Ký cam kết
Theo thống kê, hiện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên) có 65 điểm mỏ được cấp phép khai thác, chế biến khoáng sản, 45 đơn vị, doanh nghiệp được cấp phép khai thác, chế biến khoáng sản. Thời gian qua, UBND huyện và các địa phương đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản; phần lớn các doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định của Luật Khoáng sản và pháp luật có liên quan, thực hiện đúng các nội dung của giấy phép, tuân thủ quy trình, công tác an toàn lao động.
Chiều 9/1/2024, UBND huyện Đồng Hỷ tổ chức Hội nghị ký cam kết trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.Đây là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên tổ chức ký cam kết về trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn với lãnh đạo các cơ quan: Phòng kinh tế hạ tầng, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi Cục Thuế khu vực Đồng Hỷ - Võ Nhai, Chủ tịch UBND 15 xã, thị trấn.
Trước đó, chiều 23/11/2023, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã tổ chức Hội nghị ký cam kết trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản và việc chấp hành các quy định trong hoạt động khai thác khoáng sản với lãnh đạo các sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Cục Thuế tỉnh, Chủ tịch UBND 9 huyện, thành phố và 20 doanh nghiệp có hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản lớn trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thái Nguyên: Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có chuyển biến tích cực. Tính đến ngày 20/11/2023, trên địa bàn tỉnh có 131 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, trong đó có 23 giấy phép các bộ, ngành Trung ương cấp; 108 giấy phép UBND tỉnh Thái Nguyên cấp. Nhìn chung, các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản đã chấp hành tốt các quy định của Luật Khoáng sản và pháp luật có liên quan; thực hiện đúng các nội dung của giấy phép, tuân thủ quy trình, quy phạm an toàn lao động, thiết kế mỏ và các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Một số đơn vị đã đầu tư thiết bị, máy móc, sử dụng công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến, tận thu tối đa khoáng sản, làm tăng giá trị của một số khoáng sản, từng bước nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trong quá trình khai thác, chế biến.
Nội dung cơ bản của bản cam kết. |
Tuy nhiên trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản vẫn còn tồn tại như: Các dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc đối tượng dự án tự thỏa thuận theo quy định của Luật Đất đai nên việc thuê đất chậm tiến độ, gặp nhiều khó khăn; việc khai thác chế biến khoáng sản gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới môi trường; hoạt động của các mỏ khai thác, chế biến khoáng sản thu hút được nhiều lao động của các địa phương qua đó cũng làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại khu vực; vận chuyển bằng phương tiện có tải trọng lớn dẫn đến ảnh hưởng đến công trình giao thông, hạ tầng cơ sở...
Tháng 5/2023, Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khảo sát về công tác bảo vệ môi trường tại tỉnh Thái Nguyên. |
Vẫn còn hạn chế
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Báo cáo Giám sát của HĐND tỉnh Thái Nguyên ban hành cuối năm 2023 cho thấy, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục kịp thời.
Theo đó, không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa chấp hành nghiêm quy định về bảo vệ môi trường; còn tình trạng vứt bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng một cách bừa bãi; thiếu kiểm soát môi trường trong chăn nuôi; chưa thu gom, xử lý nước thải, rác thải y tế, rác thải sinh hoạt một cách hiệu quả…
Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn, miền núi chưa cao, lượng rác thải nhựa phát sinh lớn, chưa được thu gom, xử lý hợp vệ sinh. Công tác phân loại rác thải tại nguồn chưa đạt kết quả như mong muốn, còn địa phương chưa bố trí điểm tập kết, trung chuyển rác thải sinh hoạt.
Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường của một số khu, cụm công nghiệp chưa được hoàn thiện và đáp ứng yêu cầu, quy định. Môi trường không khí xung quanh các cơ sở sản xuất công nghiệp tại từng thời điểm có hàm lượng bụi vượt ngưỡng cho phép.
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Thái Nguyên có 172 cơ sở chưa hoàn thiện hồ sơ cấp giấy phép môi trường, trong đó có 87 dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, 28 trang trại chăn nuôi, 53 mỏ khai thác, chế biến khoáng sản và 4 cơ sở y tế.Một trong những khu vực ô nhiễm môi trường gây bức xúc nhất hiện nay chính là từ hoạt động khai thác mỏ đá làm vật liệu xây dựng với không ít trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.
Cũng theo thống kê của Đoàn Giám sát HĐND tỉnh Thái Nguyên, toàn tỉnh có 27 đơn vị cần tiếp tục hoàn thiện việc lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động và liên tục, trong đó có 16 cơ sở liên quan đến nước thải và 11 cơ sở liên quan đến khí thải.
HĐND tỉnh Thái Nguyên cũng chỉ ra 31 mỏ, thuộc 17 đơn vị, doanh nghiệp còn thiếu trong ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; 3 mỏ của 3 đơn vị chưa ký quỹ. Có 47 đơn vị, doanh nghiệp còn nợ thuế và phí bảo vệ môi trường với số tiền lên tới trên 31 tỷ đồng.
Tại cuộc giám sát được thực hiện trung tuần tháng 5/2023, Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Nguyễn Tuấn Anh làm Trưởng đoàn cũng đã chỉ ra một số vấn đề để Thái Nguyên phải nhanh chóng khắc phục trong công tác bảo vệ môi trường, như: Việc mới chỉ có 4/7 khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; hay toàn tỉnh mới chỉ có 3/9 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải và không có cụm công nghiệp nào lắp đặt hệ thống quan trắc tự động... Đáng nói là có những vi phạm tồn tại từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, theo luật Bảo vệ môi trường năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục như ở Khu Công nghiệp Trung Thành…
Tháng 4/2021 lãnh đạo các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh Thái Nguyên đã cùng ký cam kết về trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản. |
Việc UBND tỉnh Thái Nguyên và mới đây là UBND huyện Đồng Hỷ tổ chức ký cam kết nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn theo đúng các quy định của pháp luật; nâng cao trách nhiệm và công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương, đơn vị trong công tác quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản được coi là một giải pháp căn cơ, nếu thực hiện nghiêm sẽ có tác động tích cực đến hiệu quả quản lý tài nguyên khoáng sản. Còn nhớ, tại Hội nghị tăng cường các giải pháp quản lý hoạt động khai thác đất san lấp trên địa bàn diễn ra chiều 14/4/2021, lãnh đạo các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh Thái Nguyên đã cùng ký cam kết về trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản.
Mặc dù vậy, hơn 3 năm kể từ ngày ký cam kết trôi qua, hàng loạt chấn chỉnh của lãnh đạo tỉnh được đưa ra. Mới đây nhất, ngày 6/01/2024 Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng tiếp tục có Văn bản số 76/UBND- CNNXD yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố: Rà soát, thực hiện các nhiệm vụ được giao về quản lý tài nguyên khoáng sản.
Cho thấy, vấn đề tiếp sau việc ký cam kết là thực thi quản lý từ cơ sở ra sao và những vi phạm liên quan đến khai thác tài nguyên khoáng sản có được xử lý trách nhiệm nghiêm hay không mới là mấu chốt của sự thành công!