Thái Nguyên: Cần làm rõ trách nhiệm trong việc “đội vốn” dự án

Nhiều dự án đã hoặc đang triển khai buộc phải điều chỉnh tăng vốn, có dự án tăng gần gấp đôi khiến dư luận tại tỉnh Thái Nguyên bức xúc về trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ tại địa phương này.
Ngày 14/2, Đoàn công tác của tỉnh do Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Bình làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án xây dựng Sân vận động tỉnh, Dự án xây dựng Trung tâm thể dục thể thao và Trường Phổ thông năng khiếu thể dục thể thao tại xã Phúc Trìu, TP Thái Nguyên (Nguồn:thainguyen.gov.vn).

Ngày 14/2, Đoàn công tác của tỉnh do Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Bình làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án xây dựng Sân vận động tỉnh, Dự án xây dựng Trung tâm thể dục thể thao và Trường Phổ thông năng khiếu thể dục thể thao tại xã Phúc Trìu, TP Thái Nguyên (Nguồn:thainguyen.gov.vn).

Liên tục điều chỉnh tăng vốn

Ngày 19/5/2021, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIII, kỳ họp chuyên đề đã ban hành Nghị quyết số 22/NQ-HĐND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng sân vận động Thái Nguyên với tổng mức đầu tư là 309,4 tỷ đồng (trong đó: 200 tỷ đồng sẽ là từ nguồn ngân sách Trung ương và 109,4 tỷ đồng là nguồn vốn ngân sách tỉnh).

Đây là thiết chế thể thao cấp tỉnh quy mô, đồng bộ và hiện đại, hứa hẹn góp phần phát triển tốt hơn sự nghiệp thể dục, thể thao của địa phương, thu hút các chương trình, sự kiện văn hóa, thể thao cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.

Chưa kịp triển khai ngoài thực địa thì đến Kỳ họp chuyên đề được tổ chức ngày 4/11/2021, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã phải thông qua việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng sân vận động Thái Nguyên, nâng tổng mức đầu tư tăng thêm hơn 156 tỷ đồng so với phê duyệt cách đây ít tháng.

Về lý do điều chỉnh chủ trương đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên cho rằng: Tại thời điểm lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, đơn vị lập chủ trương đầu tư căn cứ theo Khoản 2 Điều 4 và Điểm b Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP của Chính phủ (lựa chọn phương án tính toán tổng mức đầu tư áp dụng theo suất đầu tư do Bộ Xây dựng ban hành tại Quyết định số 65/QĐ-BCD ngày 20/01/2021).

Chưa dừng lại tại đó, tại Kỳ họp thứ chín (Kỳ họp chuyên đề) được HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021- 2026 tổ chức hôm 28/10/2022, HĐND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục thông qua việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng sân vận động Thái Nguyên, nâng tổng mức đầu tư tăng thêm gần 70 tỷ đồng, nâng tổng mức đầu tư của dự án lên xấp xỉ 536 tỷ đồng.

Lý do tăng, theo UBND tỉnh Thái Nguyên là tại thời điểm lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, giá trị khái toán chi phí giải phóng mặt bằng do Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Thái Nguyên cung cấp cho chủ đầu tư để xác định tổng mức đầu tư dự án chưa xác định được rõ nguồn gốc sử dụng đất, loại đất, diện tích đất, chưa thống kê chi tiết tài sản trên đất (dẫn đến tăng do đơn giá bồi thường đất; tăng do diện tích đất ở; tăng diện tích đất nông nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản; tăng do số lượng cây trồng trên đất; tăng do phần tài sản chưa thống kê chi tiết, tài sản phần chìm, tài sản có kết cấu khác biệt; tăng do chi phí di chuyển đường điện).

Tương tự, ở Dự án tuyến đường kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc, tại Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 31/3/2022, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã quyết nghị điều chỉnh giai đoạn I của dự án có tổng mức đầu tư là 3.781 tỷ đồng.

Và tại Kỳ họp thứ 10 được tổ chức đầu tháng 12/2022, HĐND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh tăng vốn cho Dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc, tăng tổng mức đầu tư giai đoạn I từ 3.781 tỷ đồng lên 4.204 tỷ đồng (tăng 423 tỷ đồng).

Giải thích về lý do điều chỉnh, theo UBND tỉnh Thái Nguyên là bởi Dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc có chiều dài 42,55km, qua 11 xã, phường, thị trấn, ảnh hưởng khoảng 3.000 hộ dân thuộc thành phố Phổ Yên và huyện Đại Từ; phạm vi giải phóng mặt bằng rộng, trải dài; khối lượng, số hộ dân bị ảnh hưởng rất lớn nên khi lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chưa thống kê kiểm đếm chi tiết công trình, tài sản trên đất. Sau khi dự án được phê duyệt, trong quá trình triển khai thực hiện thống kê, kiểm đếm chi tiết mới xác định chính xác giá trị bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án dẫn đến tăng khối lượng bồi thường (nhà ở, tài sản vật kiến trúc trên đất, cây cối các loại, di chuyển công trình công cộng và các chi phí hỗ trợ...).

