Cuối năm Quý Mão Thái Nguyên sẽ điều chỉnh loạt dự án

Dự kiến tại kỳ họp thứ 17 (kỳ họp chuyên đề) được tổ chức vào những ngày cuối năm Quý Mão (1/2024), HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 – 2026 sẽ điều chỉnh chủ trương đầu tư một loạt dự án.
Phối cảnh Dự án Cải tạo, sửa chữa Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (ATK) Định Hóa, xã Phú Đình, huyện Định Hóa.

Phối cảnh Dự án Cải tạo, sửa chữa Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (ATK) Định Hóa, xã Phú Đình, huyện Định Hóa.

Cụ thể: Đối với dự án Cải tạo, sửa chữa Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (ATK) Định Hóa, xã Phú Đình, huyện Định Hóa tại mục 5 Phụ lục II của Nghị quyết số 162/NQ-HĐND ngày 12/8/2021 của HĐND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt cơ cấu nguồn vốn gồm: Vốn đầu tư công ngân sách địa phương 20.000 triệu đồng và vốn huy động hợp pháp khác 20.000 triệu đồng. Nay sẽ điều chỉnh thành: Vốn đầu tư công ngân sách địa phương 30.000 triệu đồng và vốn huy động hợp pháp khác: 10.000 triệu đồng.

Theo Giám đốc Sở VHTT&DL Thái Nguyên: “Thực hiện Nghị quyết số 162/NQ-HĐND, ngày 31/8/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thái nguyên ban hành Quyết định số 2077/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Vận động tài trợ nguồn vốn xã hội hóa dự án cải tạo, sửa chữa nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (ATK Định Hóa), xã Phú Đình, huyện Định Hóa. Ngay sau khi thành lập, Ban Vận động đã tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân ủng hộ kinh phí để thực hiện dự án. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 và suy thoái kinh tế thế giới nên các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và cả nước gặp rất nhiều khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đảm bảo đời sống cho công nhân, người lao động. Vì vậy, tính đến nay, Ban Vận động mới huy động được 2,5 tỷ đồng đạt 12,5% (2,5 tỷ/20 tỷ) tổng nguồn vốn huy động hợp pháp khác của dự án. Với tình hình kinh tế đang khó khăn như hiện nay, việc huy động nguồn vốn hợp pháp khác theo cơ cấu nguồn vốn của Nghị quyết số 162/NQ-HĐND là hết sức khó khăn. Do đó, để dự án hoàn thành đúng theo tiến độ đã được phê duyệt thì việc điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn của dự án”.

Lễ động thổ cải tạo, sửa chữa Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (ảnh thainguyen.gov.vn)

Lễ động thổ cải tạo, sửa chữa Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (ảnh thainguyen.gov.vn)

Theo kế hoạch, dự án Cải tạo, sửa chữa Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (ATK) Định Hóa sẽ thực hiện từ năm 2022 và hoàn thành năm 2024.

Nếu như dự án Cải tạo, sửa chữa Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (ATK) Định Hóa chỉ điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn thì Dự án đường vành đai I (Đoạn Bờ Đậu, Phú Lương- Hóa Thượng, Đồng Hỷ) và tuyến tránh đô thị Hóa Thượng huyện Đồng Hỷ sẽ điều chỉnh cả quy mô lẫn nguồn vốn.

Cụ thể: Nội dung đã phê duyệt tại Nghị quyết số 151/NQ-HĐND ngày 12/8/2021 của HĐND tỉnh Thái Nguyên: Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 14,10 km, bao gồm: Tuyến đường vành đai I (đoạn đầu từ Bờ Đậu, Phủ Lương - đểm đầu tuyến tránh đô thị Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ với chiều dài khoảng 6,8 km); Tuyến tránh đô thị Hoá Thượng,huyện Đồng Hỷ (đoạn từ vành đai I đến cầu Linh Nham với chiều dài khoảng 7,3 km); Nay điều chỉnh: Tổng chiều dài toàn tuyển khoảng 8,8 km bao gồm: Tuyến đường Vành đai I (đoạn đầu từ Bờ Đậu, Phú Lương - điểm đầu tuyến tránh đô thị Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ với chiều dài khoảng 6,8 km); Tuyến tránh đô thị Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ (đoạn từ Vành đai I đến cầu đường Quốc lộ 1B với chiều dài khoảng 2 km).

Về tổng mức đầu tư: Nội dung đã phê duyệt tại Nghị quyết số 151/NQ-HĐND ngày 12/8/2021 của HĐND tỉnh: 1.152.450 triệu đồng sẽ được điều chỉnh thành 972. 529 triệu đồng.

