Có nên lấy cao răng?

Cao răng (hay vôi răng) là thủ thuật nên được thực hiện định kỳ, đặc biệt đối với người mắc các bệnh về nướu, răng nhạy cảm, viêm nha chu hoặc viêm lợi.

Việc không lấy cao răng định kỳ có thể dẫn đến một số ảnh hưởng như viêm lợi, đánh răng chảy máu, miệng có mùi hôi. Ảnh: Belmontdentistry.

Cao răng được hình thành thế nào?

Theo TS.BS Bùi Việt Hùng, Phó chủ nhiệm khoa Răng Miệng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, sau khi ăn khoảng 15 phút, trên bề mặt răng sẽ xuất hiện một lớp màng mỏng. Nếu màng này không được làm sạch, vi khuẩn sẽ kéo đến và tích tụ ngày càng dày lên, gọi là mảng bám.

Khi mảng bám còn mềm, có thể làm sạch bằng bàn chải hoặc chỉ nha khoa. Thế nhưng, khi tồn tại lâu, mảng bám sẽ bị vôi hoá bởi hợp chất muối vô cơ trong nước bọt và cặn mềm (mảnh vụn thức ăn, các chất khoáng trong môi trường miệng), xác tế bào biểu mô, sự lắng đọng sắt của huyết thanh…

Lúc này, mảng bám sẽ trở nên cứng, bám rất chắc vào bề mặt răng hoặc dưới mép lợi, gọi là cao răng (vôi răng). Chỉ có nha sĩ mới có thể làm sạch cao răng bằng các dụng cụ chuyên dụng.

Cao răng có hai loại: cao răng thường và cao răng huyết thanh. Khi cao răng thường gây viêm, lợi ở vùng viêm sẽ tiết dịch và chảy máu, máu ngấm vào cao răng thường tạo nên màu nâu đỏ. Lúc này, mảng cao răng đó được gọi là cao răng huyết thanh.

Vì sao cần lấy cao răng?

Việc không lấy cao răng định kỳ có thể dẫn đến một số ảnh hưởng như viêm lợi, đánh răng chảy máu, miệng có mùi hôi. Cao răng cũng có thể gây viêm nha chu, dẫn đến tiêu xương làm răng bị đau, ê buốt khi ăn uống, nặng hơn có thể gây lung lay và rụng răng.

Ngoài ra, cao răng còn gây ra viêm tủy ngược dòng. Vi khuẩn trong mảng cao răng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh ở niêm mạc miệng (viêm niêm mạc miệng, loét aphthe mà dân gian vẫn gọi là bệnh lở miệng), bệnh ở vùng mũi họng (viêm amidan, viêm họng), bệnh tim mạch.

Việc làm sạch cao răng cần được thực hiện định kỳ. Ảnh: Freepik.

Các phương pháp lấy cao răng hiện nay

Theo các bác sĩ Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM, cao răng cần được làm sạch định kỳ 3-6 tháng/lần. Có nhiều phương pháp lấy cao răng, trong đó, phổ biến nhất hiện nay là:

Lấy bằng máy thổi cát: Làm sạch cao răng khá tốt và hạn chế được lây nhiễm chéo. Thế nhưng, phương pháp này lại dễ làm rỗ bề mặt răng do những hạt cát được phun ra trong quá trình làm sạch, răng dễ nhiễm màu và tạo điều kiện cho mảng bám hình thành nhanh hơn. Lấy bằng máy siêu âm: Là phương pháp lấy cao răng triệt để, mang đến cảm giác êm ái. Những người nhiều cao răng nên sử dụng phương pháp này thay vì máy thổi cát (rất khó lấy cao răng dưới nướu).

Để ngăn ngừa hình thành cao răng, bạn cần đánh răng đúng cách sau khi ăn. Bên cạnh đó, nên sử dụng chỉ nha khoa kết hợp với ngậm nước súc miệng để lấy sạch mảnh vụn thức ăn ở kẽ răng. Kiểm tra răng miệng định kỳ 3-6 tháng/lần, nhất là trẻ nhỏ rất cần khám răng định kỳ và lấy cao răng thường xuyên theo chỉ định của nha sĩ.

Theo Đời sống
6 tips chăm sóc da tay mềm mại trong mùa hanh khô

6 tips chăm sóc da tay mềm mại trong mùa hanh khô

Vào mùa hanh khô, độ ẩm không khí xuống thấp khiến cho da tay trở nên thô ráp và nứt nẻ. Hãy áp dụng một số mẹo đơn giản sau đây để chăm sóc da tay tại nhà, giúp bạn tự tin hơn trong cuộc sống.
back to top