Mới đây nhất, ngày 14/2/2023, Đoàn công tác của tỉnh do ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn sau khi kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án xây dựng Trung tâm thể dục thể thao và Trường Phổ thông năng khiếu thể dục thể thao tại xã Phúc Trìu (thành phố Thái Nguyên) đã phát hiện dự án chưa có phương án bố trí tái định cư cho trên 20 hộ dân trong khu vực, khái toán kinh phí GPMB đã bị tăng so với phê duyệt trước đó…

Chấn chỉnh và cần xử lý

Trước thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng: Có thể đã có việc các cơ quan tham mưu đề xuất dự án để trình HĐND tỉnh Thái Nguyên thông qua đều được làm theo hướng “giảm nhẹ” suất đầu tư với mục đích để “bấm nút đồng ý” dễ dàng hơn. Còn nếu không phải là cố ý như vậy thì rõ ràng cần xem lại nghiêm túc trình độ chuyên môn của các cơ quan tham mưu, bởi chính họ đề xuất, rồi cũng chính họ biện lý do để “điều chỉnh”, đưa các lãnh đạo vào thế khó, khi mà dự án trước đó đã thông qua, không làm tiếp cũng…dở!

Ngày 26/2/2023, ông Trịnh Việt Hùng- Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Văn bản chấn chỉnh nội dung trên. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các đơn vị được giao nhiệm vụ làm Chủ đầu tư, tổ chức lập và triển khai dự án sử dụng vốn đầu tư công chủ động nâng cao chất lượng và bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, kịp thời cập nhật các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng cơ bản hiện hành; đặc biệt nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, công tác nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ đầu tư, dự án đầu tư để đảm bảo tính chính xác, tiết kiệm và hiệu quả, tránh sai sót dẫn đến phát sinh phải điều chỉnh chủ trương, điều chỉnh dự án.

Các đơn vị Chủ đầu tư có trách nhiệm huy động nguồn nhân lực, lựa chọn đơn vị tư vấn khảo sát, lập dự án, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công- dự toán, đơn vị quản lý dự án, giám sát thi công xây dựng công trình có đủ năng lực, trình độ để thực hiện lập và triển khai dự án theo đúng quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư phải đảm bảo theo đúng các quy định của Luật Đầu tư công các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong công tác thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, bên cạnh việc kịp thời chấn chỉnh thì tỉnh Thái Nguyên cũng cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể dẫn tới việc tỉnh này liên tục phải điều chỉnh chủ trương, điều chỉnh dự án để tăng vốn các dự án đầu tư công.

Xem thêm: Luật Đầu tư công

Điều 43. Điều chỉnh chương trình, dự án

1. Việc điều chỉnh chương trình được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Khi điều chỉnh mục tiêu và thay đổi điều kiện thực hiện trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch;

b) Khi điều chỉnh hoặc dừng chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền;

c) Do nguyên nhân bất khả kháng làm thay đổi về mục tiêu, quy mô đầu tư, chi phí và thời gian thực hiện chương trình.

2. Việc điều chỉnh dự án được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Khi điều chỉnh hoặc dừng chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền;

b) Khi điều chỉnh quy hoạch ảnh hưởng trực tiếp tới dự án;

c) Do nguyên nhân bất khả kháng làm thay đổi về mục tiêu, quy mô đầu tư, chi phí và thời gian thực hiện dự án;

d) Do ảnh hưởng của sự cố thiên tai, hỏa hoạn hoặc yếu tố bất khả kháng khác khi đã hết thời gian bảo hiểm của dự án;

đ) Xuất hiện các yếu tố mang lại hiệu quả cao hơn về tài chính, kinh tế - xã hội do việc điều chỉnh dự án mang lại và được cơ quan có thẩm quyền thẩm định;

e) Khi chỉ số giá trong thời gian thực hiện dự án lớn hơn chỉ số giá được sử dụng để tính dự phòng trượt giá trong tổng mức đầu tư dự án được cấp có thẩm quyền quyết định.

3. Cấp quyết định đầu tư chương trình, dự án có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chương trình, dự án đó và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

4. Cấp có thẩm quyền chỉ được điều chỉnh chương trình, dự án sau khi chương trình, dự án đã được thực hiện thẩm định, kiểm tra, đánh giá theo quy định của Luật này.

5. Trường hợp điều chỉnh làm tăng tổng mức đầu tư dự án lớn hơn tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, dự án phải thực hiện trình tự, thủ tục quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư trước khi cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh dự án.

6. Nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định điều chỉnh chương trình, dự án thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Nguồn: Thuvienphapluat.vn

Theo Đời sống
Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

"Hà Nội hiện không có người ăn xin ăn mày, không có người vô gia cư", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ lại ý kiến ông đã phát biểu tại hội nghị các thị trưởng ASEAN tại Lào.
Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Từ 20/10/2024, tàu tham quan ban ngày, vào mùa hè (tính từ 1/4 - 31/10) được xuất bến từ 5h và về bến chậm nhất là 20h, trong khi hiện nay là 6h mới được xuất bến và phải trở về bến trước 19h.
back to top