Covid-19 lây lan ra nhiều tỉnh: Tăng tốc truy vết, phát hiện nhanh ca mới

(khoahocdoisong.vn) - Chỉ trong 5 ngày từ ngày 25 đến 6h ngày 30/7, ổ dịch Covid Đà Nẵng đã lan ra 4 tỉnh với 43 ca dương tính. Nếu cả hệ thống y tế sẵn sàng và người dân cũng sẵn sàng tham gia kiểm dịch thì khả năng phải cách ly xã hội sẽ giảm đi.

Truy vết và cách ly nhanh

Sáng 30/7, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 thông báo 9 ca Covid-19 mới lây nhiễm trong cộng đồng. Như vậy, đến thời điểm này, Việt Nam đã ghi nhận 459 ca mắc, trong đó 276 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay, 369 ca đã khỏi. Riêng từ ngày 25/7 đến nay đã ghi nhận 43 bệnh nhân, đều là những trường hợp lây trong cộng đồng. Ổ Dịch từ Đà Nẵng đã lan ra 4 tỉnh: Hà Nội, TPHCM, Quảng Nam, Đăk Lăk.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, ngành y tế, tài chính và các địa phương cần bảo đảm năng lực cho hệ thống y tế, nhất là phương tiện, công cụ trong xét nghiệm cũng như cán bộ. Phải đẩy mạnh truy vết và cách ly nhanh, tăng cường năng lực, thực hiện xét nghiệm trên diện rộng tại Đà Nẵng và các địa phương có ca nhiễm trong cộng đồng. Đối với người đã tiếp xúc với người bệnh, cần cách ly ngay, đồng thời theo dõi, giám sát y tế chặt chẽ. Người đã có biểu hiện ho, sốt cần được xét nghiệm ngay.

Thủ tướng cũng giao Chủ tịch UBND các tỉnh thành tùy diễn biến dịch quyết định mức nguy cơ và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với từng mức nguy cơ. 

Tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Thành phố chỉ đạo rà soát, sàng lọc, phát hiện nhanh, khoanh vùng, xét nghiệm sớm, nhất là những trường hợp đi TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam trở về Hà Nội từ ngày 8/7/2020. Theo báo cáo, qua rà soát, trong số 21.000 người từ Đà Nẵng về có 87 trường hợp có triệu chứng sốt, ho, khó thở. Đã lấy mẫu xét nghiệm và hướng dẫn tự cách ly tại nhà, có 6 trường hợp âm tính, còn lại đang đợi kết quả. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu trong 3 ngày tới phải xét nghiệm xong cho khoảng 21.000 người về từ Đà Nẵng.

Xét nghiệm nhanh để khống chế lây lan Covid-19.

Xét nghiệm nhanh để khống chế lây lan Covid-19.

Tại Đăk Lăk, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị đã ký văn bản triển khai giãn cách xã hội, tạm đình chỉ hoạt động các khu vui chơi, giải trí, karaoke, quán bar, vũ trường, rạp chiếu phim. 

Tại TPHCM đã khoanh vùng, xử lý ổ dịch ca lây nhiễm. Trong 36 giờ qua, TPHCM đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm gần 6.000 trường hợp và có 9.000 lượt khai báo y tế. Theo ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nếu cả hệ thống y tế sẵn sàng và người dân cũng sẵn sàng tham gia kiểm dịch thì khả năng phải cách ly xã hội sẽ giảm đi.

Tìm hướng điều trị cho các bệnh nhân nặng

GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho  biết, chủng virus trên bệnh nhân tại Đà Nẵng là chủng thứ 6 phân lập được tại Việt Nam từ đầu dịch. Kết quả giải trình tự gene và so sánh với các số liệu trên ngân hàng gene quốc tế cho thấy virus phân lập trên BN tại Đà Nẵng giống với một số chủng lưu hành ở Bangladesh và một số quốc gia khác, ở thời điểm cuối tháng 6, đầu tháng 7. Tuy nhiên, nguồn gốc chủng này từ đâu ra, chúng ta chưa xác định được. Nhưng có lẽ bắt nguồn từ những người từ nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, theo con đường không chính thống. 

Cũng theo GS.TS Đặng Đức Anh, hiện chưa có khẳng định về biến đổi độc lực của SARS-CoV-2. Viện đang có kế hoạch giải trình tự gene các chủng ở nhóm BN dương tính SARS-CoV-2 được cách ly ở Thanh Hóa (BN về từ Bangladesh) để so sánh với những BN ở Đà Nẵng. 

GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, nhận định, SARS-CoV-2 có những biến đổi liên tục trong quá trình lan tràn ra toàn thế giới. Hiện tại, virus này có tới 99 chủng đã được biết, trong đó tại Việt Nam đã ghi nhận 6 chủng. Các biến chủng mới, bao gồm cả chủng vừa được phát hiện tại Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần chủng cũ. 

Ông Kidong Park, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, sự xuất hiện các ca mắc mới Covid-19 tại Đà Nẵng là không đáng báo động, chủng virus này có độc lực không khác với virus lây lan ở các quốc gia khác. Mặc dù có các đột biến xuất hiện trong chủng virus này nhưng không có lý do nào làm gia tăng lo ngại. 

Tuy nhiên, trong số bệnh nhân mới mắc ngoài cộng đồng, có nhiều ca bệnh nặng, trong đó có 6 ca là bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh nền. Các bệnh nhân này liên tục được các chuyên gia hội chẩn, đưa ra phương án điều trị thích hợp. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị, các bệnh viện đang điều trị nếu gặp khó khăn, phải khẩn trương có kế hoạch để Bộ Y tế có kế hoạch chi viện thêm và chuyển bệnh nhân theo phân tuyến điều trị để giảm thiểu tử vong.  

Ngoài các biện pháp như thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, hoặc bằng dung dịch sát khuẩn có cồn (ít nhất 60% cồn); Đeo khẩu trang nơi công cộng; Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy, khăn vải, khuỷu tay áo; Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý xây dựng lối sống lành mạnh; Vệ sinh thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc; Tự cách ly, theo dõi sức khỏe, khai báo y tế đầy đủ nếu trở về từ vùng dịch... người dân có thể cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid-19, giúp bảo vệ bản thân và gia đình: https://www.bluezone.gov.vn/.

Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top