Các bệnh viện dã chiến số 3, số 6, số 8 ở khu tái định cư Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức) sẽ là những bệnh viện ngừng hoạt động cuối cùng, dự kiến vào cuối tháng 12/2021. Đây là những bệnh viện đã được đầu tư hệ thống oxy lỏng, giường hồi sức để đảm trách tiếp nhận F0 nặng.
Ngoài ra, bệnh viện dã chiến số 5 cũng trong danh sách bệnh viện dã chiến ngừng hoạt động sau cùng vì phải hỗ trợ tiếp nhận các trường hợp F0 mức độ nhẹ và trung bình từ các bệnh viện trong khu vực trung tâm thành phố (Bệnh viện Nguyễn Trãi, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện An Bình).
Tính từ đầu tháng 7/2021 đến nay, TPHCM đã thành lập 16 bệnh viện dã chiến với quy mô khoảng 37.000 giường để thu dung điều trị các trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Hiện khoảng 9.443 trường hợp F0 còn đang được điều trị.
Theo PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, khi các bệnh viện dã chiến của thành phố giải thể, TPHCM rất cần các bệnh viện dã chiến của quận, huyện đảm trách thu dung các trường hợp F0 mới không đủ điều kiện cách ly tại nhà.
Tính đến ngày 8/10/2021, 15 bệnh viện dã chiến quận, huyện đi vào hoạt động với tổng quy mô gần 7.000 giường.
Theo kế hoạch, các quận, huyện còn lại sớm thành lập bệnh viện dã chiến, với quy mô từ 300 - 500 giường/bệnh viện, trong đó có 30 - 50 giường ôxy, do bệnh viện quận, huyện hoặc bệnh viện thành phố trên cùng địa bàn đảm trách.
Về tiếp nhận các trung tâm hồi sức Covid-19, dự kiến 15/10/2021, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM sẽ tiếp nhận Trung tâm Hồi sức thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, còn Bệnh viện Nhân dân Gia Định dự kiến sẽ tiếp nhận Trung tâm Hồi sức thuộc Bệnh viện Bạch Mai vào ngày 20/10/2021.
Riêng Bệnh viện Trung ương Huế sẽ tiếp tục hỗ trợ TPHCM vận hành Trung tâm Hồi sức tại bệnh viện dã chiến số 14 đến cuối năm 2021, sau đó Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ tiếp nhận.