Gia tăng tội phạm lứa tuổi thanh thiếu niên tại Thái Nguyên

Hiện nay tình trạng thanh thiếu niên, nhất là nhóm trẻ vị thành niên (chưa đủ 18 tuổi) vi phạm pháp luật gia tăng tại nhiều địa phương trong tỉnh Thái Nguyên, trở thành mối lo ngại, gây hoang mang, lo lắng cho gia đình và xã hội.
29/42 bị cáo trong vụ án “Gây rối trật tự công cộng” do TAND TP Sông Công xét xử tháng 10/2023 là người chưa 18 tuổi, nhiều em đang là học sinh (Ảnh Báo TN).

29/42 bị cáo trong vụ án “Gây rối trật tự công cộng” do TAND TP Sông Công xét xử tháng 10/2023 là người chưa 18 tuổi, nhiều em đang là học sinh (Ảnh Báo TN).

Mới đây nhất, ngày 10/1/2024, Công an TP Hà Nội thông tin, đã làm rõ nhóm thanh thiếu niên trú tại tỉnh Thái Nguyên, điều khiển xe máy với tốc độ cao, mang theo hung khí tấn công người đi đường, xảy ra tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.

Cụ thể, chiều 1/1/2024, một nhóm khoảng 16 thanh thiếu niên mang theo hung khí, đi 8 xe máy đã được tháo biển để không bị phát hiện sau khi gây án với tốc độ khoảng 60-70 km/h đến khu vực Đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội).

Tại bờ hồ khu vực Đền Gióng, các đối tượng thoả thuận và thống nhất trên đường về gặp những ai gạ đánh nhau, cầm hung khí hay “nhìn đểu” thấy ngứa mắt khó chịu là cả nhóm đuổi đánh và chém.

Nhóm thanh thiếu niên trú tại tỉnh Thái Nguyên bị Công an Hà Nội tạm giữ.

Nhóm thanh thiếu niên trú tại tỉnh Thái Nguyên bị Công an Hà Nội tạm giữ.

Đã là vấn nạn?

Ở trong tỉnh, hồi tháng 12/2023 cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thái Nguyên đã khởi tố vụ án “Gây rối trật tự công cộng” xảy ra ngày 29/11/2023 liên quan đến nhóm 16 đối tượng thanh thiếu niên (độ tuổi chủ yếu từ 14 đến 17, ở các huyện: Đại Từ, Phú Lương và TP Thái Nguyên).

Trước đó, cuối tháng 8/2023, Công an TP Thái Nguyên cũng đã khởi tố bị can 12 đối tượng liên quan đến các hành vi "Gây rối trật tự công cộng", "Cố ý làm hư hỏng tài sản", "Cố ý gây thương tích" gồm: Nguyễn Tiến Đạt (SN 2002), Đặng Minh Tú (SN 2003), Lương Văn Huy (SN 2004), Đỗ Quốc Huấn (SN 2003) cùng ở TP Thái Nguyên, Đỗ Văn Dũng (SN 2004, ở huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) và 7 đối tượng liên quan khác có độ tuổi từ 16 đến dưới 18 cùng ở TP Thái Nguyên và huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

Liên quan đến vụ gây rối trật tự công cộng xảy ra tối 01/6/2023 tại khu vực hồ Xương Rồng, thuộc TP Thái Nguyên, ngày 10/9/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thái Nguyên đã khởi tố vụ án, khởi tố 6 bị can về tội “Gây rối trật tự công cộng” thuộc nhóm đối tượng gồm 7 thanh, thiếu niên, đều ở xã Linh Sơn (TP Thái Nguyên).

Cũng tháng 10/2023 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phú Bình Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 21 bị can (sinh từ năm 2003 đến năm 2006) về tội Gây rối trật tự công cộng và Cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, theo quy định tại Khoản 2, Điều 318 và Khoản 1, Điều 178 - Bộ luật Hình sự.

Trong ba ngày (từ 17 đến 19/10/2023), Tòa án nhân dân TP Sông Công xét xử công khai vụ án “Gây rối trật tự công cộng” liên quan đến 42 bị cáo trong độ tuổi thanh thiếu niên. Thống kê của TAND TP Sông Công cho thấy, năm 2023, đơn vị đã thụ lý 10 vụ/49 bị cáo vị thành niên (tăng 6 vụ/44 bị cáo so với năm 2021).