Lý giải nguyên nhân điều chỉnh, UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Việc điều chỉnh hướng tuyến và tiếp tục đầu tư đoạn từ Quốc lộ 1B đến cầu Linh Nham theo ý kiến của Bộ Quốc phòng tại văn bản số 3779/BQP-TM ngày 02/11/2022 sẽ không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, an toản (không đảm bảo khoảng cách an toàn đến các kho, bãi của Lữ đoàn 575) và không phù hợp với quy hoạch tĩnh, các quy hoạch có liên quan đã được phê duyệt. Mặt khác, tại khu vực vẫn có các tuyến đường hiện hữu, cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận tải, đi lại của Nhân dân, do vậy việc đầu tư đoạn tuyến này chưa thực sự cấp thiết có thể tiếp tục xem xét, đầu tư vào giai đoạn sau”.

Đối với Dự án xây dựng Trung tâm Thể dục thể thao và Trường Phổ thông năng khiếu thể dục thể thao được xây dựng trên khu đất với tổng diện tích khoảng 05 ha có tổng mức đầu tư 120.000 triệu đồng tại Xã Quyết Thắng và Phúc Trìu, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên với thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2025.

Nay, Dự án Xây dựng Trung tâm Thể dục thể thao và Trường Phổ thông năng khiếu Thể dục thể thao được điều chỉnh xây dựng trên khu đất với tổng diện tích khoảng 6,12 ha (tăng 1,12 ha so với diện tích được xác định trong Nghị quyết số 162/NQ-HĐND là 5 ha).

Tương tự, tổng mức đầu tư dự án cũng điều chỉnh tăng lên 313.122 triệu đồng; Và thời gian thực hiện dự án cũng sẽ được kéo dài đến hết năm 2026.

Giải thích nguyên nhân tăng vốn đầu tư, Giám đốc Sở VHTT&DL Thái Nguyên cho biết do: “Công tác lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án chưa tính toán sát chi phí giải phóng mặt bằng, quy mô các hạng mục công trình theo nhu cầu sử dụng của các đơn vị dẫn đến tổng mức đầu tư dự kiến tăng từ 120.000 triệu đồng lên 313.122 triệu đồng”.

Về lý do di dời, Giám đốc Sở VHTT&DL Thái Nguyên cho biết là để “Dành quỹ đất khu trụ sở hiện tại của Trung tâm Thể dục thể thao và Trường Phổ thông năng khiếu Thể dục thể thao cho dự án khu vực hỗn hợp cơ quan hành chính kết hợp không gian đi bộ và dịch vụ thương mại tại trung tâm thành phố”…

Cũng theo lãnh đạo ngành văn hóa Thái Nguyên: “Tại thời điểm lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, công tác khái toán chi phí GPMB chỉ được tính theo phương pháp lấy số liệu của dự án tương tự trên cùng địa bàn (lấy dữ liệu từ dự án sân vận động Thái Nguyên). Công tác khái toán chưa xác định được nguồn gốc sử dụng đất, loại đất, diện tích đất, chưa thống kê được chi tiết tài sản trên đất.”

Về chi phí thiết bị tăng, do “tại thời điểm lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, đơn vị chưa tính các chi phí thiết bị để phục vụ cho hoạt động của các hạng mục của dự án.”

Dự án xây dựng sân vận động Thái Nguyên, có tổng mức đầu tư tăng thêm xấp xỉ 536 tỷ đồng đang được gấp rút hoàn thiện.

Dự án xây dựng sân vận động Thái Nguyên, có tổng mức đầu tư tăng thêm xấp xỉ 536 tỷ đồng đang được gấp rút hoàn thiện.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ chín (Kỳ họp chuyên đề) được HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021- 2026 tổ chức hôm 28/10/2022, HĐND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục thông qua việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng sân vận động Thái Nguyên, nâng tổng mức đầu tư tăng thêm gần 70 tỷ đồng, nâng tổng mức đầu tư của dự án lên xấp xỉ 536 tỷ đồng.

Tương tự, với Dự án tuyến đường kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc, tại Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 31/3/2022, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã quyết nghị điều chỉnh giai đoạn I của dự án có tổng mức đầu tư là 3.781 tỷ đồng. Và tại Kỳ họp thứ 10 được tổ chức đầu tháng 12/2022, HĐND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh tăng vốn cho Dự án từ 3.781 tỷ đồng lên 4.204 tỷ đồng (tăng 423 tỷ đồng).

Nhằm khắc phục tình trạng này, ngày 26/2/2023 Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Văn bản 697/UBND-TH, yêu cầu các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các chủ đầu tư sử dụng vốn đầu tư công chấn chỉnh công tác tư vấn khảo sát, lập dự án, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công-dự toán; tăng cường công tác chuẩn bị đầu tư, lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư; đặc biệt nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, công tác nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ đầu tư, dự án đầu tư để đảm bảo tính chính xác, tiết kiệm và hiệu quả, tránh sai sót dẫn đến phát sinh phải điều chỉnh chủ trương, điều chỉnh dự án.

Theo Đời sống
back to top