Chuyện kể tiến sỹ áo dài

Tiến sỹ áo dài là cách gọi đầy thân thương của mọi người dành cho PGS.TS Nguyễn Thị Phương Trang, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Tiến sỹ áo dài là cách gọi đầy thân thương của mọi người dành cho PGS.TS Nguyễn Thị Phương Trang.

Gặp và trò chuyện cùng PGS.TS Nguyễn Thị Phương Trang, có lẽ không ai là không bị cuốn hút bởi ánh mắt sáng, nụ cười tươi tắn, giọng nói ấm áp đầy nội lực và đặc biệt là nét duyên dáng của chị trong tà áo dài truyền thống.

Hình ảnh chị trên giảng đường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, không chỉ là tà áo dài phấp phới mỗi ngày, mà là cả một tâm hồn yêu và tâm huyết với ngôn ngữ học, một người truyền cảm hứng đầy nhiệt huyết cho sinh viên ngành học vốn được coi là khô khan này.

Sự hóa giải của tình yêu

Ngôn ngữ học là ngành học với bốn chữ “KH”: khó, khô, khờ, khổ – đó là những gì mà PGS.TS Nguyễn Thị Phương Trang được “cảnh báo” từ thời sinh viên, khi bắt đầu đến với ngôn ngữ học.

Tuy nhiên, với những gì mà chị biết từ bé về những tác phẩm văn chương, về những câu chữ tiếng Việt, chị lại thấy nó rất thú vị, rất thích tìm hiểu, khám phá. Chính sự háo hức trong chị cộng thêm những lời “dọa dẫm” từ các thầy càng khiến chị thêm tò mò, coi đó như một thách thức mà mình phải chinh phục.

Càng tiến bước trên con đường nghiên cứu, chinh phục nó, chị càng thấy mình có thêm nhiệt huyết, hứng khởi. Chị vẫn nói với sinh viên, nếu được chọn lại chị sẽ vẫn chọn ngôn ngữ học.

Chị quan niệm khó thì khó thật, nhưng đã làm khoa học thì ngành nào cũng khó. “Trước bất cứ điều gì, khi không hiểu về nó, chỉ thấy mơ hồ, mông lung, không nắm bắt được, không chế ngự được nó, tất sẽ sợ. Với ngôn ngữ học cũng vậy. Nhưng chính những gì mình không hiểu, không nắm bắt rõ lại càng khuyến khích mình phải học, phải đọc, phải hỏi”, chị Trang chia sẻ.

Chị cho rằng mình may mắn khi được học với nhiều thầy giỏi, khi có những chuyên gia tuyệt vời luôn đồng hành, sẵn sàng chỉ dẫn cho mình con đường tìm ra câu trả lời cho những gì còn chưa thực sáng rõ.

“Mình không bao giờ trả lời vội vàng trước mỗi câu hỏi khó của sinh viên khi mình không chắc về điều đó. Ngược lại, mình coi đó là thách thức, là cơ hội để tìm tòi, học hỏi. Và khi mình tìm được câu trả lời, tìm được hướng đi, khi mọi thứ đã sáng tỏ thì không còn là khó nữa; thay vào đó là niềm vui, niềm hạnh phúc đã chinh phục được cái khó ấy”.

“Được làm việc mình yêu và có ý nghĩa thì không bao giờ là khờ dại. Và khi sự lựa chọn đem lại cho mình hạnh phúc, nó sẽ bù đắp hết những khó khăn, vất vả mình phải trải qua để đạt được hạnh phúc ấy”.

Còn với chữ “khô”, chị Trang mỉm cười thừa nhận đúng là ngôn ngữ học khô thật, “nhưng đấy là khi mình không biết cách … làm cho nó ướt”. Với những suy nghĩ tích cực, với niềm say mê, và trên tất cả là tình yêu với ngôn ngữ học, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Trang đã hóa giải bốn chữ “KH”, không còn “khó – khô – khờ – khổ”, mà chỉ thấy hay, thấy hạnh phúc với lựa chọn của mình.

Mỗi ngày một câu chuyện cuộc sống

Tiếp tục câu chuyện về ngành ngôn ngữ học khô khan, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Trang cho rằng nếu chỉ dạy lý thuyết thì ngành nào cũng khô, chị đùa: “khô như ngói phơi nắng ba năm, không một giọt mưa ấy chứ”.

Để làm cho nó “ướt”, để cuốn hút được sinh viên, truyền được cho sinh viên cảm hứng và tình yêu với ngôn ngữ học thì chính mình phải thực sự yêu. Khi có tình yêu mình sẽ tìm được phương cách tốt nhất để bày tỏ nó, khiến nó lan tỏa và cuốn hút.

Chính vì vậy chị luôn nghĩ “bài học không chỉ là kiến thức trên lớp, trong sách vở, mà nó phải là đời sống. Nhiệm vụ truyền tải kiến thức là nhiệm vụ quan trọng, nhưng không phải duy nhất. Bài học mỗi ngày nếu chỉ bắt đầu bằng câu: “Hôm nay chúng ta học về…” thì đơn điệu, tẻ nhạt lắm. Có biết bao điều có thể gửi gắm qua mỗi giờ lên lớp!”

