Con đường lây truyền virus gây bệnh tay chân miệng... biến chứng nguy hiểm

Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi. Bệnh tay chân miệng có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch. Bệnh rất nguy hiểm nếu không phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời.

Bệnh tay chân miệng lây qua đường nào?

Bệnh tay chân miệng lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp và đường tiêu hóa. Virus gây bệnh tồn tại trong nước bọt, dịch hắt hơi, sổ mũi, phân, dịch vỡ bóng nước trên da, niêm mạc,... Sinh bệnh học của các chủng siêu vi này làm cơ thể tăng bài tiết các dịch tiết khi mắc bệnh.

Trẻ hắt hơi, chảy mũi, ngậm mút đồ chơi chung với nhau là con đường lây truyền thuận lợi. Khi bị phát tán ra ngoài, virus vẫn có thể tồn tại khá lâu trong môi trường nhiệt độ phòng, bám lên đồ dùng, đồ chơi, sàn nhà, ly chén, khăn, quần áo. Nếu một trẻ khỏe mạnh tiếp xúc chung trong môi trường này thì rất dễ bị lây nhiễm.

Tuy nhiên, tay chân miệng không phải chỉ ảnh hưởng đến trẻ em. Vẫn có các báo cáo về những trường hợp người lớn bị tay chân miệng lây truyền từ trẻ mắc bệnh khi chăm sóc, vệ sinh cho trẻ.

Ảnh minh họa. Ảnh: internet.

Ảnh minh họa. Ảnh: internet.

Cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng

Theo các chuyên gia, sau khi bị tay chân miệng, đa số các trẻ sẽ hồi phục bình thường và không có biến chứng nguy hiểm nào. Tuy nhiên, một trẻ có thể bị tay chân miệng nhiều lần trong đời, vì vậy bố mẹ không được chủ quan nghĩ rằng bé bị tay chân miệng rồi sẽ không bị nữa.

Chúng ta biết, bệnh tay chân miệng lây qua giọt bắn hoặc nước bọt, nên những em bé không tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mà những bố mẹ hoặc người khác tiếp xúc như cô giáo chẳng hạn, về nhà mà không rửa tay sạch sẽ thì khi tiếp xúc với con thì virus lại lây sang. Do đó quan trọng nhất vẫn là nên tăng cường vệ sinh sạch sẽ phòng bệnh.

Virus gây bệnh tay chân miệng nó tồn tại ở dịch đường hô hấp, dịch nước bọt, dịch nốt phỏng cũng không lâu nhưng tồn tại trong phân rất lâu, thậm chí đến một tháng. Và ngoài ra, nhiều khi bố mẹ là người mang virus gây bệnh nhưng không có triệu chứng nên có thể là nguồn bệnh. Thực tế, có nhiều bé không đi học mẫu giáo, hàng xóm cũng không có bé nào mắc bệnh tay chân miệng, trong nhà cũng không có anh chị em khác nhưng em bé vẫn bị bệnh là chuyện có thật, là do lây nhiễm từ phụ huynh

Chúng ta phải đối mặt với sự thật và có những biện pháp phòng ngừa nhưng không có hiệu quả cao bởi vì bệnh tay chân miệng hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh. Một số biện pháp phòng tay chân miệng bố mẹ có thể áp dụng để giảm thiểu khả năng lây lan tay chân miệng như:

Không tiếp xúc với bệnh nhân tay chân miệng;

Rửa tay với xà phòng/xà bông/nước rửa tay đúng cách sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi ăn. Người chăm sóc trẻ bị tay chân miệng cần rửa tay đúng cách sau khi tiếp xúc với trẻ;

Vệ sinh nhà cửa, khử khuẩn thường xuyên;

Hạn chế đến những nơi đông người, đặc biệt trong giai đoạn dịch đang có những chuyển biến phức tạp;

Nếu gia đình có nhiều trẻ, mẹ không nên cho trẻ ti chung dù 1 trong 2 trẻ đã bị bệnh và khỏi, virus còn tồn tại khá lâu sau khi trẻ khỏi bệnh nên vẫn có khả năng lây nhiễm.

Thực hiện ăn chín, uống sôi, không nên mớm thức ăn cho trẻ; rèn luyện cho trẻ thói quen không bốc thức ăn bằng tay, ngậm mút tay hoặc đồ chơi;

Khử trùng các dụng cụ như khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, chén, ly, thìa, đũa…;

Khi thấy trẻ bị sốt cần đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán bệnh kịp thời./.

Thông tin 2 vụ tử vong nghi mắc tay chân miệng ở TP HCM và Đắk Lắk

Chiều 30/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk thông tin, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận 1 trường hợp bệnh nhi tử vong do bệnh tay chân miệng. Bệnh nhân là T.H.A (nam, SN 2022) trú tại Tổ dân phố 1, phường Thiện An, thị xã Buôn Hồ.

Ngày 1.6, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cho biết có 1 bệnh nhi tử vong nghi do bệnh tay chân miệng.

Bệnh nhi là một cháu bé 5 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang. Khai thác bệnh sử, trước đó bé đã có biểu hiện của bệnh tay chân miệng, được đưa vào một bệnh viện ở tỉnh Tiền Giang, sau đó chuyển lên tuyến trên vì biến chứng nặng. Khi chuyển vào bệnh viện chuyên khoa nhi tuyến cuối ở TPHCM, cháu bé 5 tuổi đã biến chứng nặng, được chẩn đoán mắc tay chân miệng độ 4 và tử vong sau đó.

Theo Đời sống
back to top