Số liệu từ Công an tỉnh Thái Nguyên cho thấy, giai đoạn 2021-2022, người vi phạm pháp luật dưới 18 tuổi trên địa bàn tỉnh liên quan đến 142 vụ/270 đối tượng (tăng 34 vụ/83 đối tượng so với giai đoạn 2019-2020).

Đáng chú ý, tội danh chiếm đa số trong các vụ việc liên quan đến trẻ vị thành niên là trộm cắp tài sản (44 vụ/64 đối tượng) và cố ý gây thương tích (36 vụ/90 đối tượng).

Cùng với gia tăng về số vụ thì tính chất phức tạp và mức độ nghiêm trọng của loại tội phạm này cũng tăng lên.

Liên quan đến tội phạm là người dưới 18 tuổi, giai đoạn 2021-2022 cơ quan chức năng đã điều tra, khởi tố 63 vụ/99 bị can; xử lý hành chính 60 vụ/131 đối tượng, số vụ đang xác minh và xử lý khác là 21 vụ. Tòa án nhân dân hai cấp của tỉnh đã thụ lý 80 vụ/116 bị cáo, xét xử 78 vụ/114 vụ.

Riêng 10 tháng năm 2023, lực lượng Công an toàn tỉnh Thái Nguyên đã điều tra, xử lý 85 vụ/214 đối tượng thanh thiếu niên phạm tội, vi phạm pháp luật.

Chỉ tính riêng địa bàn TP Thái Nguyên, 10 tháng đầu năm 2023, Công an thành phố đã khởi tố 5 vụ, làm rõ trên 50 đối tượng vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm đường phố, bao gồm các tội: Gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, cướp tài sản. Trong đó, số đối tượng dưới 18 tuổi chiếm khoảng 70%.

Theo số liệu thống kê của Công an TP Sông Công, cũng trong thời gian tương tự, trên địa bàn TP xảy ra 17 vụ phạm pháp với 87 đối tượng dưới 18 tuổi, tăng 66 đối tượng so với năm 2022. Trong đó, khởi tố 4 vụ với 46 đối tượng

Nhiều giáo viên, học sinh, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành kỹ năng PCCC.

Nhiều giáo viên, học sinh, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành kỹ năng PCCC.

Giáo dục vẫn là hàng đầu

Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và Công an các huyện, thành phố tăng cường thực hiện có hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ để chủ động nắm tình hình, kiểm soát diễn biến hoạt động của các đối tượng tại địa bàn cơ sở, nhất là học sinh, sinh viên có nguy cơ phạm tội và vi phạm pháp luật; điều tra làm rõ các vụ việc phạm tội, vi phạm pháp luật do học sinh, sinh viên gây ra, nhất là những đối tượng sử dụng trái phép các chất ma túy, các đối tượng hoạt động có tổ chức, phạm tội cướp, cướp giật, cưỡng đoạt, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng... Kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật của các đối tượng là học sinh, sinh viên khi đối tượng mới manh nha hoạt động; không để tội phạm manh động, lộng hành gây phức tạp về ANTT; đồng thời có kế hoạch răn đe, cảm hóa, giáo dục các đối tượng hoặc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để quản lý, đấu tranh.

Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Thái Nguyên, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên. Tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh thường xuyên quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, không có bạo lực học đường, tệ nạn xã hội; thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, pháp luật, đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống, giao tiếp ứng xử... Bên cạnh đó, thường xuyên trao đổi thông tin về học sinh, sinh viên cá biệt, học sinh sinh viên bị kỷ luật, có nguy cơ vi phạm pháp luật...Đấy là giải pháp mang tính căn cơ.

Trước vấn nạn gia tăng nói trên, Công an tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến thanh, thiếu niên (từ ngày 5/10 đến 15/12/2023). Kết quả sau gần 3 tuần, lực lượng Công an toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 10 vụ/27 đối tượng là người chưa thành niên. Trong đó có 9 đối tượng từ 14 đến dưới 16 tuổi; 15 đối tượng từ 16 đến dưới 18 tuổi, cá biệt có 3 đối tượng dưới 14 tuổi.

