Có nên uống nước đun sôi để nguội qua đêm?

Uống nước đun sôi để nguội là thói quen tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc uống nước đun sôi để nguội qua đêm có tốt không?
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Uống nước đun sôi để nguội qua đêm có tốt không?

Trong quá trình đun sôi nước, nhiệt độ cao sẽ giết chết vi sinh vật có hại. Nước đun sôi có thể được giữ ở nhiệt độ phòng trong 6 tháng với điều kiện sử dụng nguồn nước sạch, đun sôi và bảo quản đúng cách.

Đun sôi đúng cách là nước sôi mạnh trong 1 phút và bảo quản đúng cách là nước được đựng trong các bình/chai thuỷ tinh đã tiệt trùng, tránh mở nhiều lần và đặt ở nhiệt độ phòng không quá 21 độ C.

Tuy nhiên, trong thời tiết nắng nóng, nhiệt độ hầu hết đều trên 21 độ, đồng thời bảo quản không đúng cách, các loại vi sinh vật dễ dàng xâm nhập vào nước. Thời gian tiếp xúc trong không khí càng lâu, số lượng vi sinh vật càng nhiều, chất lượng nước càng kém và nguy cơ gây hại cho con người càng cao.

Để đảm bảo an toàn, chỉ nên sử dụng nước đun sôi để nguội trong vòng 24 giờ, tránh ánh nắng trực tiếp. Để nước nguội hoàn toàn ở nhiệt độ phòng trước khi cho vào tủ lạnh. Hoặc có thể dùng bình nước lớn đã tiệt trùng, đậy chặt nắp có vòi chảy khi lấy nước để tránh mở nắp thường xuyên.

Trong môi trường thích hợp, vi khuẩn E.coli có thể sinh sản 2 triệu con trong một đêm. Mặc dù không ảnh hưởng quá lớn đối với sức khỏe con người nhưng những người ốm yếu hoặc trẻ nhỏ không nên uống nước đun sôi để nguội qua đêm hoặc để lâu ngày.

Nhiều người có thói quen nấu 2 - 3 ấm nước đun sôi để nguội dùng dần trong vài ngày mà chưa bao giờ nghĩ rằng nước sôi để nguội qua đêm là không tốt cho sức khỏe. Nên dùng nước đun sôi để nguội trong ngày hoặc tối đa 3 ngày sau khi nấu. Dù nước đun sôi ở nhiệt độ 100 độ C nhưng sau khi để nguội hơn 2 giờ, vi khuẩn lại xuất hiện trở lại và sau 24 giờ số lượng vi khuẩn có thể tăng thêm. Nước đun sôi để nguội lâu ngày còn tạo ra muối nitrat có tính axit, là chất gây ung thư. Ngoài ra, trong nước còn chứa kim loại nặng cũng gây hại cho sức khỏe. Vì vậy, nếu thói quen đun nước sôi lâu ngày sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Bảo quản nước đun sôi để nguội như thế nào?

Nếu dùng nước đóng chai mà uống không hết thì nên đổ bỏ hoặc rửa sạch chai rồi cho nước vào uống tiếp. Phải chú ý đến nguồn nước uống sạch, an toàn.

Cách bảo quản tốt nhất là uống hết nước đun sôi để nguội trong vòng 24 giờ để tránh tái nhiễm vi khuẩn vì nước đun sôi để nguội có bảo quản kỹ đến đâu thì vi khuẩn vẫn có thể xâm nhập trở lại.

Nước đun sôi để nguội nên được đựng trong bình thuỷ tinh sạch sẽ, đã được tiệt trùng theo tiêu chuẩn y tế. Không sử dụng bình nhựa, chai nhựa tái chế để đựng nước.

Cách tốt nhất để bảo quản nước đun sôi để nguội là đựng trong bình kín, đậy kín nắp và có vòi xả nước mỗi khi dùng.

Uống nước đúng cách

Ngồi khi uống nước: cách giúp có thể cân bằng được lượng chất lỏng trong cơ thể, hạn chế việc tích tụ chất lỏng, làm hại đến các vấn đề về xương khớp. Ngồi uống nước còn có tác dụng giúp dây thần kinh, thận có thể hoạt động thư giãn hơn.

Uống nước từng ngụm nhỏ: Uống một lượng nước lớn một lúc sẽ không tốt cho cơ thể. Nó khiến dạ dày cảm thấy bị khó chịu, có thể gây ra hiện tượng sặc nước. Vì thế, uống nước từng ngụm nhỏ giúp chúng có thời gian hòa quyện và ổn định với axit trong dạ dày. Ngoài ra, nó giúp làm dịu và không gây áp lực lên hệ tiêu hóa.

Uống nhiều nước, uống nhiều lần trong ngày: Uống nhiều nước nhưng uống nước nhiều lần trong ngày là cách giúp cơ thể chúng ta hoạt động hài hòa hơn. Uống đều nước còn có tác dụng giúp bạn có thể giảm cân. Vì nó sẽ giúp cơ thể tạo cảm giác no, không ăn quá nhiều khi đến bữa.

Không uống quá nhiều nước trước bữa ăn: Uống nhiều nước trước bữa ăn sẽ khiến dạ dày của bạn không có chỗ chứa thêm thức ăn. Lúc này, thức ăn nạp vào dạ dày sẽ không đủ không gian để thực hiện hoạt động tiêu hóa, gây khó chịu và tức bụng.

Không uống nước trong bữa ăn: Khi thức ăn vào cơ thể, dạ dày sẽ hoạt động dưới tác dụng nghiền nhỏ thức ăn, tiết ra dịch vị để tiêu hóa thức ăn. Từ đó, giúp các chất hấp thụ vào cơ thể được dễ dàng hơn. Nếu uống nước trong khi ăn sẽ khiến dạ dày hoạt động nhiều hơn để tiêu hóa lượng nước cùng thức ăn.

Uống nước ngay sau khi vừa thức dậy: Khi ngủ, các cơ quan trong cơ thể vẫn hoạt động bình thường. Vì vậy, sau một đêm cơ thể sẽ thiếu đi một lượng nước lớn. Uống nước khi mới thức dậy giúp bổ sung nước cho cơ thể và thải độc hiệu quả. Ngoài ra, uống một cốc nước sau khi thức dậy sẽ giúp hydrat hóa, giữ cho cơ thể tươi trẻ, tránh được nhiều bệnh nhiễm trùng tiềm ẩn, tích tụ bên trong cơ thể.

Theo Đời sống
back to top