Tôi có 5 người chị, đều lấy chồng gần nhà và giàu có cả. Tôi là út, lấy chồng xa quê, nhưng được các chị giúp đỡ mua cho mảnh đất gần nhà ngoại, mở cửa hàng, cùng các chị buôn bán, đời sống cũng khấm khá.
Đối lập với sự đùm bọc của chị em tôi, anh em đằng nhà chồng tình cảm rất lạnh nhạt, hờ hững, cả năm có khi chẳng gặp nhau, chồng tôi cũng chẳng mặn mà gì chuyện họ mạc, quê quán. Ấy thế mà bỗng dưng một bữa ông ấy bảo tôi muốn bán nhà về quê nội ở.
Tôi sửng sốt hỏi lý do thì ông ấy bảo, cuối đời rồi, muốn về nơi chôn nhau cắt rốn. Tôi tức, kể hết những tệ bạc của anh em nhà chồng thì ông ấy bảo, dù tệ thì anh em vẫn là máu mủ, ruột rà, tôi không có quyền dè bỉu họ.
Thế rồi ông ấy bất chấp mọi lý do, nằng nặc đòi bán nhà về quê, vợ chồng cãi vã suốt. Tính ông ấy rất gia trưởng, tôi phải làm sao để chồng từ bỏ ý định đó?
Nguyễn Thị Lam (Nam Định)
Ảnh minh họa internet.
Bác Lam kính mến, tình cảm đối với quê hương, gia đình, anh em ruột thịt luôn là góc sâu kín, thiêng liêng mà có lẽ rất ít người lãng quên nó.
Có thể do cách sống, cư xử của anh em họ mạc, sự xa xôi khiến cho tình cảm với quê quán trong lòng bác trai chùng xuống, nhưng sự thực nó không hề mất đi.
Chính vì vậy, việc bác ấy bỗng dưng đòi bán nhà về quê khiến bác sững sờ, tưởng chồng như thể người khác, tuy nhiên, nó là cả một quá trình nung nấu, day dứt.
Lúc này, nếu như bác dè bỉu, phản đối quyết liệt sẽ đụng chạm tới lòng tự ái, làm tổn thương tình cảm của chồng, khiến nảy sinh những phản ứng tiêu cực.
Thay vào đó, nhất là với người có tính cách gia trưởng như bác trai, thì bác cần nhẹ nhàng, chia sẻ tâm tư cùng chồng, rồi cùng bàn bạc tìm cách tháo gỡ.
Được vợ tôn trọng và thấu hiểu, chắc chắn các ý kiến của bác đưa ra cũng sẽ được bác trai lắng nghe và cùng nhau đi tới thỏa hiệp tốt nhất cho cả hai.
Tri Giao