Có thể thấy, sự gia tăng tội phạm ở độ tuổi vị thành niên và có xu hướng ngày càng trẻ hóa là một vấn đề rất đáng báo động. Một phần là do nhận thức còn hạn chế của thanh thiếu niên về các quy định pháp luật, một phần do định hướng của gia đình, nhà trường, xã hội đối với lứa tuổi thanh, thiếu niên chưa đạt được hiệu quả.

Đáng chú ý là tình trạng thanh thiếu niên tụ tập trên các tuyến giao thông đô thị gây mất an ninh trật tự, hay còn gọi là “tội phạm đường phố” diễn biến khá phức tạp. Không chỉ số vụ vi phạm gia tăng, thời gian gần đây còn xuất hiện tình trạng các nhóm thanh niên (20-30 người) mang theo hung khí để giải quyết mâu thuẫn với tính chất manh động, liều lĩnh.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật nói chung và cướp tài sản nói riêng, trong đó đáng kể nhất là mặt trái của kinh tế thị trường làm ảnh hưởng đến văn hóa, giáo dục, làm tha hóa biến chất, trong một bộ phận lớp trẻ hiện nay chỉ thích ăn chơi, hưởng thụ, lười học tập, lười lao động, dễ bị các đối tượng xấu lôi kéo, tụ họp thành những băng nhóm cướp để có tiền tiêu xài. Bên cạnh đó, sự thiếu quan tâm, dạy dỗ của gia đình cũng là nguyên nhân dẫn đến các em dễ lâm vào con đường tội lỗi.

Ngoài lý do các em đang trong độ tuổi trưởng thành, ham chơi, đua đòi, thiếu hiểu biết và dễ bị kích động thì nguyên nhân đầu tiên là thiếu sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục, quản lý của gia đình.

Không ít trường hợp thiếu niên vi phạm pháp luật có hoàn cảnh gia đình éo le như bố mẹ ly hôn, phạm pháp hình sự, rượu chè, cờ bạc, bị bạo lực gia đình khiến các em ít được quan tâm, dạy bảo.

Mặt khác, văn hóa phẩm độc hại, nhất là ảnh hưởng từ lối sống, cách hành xử bạo lực đăng tải tràn lan, thiếu kiểm soát trên mạng Internet cũng đã tác động trực tiếp đến một bộ phận trẻ chưa thành niên.

Để phòng ngừa tình trạng tội phạm trẻ hóa thực hiện hành vi phạm tội, trước tiên cần đẩy mạnh sự quan tâm, giáo dục từ gia đình. Bởi lẽ, gia đình có ảnh hưởng rất lớn trong việc hình thành nhân cách mỗi cá nhân. Mỗi đứa trẻ bắt đầu bắt chước hành vi, ứng xử, biểu cảm của mỗi thành viên trong gia đình. Một môi trường tốt, thân thiện được hình thành trong gia đình sẽ giúp hạn chế được việc hình thành những hành vi xấu và nhận thức xấu- La Hoàng Ly, Viện kiểm sát nhân dân huyện Đồng Hỷ, tham góp.

Vẫn biết câu chuyện thanh thiếu niên vi phạm pháp luật gia tăng thực ra không chỉ ở Thái Nguyên mà nhiều địa phương trong cả nước. Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 13.000 trường hợp người chưa đến tuổi thành niên vi phạm pháp luật.

Nhìn vào số liệu sơ bộ ở trên đủ cho thấy vấn nạn đã và đang hiện hữu trong cuộc sống chúng ta- bởi lứa tuổi phạm tội còn rất trẻ, những hành vi phạm tội diễn biến phức tạp, khó lường, tính chất và mức độ phạm tội ngày càng tinh vi và manh động. Điều này cũng cho thấy các biện pháp đấu tranh, phòng ngừa mà các ngành chức năng đang thực hiện chưa mang lại hiệu quả rõ rệt; cần có những quy định mới, những giải pháp cụ thể, đặc thù để bảo vệ những mầm xanh của đất nước trước khi quá muộn!

Theo Đời sống
Vi khuẩn Salmonella và E.coli nguy hiểm thế nào?

Vi khuẩn Salmonella và E.coli nguy hiểm thế nào?

So với E.coli, ngộ độc do Salmonella triệu chứng nặng và nguy hiểm hơn. Để đảm bảo sức khỏe, nếu nghi ngờ nhiễm khuẩn, bạn nên đi khám khi có dấu hiệu sốt cao kèm tiêu chảy, mất nước, đau bụng dữ dội,...
back to top