PGS. TS Nguyễn Thị Phương Trang thường bắt đầu bài giảng của mình bằng việc kể với học trò những câu chuyện, khi thì những bài học kinh điển trong sách vở, khi chỉ đơn giản là những câu chuyện từ cuộc sống.

“Chẳng hạn, hôm nay đi đường cô thấy những bình nước uống miễn phí để ở vỉa hè, đẹp và ấm lòng lắm các em ạ…”. Mình muốn sinh viên thấy được vẻ đẹp cuộc đời bình dị, thấy những điều tử tế ở xung quanh, thấy đươc giá trị cuộc sống từ những điều rất nhỏ, rất đáng trân trọng.

Những câu chuyện mình kể với học trò không phải những câu chuyện vu vơ, dù có thể nó đến rất ngẫu nhiên, không định trước, nhưng nó đều gắn với bài học; học trò sẽ nhớ hơn bài giảng hôm ấy, gắn với câu chuyện ấy, khung cảnh ấy…”

Mỗi ngày, mỗi giờ dạy, khi đứng trên lớp PGS.TS Phương Trang luôn dồn hết tình cảm, tâm huyết vào bài giảng, để khi bước xuống bục giảng là mệt nhoài. Nhưng bù lại là niềm vui, niềm hạnh phúc mà chị nhận lại từ tình yêu của học trò, từ những nguồn cảm hứng, say mê với ngôn ngữ học mà chị có thể truyền đến cho học trò.

“Mình luôn nghĩ nếu mình hờ hững với những điều mình nói sẽ không chỉ làm học trò chán, mà chính mình cũng không thể yêu nổi mình, sẽ không còn đủ cảm hứng, đam mê với nghề nữa. Cho nên nếu lên lớp chỉ để nói cho xong thì mình sẽ không làm”.

“Mình luôn yêu thích những bữa cơm gia đình vì ở đó có thể cùng bố mẹ đàm luận về những vấn đề của ngôn ngữ, văn chương, hay những câu chuyện cuộc đời. Rất nhiều sẻ chia tâm đắc, và cũng có cả những tranh luận nho nhỏ đôi khi. Những bữa cơm gia đình như vậy rất vui, luôn đem lại cảm giác vô cùng thú vị và ấm áp”, PSG.TS Nguyễn Thị Phương Trang chia sẻ.

Thông điệp từ tà áo dài

Khi lên giảng đường, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Trang đều “diện” áo dài.

Mỗi thông điệp chị Trang truyền đến học trò không chỉ được thể hiện từ cách nói, từ biểu cảm, giọng điệu, mà cả từ trang phục chị mặc mỗi ngày. Đó là tà áo dài truyền thống. Chị có niềm yêu thích đặc biệt với tà áo dài, và luôn mặc nó khi lên lớp.

“Từ ngày đầu đi dạy mình đã thích mặc áo dài. Ngày đó nghèo lắm, chỉ có 2-3 chiếc thôi, vào những ngày được mặc áo dài thì rất thích. Cảm thấy mình đứng trên bục giảng duyên dáng hơn, cuốn hút hơn”, chị Trang chia sẻ.

Năm 2003- 2005 chị giảng dạy ở trường Đại học Thương mại Nagoya của Nhật, khi ấy toàn bộ “gia tài” có 10 chiếc áo dài chị mang đi hết. Lên lớp, chị mặc áo dài, bởi chị cho rằng đó là trang phục phù hợp nhất khi đi dạy, đặc biệt là khi mình ở nước ngoài và dạy tiếng Việt, văn hóa Việt.

Chị Trang cho biết chị không có sở thích về trang sức hay những bộ thời trang hiện đại, hợp mốt và đắt tiền; chị yêu thích bộ áo dài giản dị, thướt tha. Hiện nay bộ sưu tập áo dài của chị đã lên đến hơn trăm chiếc.

Mỗi ngày là một tà áo dài duyên dáng, mềm mại giữa giảng đường, chị muốn cho sinh viên thấy rằng giữa vô vàn những trang phục của đời sống, tà áo dài truyền thống đẹp vô cùng, không bao giờ cũ, không phải loay hoay chạy theo kiểu này mốt kia.

Với những tà áo dài thân thương, chị muốn sinh viên có thêm một niềm vui ở giảng đường, thêm yêu thích và gắn bó hơn với giảng đường, với ngành học mà chị là người truyền cảm hứng…

Tình yêu ngôn ngữ học, yêu nghề giáo ở chị Trang có lẽ được hun đúc một cách tự nhiên từ truyền thống gia đình. Bố chị là GS.TSKH. Nguyễn Quang Hồng, giáo sư ngành ngôn ngữ học, mẹ là tiến sĩ văn học Phan Diễm Phương, từ nhỏ chị đã được nuôi dưỡng và lớn lên trong niềm yêu thích, đam mê ngôn ngữ, văn chương. Tình yêu ấy lớn dần một cách tự nhiên trong chị, cho nên việc chị đi theo con đường này là một lẽ dĩ nhiên phải thế, không suy tính, băn khoăn.

Đức Anh

Theo Đời sống
"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố của J&T Express cho thấy, thói quen mua sắm trực tuyến của người Việt phát triển mạnh mẽ trong dịch và duy trì khá bền vững sau đó. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không chỉ ở các thành phố lớn mà đang "bùng nổ" ở nông thôn.
back to top