. Bệnh nhân mất máu nhiều, phải truyền 4 đơn vị máu (1 lít máu), dùng thuốc giải độc bảo vệ tế bào gan. Sau đó duy trì huyết áp. Khi bệnh nhân ổn định bác sĩ tiến hành nội soi cấp cứu.
Nội soi thấy bệnh nhân K. giãn tĩnh mạch thực quản độ 3, có điểm chảy máu. Các bác sĩ đã tiến hành thắt tĩnh mạch thực quản bằng vòng cao su, điều trị cầm máu cho bệnh nhân. Dùng các vòng cao su thông qua nội soi đưa dụng cụ tiếp cận điểm chảy máu ở búi giãn tĩnh mạch thực quản, rồi thắt búi giãn bị vỡ, chống chảy máu.
Giãn tĩnh mạch thực quản có 3 độ, đối với độ 2 trở lên là bệnh nhân đã có chỉ định thắt để dự phòng vỡ. Trong trường hợp này, bệnh nhân đang chảy máu cần thắt cấp cứu, nếu không thắt tĩnh mạch thực quản kịp thời, bệnh nhân có thể chảy máu ồ ạt dẫn đến tử vong nhanh.
Sau thắt tĩnh mạch thực quản, bệnh nhân vẫn được điều trị tích cực, dùng huyết tương, kháng sinh, thuốc bảo vệ tế bào gan. Tuy nhiên, bệnh nhân này xơ gan mất bù nên quá trình điều trị thuốc theo đơn, tái khám định kỳ, chế độ ăn uống cũng cần lưu ý. Bệnh nhân phải tuyệt đối kiêng rượu bia, ăn uống giàu vitamin, bổ sung hoa quả, kiêng ăn thịt mỡ, hạn chế chất đạm.
ThS.BS Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh, rượu sỡ dĩ gây độc cho gan là vì chất ethanol (cồn), chất này theo máu đến gan và được biến đổi thành Acetaldehyde rất độc. Chất này làm viêm và tiêu tế bào gan. Thật ra, gan tự sản xuất một số chất để bảo vệ chính nó, nhưng không đủ để chống lại sự tác hại của acetaldehyde khi ethanol được đưa vào cơ thể quá nhiều và thường xuyên. Do đó, nếu uống rượu nhiều và liên tục có thể gây viêm và xơ gan gan đến mức không hồi phục được nữa.
Giãn tĩnh mạch thực quản xảy ra thường xuyên nhất ở những người bị bệnh gan nghiêm trọng. Giãn tĩnh mạch thực quản phát triển khi lưu lượng máu bình thường đến gan chậm lại. Các dấu hiệu và triệu chứng của chảy máu do giãn tĩnh mạch thực quản bao gồm: Nôn ra máu, phân đen, hắc ín hoặc phân có máu, shock, trong trường hợp nghiêm trọng.